Liên tiếp sạt lở khốc liệt ở miền Trung: Thảm họa đã được báo trước?
Một số chuyên gia địa chất cho rằng, sạt lở đất ở miền Trung đã được cảnh báo từ trước nhưng không ai nghe, không được ủng hộ.
Những bi kịch dồn dập
Hai cơn bão số 8 và số 9 vừa quét qua dải đất miền Trung tiếp tục để lại nhiều tang thương, mất mát. Trong khi các lực lượng chức năng đang cố gắng từng ngày tìm kiếm những nạn nhân mất tích tại Thủy Điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) thì chỉ trong hai ngày 28 - 29/10, tỉnh Quảng Nam xảy ra 3 vụ sạt lở đất nghiêm trọng, làm hàng chục người bị chết và mất tích. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My hôm 28/10 làm 45 người mất tích. Vụ sạt lở ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn cũng làm 11 người bị vùi lấp.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, khu vực miền Trung đã xảy ra nhiều sự cố sạt lở gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm hơn trăm người thương vong. Đầu tiên là sự cố sạt lở ở công trình thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vùi lấp 17 người; vụ sạt lở này cũng đã khiến 13 người thuộc Đoàn tìm kiếm cứu nạn tử vong trong đêm 13/10.
Rạng sáng ngày 18/10, sạt lở đất ở xã Húc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng đã vùi lấp 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337. Trước đó, tối ngày 17/10, ở thôn Tà Rùng, xã Húc cũng xảy ra sự cố sạt lở đất, vùi lấp 6 người trong một gia đình.
Nghịch lý giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường
Những bi kịch dồn dập đang nhắc lại một lẽ tất yếu: Con người là một phần bé nhỏ của thiên nhiên, vị trí của người là một mảnh ghép hòa hợp với thiên nhiên, vai trò của người là sống đúng phần của mình.
Nhìn những thảm đất trống đồi trọc thay thế mảng rừng xanh bạt ngàn nơi đầu nguồn, dự báo về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã được cảnh báo từ lâu nhưng những công trình trái phép lấn đất rừng, khai phá thửa rừng để dựng khu nghỉ dưỡng, biệt phủ, sân golf vẫn ngang nhiên xâm phạm vào rừng. Cây cổ thụ vẫn bị đốn hạ không thương tiếc. Cuộc chạy đua làm công trình thủy điện vẫn chưa dừng lại, nhiều diện tích rừng tự nhiên vẫn ngày đêm “chảy máu”.
Theo các chuyên gia, “địa chất khu vực từ Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Nam là vùng địa hình dốc, đất yếu. Mưa lớn thì nguy cơ trượt đất, sạt lở rất cao. Bình thường đã thế, việc san đất, xẻ núi, làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng... lại càng tác động đến kết cấu địa hình khiến nguy cơ càng lớn hơn. Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lớn bất thường, nguy cơ càng cao hơn gấp bội”, một chuyên gia về Thủy lợi chia sẻ.
Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở Việt Nam luôn tồn tại mâu thuẫn và nghịch lý.
Chúng ta đang chứng kiến rất rõ sự trả giá vì mất rừng. Mất rừng, lũ lụt xảy ra ở ngay thượng nguồn chứ không phải hạ lưu. Cũng vì mất rừng mà những cơn lũ sẽ đổ thẳng từ thường lưu xuống hạ lưu mà không có gì ngăn cản càng khiến con người khó đề phòng, chống đỡ. Vì mất rừng mà thiệt hại do thiên tai gây ra ngày càng lớn…
Đây là điều không phải các nhà quản lý và nhà khoa học không biết. Rất nhiều người đã lên tiếng về tình trạng phá vỡ quy hoạch thủy điện, các hiểm họa nhãn tiền. Nhưng chưa có giải pháp khả thi, hữu hiệu nào được đưa ra để “xử lý” vấn đề.
Thảm họa đã được cảnh báo?
Dưới góc nhìn địa chất, những sự cố sạt lở liên tiếp xảy ra, gây hậu quả nặng nề ở các tỉnh miền Trung trong những ngày vừa qua là do khu vực này đã lâm vào tình cảnh “lũ chồng lũ”. Chỉ từ giữa tháng 9 đến nay, liên tiếp 5 cơn bão, trong đó bão số 9 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây đổ bộ vào khu vực này; gió bão vừa dứt là mưa xối xả.
