Lễ tế Âm hồn - Nét đẹp truyền thống đầy nhân văn xứ Huế
Đã 135 năm trôi qua, người dân cố đô Huế vẫn duy trì lễ cúng âm hồn một cách kiên trì, bền bỉ bằng cả tấm lòng thành để tưởng nhớ những người đã ngã xuống.
Lễ tế Âm Hồn là một nghi lễ truyền thống tại vùng đất Kinh đô Huế xưa. Lễ tế đề cao giá trị nhân văn, nhằm tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống. |
Như mọi người đã biết, đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/7/1885 (nhằm đêm 22, rạng sáng 23 tháng 5 năm Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết chỉ huy cuộc vũ trang đánh thẳng vào sào huyệt giặc Pháp ở Mang Cá (Trấn Bình Đài – tả ngạn sông Hương) và khu Tòa Khâm sứ bên hữu ngạn sông Hương. Quân ta chiến đấu rất gan dạ, nhưng vũ khí thô sơ và tổ chức kém nên bị thua trận.
Sáng ngày 5/7/1885, quân Pháp tràn vào Kinh đô: đốt phá, giết chóc, cướp bóc kinh hoàng. Một cuộc chạy loạn hết sức đau thương và bi thảm đã xảy ra ngay trong đêm. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là dân chúng ở trong Thành nội, hầu như không gia đình nào không có người bỏ mạng trong biến cố này. Rất nhiều người bị trúng đạn hoặc chen lấn dày đạp nhau mà chết. Có những người bị ngã xuống thành khi tìm cách leo ra khỏi thành, hoặc sỉa chân rơi xuống hồ ao dày đặc trong Thành nội như hồ Tịnh Tâm, hồ Phú Văn...
Không thể nào đếm xuể bao nhiêu người phải chít vội vành khăn tang cho những người thân chết thảm đầy tức tưởi và đau đớn...
Mãi đến gần 10 năm sau, năm 1895, khi thực dân Pháp tiến hành quy hoạch, điều chỉnh lại đường phố Huế, nhiều nơi trong Thành nội đã phát hiện được hàng trăm hài cốt, tập trung nhiều nhất ở rãnh cống khu vực hồ Phu Văn nằm gần kề ngã tư đường Lê Thánh Tôn và Mai Thúc Loan ngày nay.
Xem bản đồ các mũi tiến quân của giặc Pháp trong trận chiến kinh thành năm 1885 in trong tạp chí “Đô Thành Hiếu Cổ” (BAVH, 1933), có thể thấy ngã tư này là nơi hội tụ dân quân từ nhiều hướng dồn về để tìm cách thoát ra các cửa Kinh thành, chủ yếu là tìm cách chạy ra cửa Đông Ba để thoát hiểm qua phía Gia Hội, bởi trong tiềm thức của dân chúng, thì hướng ra cửa Thượng Tứ là chạy về phía Nam, là đụng với giặc Pháp đông đảo từ Tòa Khâm kéo sang.
Sơ đồ các mũi tiến quân của giặc Pháp trong trận Kinh thành Huế 1885. |
Tin những người phu lục lộ nạo vét các ao, mương, cống rãnh trong Thành nội phát hiện nhiều hài cốt bị vùi lấp được cấp báo lên bộ Lễ. Rồi hơn 40 thùng sắt tây được chuyển tới để thu gom các bộ xương tàn, cốt lạnh đặt tạm tại khu đất góc ngã tư để lo việc tang chay, kinh kệ theo nghi lễ Phật giáo. Những thùng hài cốt đó sau đó được đưa đi an táng tại các nghĩa trang dọc chân núi Ngự Bình như khu vực chùa Trà Am, chùa Ba Đồn…
Để tưởng nhớ những người đã chết vì vận nước, tại ngã tư này, ban đầu đồng bào đã dựng tạm 3 bệ thờ bằng những viên gạch vồ, trên là một tấm đá thanh nguyên quay mặt về hướng Đông. Sau đó nhân dân đã quyên góp tiền của xây dựng một thảo am gồm 3 ngôi miếu: miếu ở giữa lớn hơn để thờ các quan binh, miếu bên phải thờ các hương linh phái nữ, miếu bên trái thờ các hương linh phái nam bị chết trong biến cố 23 tháng 5, gọi chung là miếu Âm Hồn. Và từ đó, con đường trước mặt miếu (chạy từ thượng thành ở gần cửa Thượng Tứ đến giáp đường Lê Văn Hưu (đê Kim Oanh phân 2 phần hồ Tịnh Tâm) cũng được người dân gọi tên là đường Âm Hồn. Sau này, khoảng năm 1956, đường được đặt tên là đường Nguyễn Hiệu và sau 1975 thì đổi thành tên đường Lê Thánh Tôn, nhưng các thế hệ người Huế lớn tuổi vẫn quen gọi là đường Âm Hồn.
Dù dưới đời vua Thành Thái, một vị vua có tinh thần yêu nước và kháng Pháp, triều đình Huế đã chính thức lập Đàn Âm Hồn trên một diện tích gần 1500m2 ở phường Huệ An, (nguyên là trại lính Thần cơ) gần cửa Nhà Đồ (cửa Chính Nam) để tế lễ như là Quốc tế hằng năm nhưng người dân Huế vẫn tổ chức lễ cúng âm hồn chu đáo theo nghi thức thờ cúng tín ngưỡng cổ truyền, với những bài văn tế thống thiết, ai oán. Nhiều miếu Âm Hồn được dựng lên trên khắp thành phố để thờ cúng đồng bào và chiến sĩ trận vong, nhưng lễ tế vong hồn chiến sĩ và đồng bào trận vong ngày 23 tháng 5 hàng năm tại ngã tư Âm Hồn vẫn là bi tráng nhất.
Đã 135 năm trôi qua, người dân cố đô Huế vẫn duy trì lễ cúng âm hồn một cách kiên trì, bền bỉ bằng cả tấm lòng thành. |
Đã 135 năm trôi qua, lịch sử dân tộc có lúc thăng có lúc trầm nhưng người dân cố đô Huế vẫn duy trì lễ cúng âm hồn một cách kiên trì, bền bỉ bằng cả tấm lòng thành. Đến Huế, đi chậm rãi giữa những nẻo đường của khu vực Thành nội và nhiều nơi khác quanh kinh thành trong những ngày này, sẽ cảm nhận được nét văn hóa đẹp, tràn đầy tính nhân văn và nghĩa cử cao đẹp này.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nguyễn Đính