Lý giải về nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở đất liên tiếp ở miền Trung TS. Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản cho rằng, do sự thay đổi đột ngột của thời tiết, cộng với những thay đổi khi những sườn đồi này bị tác động bởi bàn tay con người.
Đối với các sườn dốc, nước là kẻ thù số 1. Mưa to dài ngày như ở miền Trung tháng 10 vừa rồi làm cho các sườn dốc giữ nước. Nước khiến cho các sườn dốc nặng hơn rất nhiều. Chính nước làm yếu đi tính chất cơ lý của đất đá. Tính kháng trượt của sườn dốc yếu đi rất nhiều. Hai yếu tố cộng hưởng cùng lúc là nguyên nhân gây ra sạt lở liên tục ở miền Trung.
Trong khi đó, chia sẻ với báo Lao động, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đánh giá, tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung có thể được cảnh báo trước.
Từ xưa đã có cảnh báo nếu xây dựng hồ chứa và đập tràn ở miền Trung thì phải cẩn thận vì đất không thấm nước, không đắp được vì không thấm nước nhưng đã không có nhiều nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này ở miền Trung, chỉ có Viện Địa chất và khoáng sản từng cảnh báo ở Thừa Thiên Huế"- GS Hồng chia sẻ.
Theo GS Hồng, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã từng lập bản đồ sạt lở ở Rào Trăng 3.
Các nhà khoa học đã nói, nhưng không ai nghe, không được ủng hộ.
"Sạt lở đất đã được cảnh báo rồi, Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản đã có báo cáo từ năm 2019, đến tháng 6/2020 đưa ra bản đồ sạt lở, nhưng tỉnh Thừa Thiên Huế không triển khai.
Từ dự báo cảnh báo của các chuyên gia, thì chúng ta phải đặt ra vấn đề chỗ nào sạt lở và bao giờ sạt lở để phòng tránh từ trước. Chúng ta đã mất nhiều người ở Rào Trăng 3. Rất đau xót"- GS Hồng nói.
Giải pháp nào để sống chung với nguy cơ sạt lở núi
Trong khi đó, trao đổi với Zing, PGS.TS Lê Văn Thăng, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế, nhìn nhận hiện tượng trượt lở đất ở khu vực miền Trung rất phức tạp, khó lường.
Khu vực dân cư ở các chân núi, lưng đồi là nơi mất an toàn nhất. Nguy cơ trượt lở không chỉ là trong và sau khi bão lũ xảy ra mà lúc nào cũng thường trực, chỉ chờ các điều kiện tự nhiên, khí hậu bất thường để nảy sinh.
Trước mắt, ông đề nghị chính quyền nhanh chóng hỗ trợ người dân tìm nơi vững chãi để tránh trú, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em. Ông cũng lưu ý người dân cảnh giác kể cả khi trời nắng ráo, vì nguy cơ trượt lở vẫn thường trực.
Các nhà khoa học cần tham gia, đánh giá một cách cụ thể, chi tiết điều kiện địa chất, khí hậu của từng địa phương ở miền Trung, thiết lập lại bản đồ quy hoạch. Bản đồ cần xác định chính xác vùng nguy cơ cao, vùng an toàn, cũng như khu vực được phép xây dựng, sản xuất.
"Những sự việc thương tâm vừa qua thực sự là hồi chuông báo động mạnh, chính quyền cần phải ra tay. Đặc biệt khi đây là những địa phương thường xuyên hứng chịu mưa bão", vị tiến sĩ bày tỏ.
Đề cập đến việc di dân khỏi những nơi mất an toàn, ông Lê Văn Thăng nhấn mạnh cần hết sức thận trọng. Việc di dân với số lượng lớn đòi hỏi kế hoạch, sự chuẩn bị, đầu tư và nghiên cứu, đánh giá tác động chi tiết, kỹ lưỡng.
Không những thế, việc ổn định cuộc sống cho người di dời, tạo công ăn việc làm mới cho họ cũng có nhiều thách thức khi một bộ phận không nhỏ sinh sống, sản xuất phụ thuộc vào rừng.
Hà Linh