Thứ sáu, 19/04/2024 12:01 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/07/2020 14:13 (GMT+7)

Hai cổng vòm mới phát hiện ở Cố đô Huế có phải là nơi đặt đại pháo?

Theo dõi KTMT trên

Cho đến nay chưa phát hiện tài liệu chính sử nào của triều Nguyễn khẳng định 2 cửa vòm trên 2 đoạn tường Kinh thành kế cận Đông thành thủy quan là “2 Pháo môn” đặt đại pháo.

Hai cổng vòm mới phát hiện ở Cố đô Huế có phải là nơi đặt đại pháo? - Ảnh 1
Cửa bên trái Đông thành thủy quan.

Những ngày qua, nhiều tờ báo đăng tin xác định 2 cửa vòm mới lộ ra ở đoạn tường thuộc Kinh thành Huế, sát hai bên Đông thành thủy quan (cầu Lương Y bắc qua Ngự Hà) là 2 pháo môn – nơi đặt đại pháo của vệ binh triều Nguyễn. Việc khẳng định “2 cửa vòm ấy là 2 pháo môn – cửa đặt đại pháo ở hai bên mặt thành của Đông Thành Thủy Quan hiện nay” là của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Cũng không thể than phiền báo chí bởi họ chỉ làm nhiệm vụ truyền thông, đưa tin từ cơ quan chuyên môn quản lý di tích. Những căn cứ vào tài liệu mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế viện dẫn gồm: Văn bia Ngự Hà (Ngự chế ngự hà bi ký) lập năm Minh Mạng thứ 17 (1836) do hoàng đế Minh Mạng biên soạn, Đại Nam nhất thống chí, Châu bản triều Nguyễn (Tự Đức thứ 22 – 1869).

Tuy nhiên, xin nói lại cho rõ, những tài liệu đó chỉ nói về lịch sử khai mở Ngự hà, thông tin về Đông thành thuỷ quan với 13 cửa pháo (pháo môn), và hoạt động bắn pháo ở đó. Cho đến nay chưa phát hiện tài liệu chính sử nào của triều Nguyễn khẳng định có 15 cửa đặt pháo, cũng không có tài liệu nào khẳng định 2 cửa vòm trên 2 đoạn tường Kinh thành kế cận Đông thành thủy quan là “2 Pháo môn” đặt đại pháo cả!

Hai cổng vòm mới phát hiện ở Cố đô Huế có phải là nơi đặt đại pháo? - Ảnh 2
Bản đồ vị trí các kiến trúc trong kinh thành Huế, BAVH số 3 năm 1924 : Vị trí 121 là 2 cửa bên trái, bên phải Đông thành thủy quan.

Căn cứ duy nhất mà Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đưa ra khẳng định “như đinh đóng cột” đó là từ bài viết “Les fortifications de la citadelle de Huế” của viên sĩ quan quân đội viễn chinh Pháp xâm lược nước ta, Ardant du Picq, đăng trên tạp chí “Bulletin des Amis du Vieux Hue” (BAVH) số 3 năm 1924.

Tôi có số tạp chí ấy cả bản tiếng Pháp lẫn bản dịch sang tiếng Việt, đã đọc kỹ bài viết đó và hiểu rằng Ardant du Picq đề cập đến 2 lỗ pháo ở 2 đoạn tường dài 21 mét nối tường Kinh thành với kiến trúc Đông thành thủy quan. Ông ta không hề khẳng định 2 cổng vòm (có cửa đóng mở dạng chốt) như hiện nay nhìn thấy là cửa đặt đại pháo. Tôi cũng đã đo chiều dài bức tường dọc theo Ngự hà nối mép cống Lương Y đến bức tường ngang Kinh thành (có 2 cửa vòm trên) đúng 21 mét như sĩ quan Ardant du Picq đã đo và công bố ngày 10/4/1924.

Hai cổng vòm mới phát hiện ở Cố đô Huế có phải là nơi đặt đại pháo? - Ảnh 3
Ảnh cửa bên phải Đông thành thủy quan chụp ngày 7/6/2020.

Tôi cũng đã khảo sát thực địa từ những ngày đầu tiên và chia sẻ trên trang Facebook cá nhân ngày 7/6/2020, khi mà những công nhân vừa mới tháo dỡ những ngôi nhà che chắn cửa vòm ấy từ bao nhiêu năm nay để lộ ra công khai cho mọi người dân đến tham quan tìm hiểu. Tôi cũng đã vẽ lại hai cửa vòm ấy theo những gì tôi đo đạc được tại hiện trường và thể hiện chúng bằng bản vẽ kỹ thuật, điều mà tôi cho là đến nay Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế chưa công khai đến công chúng và cộng đồng khoa học, trong khi đáng ra họ phải làm sớm.

Bởi Kinh thành Huế cùng với các kiến trúc cấu thành quần thể Di tích triều Nguyễn là di sản của toàn nhân loại, là di sản thế giới, không chỉ riêng của Huế và Việt Nam. Nếu chẳng may thiên tai thảm họa xảy ra bất ngờ làm đoạn thành có hai cửa vòm ấy sập đổ thì lấy gì để phục dựng? (Hiện tại trên 2 bức tường ngang này có nhiều vết nứt toác sâu và rộng, nhiều nguy cơ đổ sập). Chẳng lẽ cứ dựa vào con số ước khoảng trên các báo? Vậy tôi xin công bố bản vẽ hai cửa ấy hôm nay.

Các bạn đừng vội cho tôi nói quá, bởi như những gì thế giới đang chứng kiến: các trận đại hồng thủy đang xảy ra bên Nhật Bản, Trung Quốc làm nhấn chìm hàng chục tỉnh thành với hàng chục triệu dân và rất nhiều công trình di tích đang bị đe dọa, thì cẩn thận cũng không phải là thừa.

Dù chưa biết đích xác hai cửa vòm trên tường Kinh thành Huế hai bên Đông thành thủy quan là gì nhưng tôi xin tạm kết: khẳng định của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế rằng 2 cửa vòm ấy là 2 Pháo môn đặt đại pháo là chưa thuyết phục. Tôi đặt gọi 2 cửa ấy là 2 cửa phụ bên trái và bên phải Đông thành thủy quan theo như cha Cadière đã từng nêu.

Hai cổng vòm mới phát hiện ở Cố đô Huế có phải là nơi đặt đại pháo? - Ảnh 4
Bản vẽ kích thước chi tiết cửa bên phải.
Hai cổng vòm mới phát hiện ở Cố đô Huế có phải là nơi đặt đại pháo? - Ảnh 5
Bản vẽ kích thước chi tiết cửa bên trái Đông thành thủy quan.
Hai cổng vòm mới phát hiện ở Cố đô Huế có phải là nơi đặt đại pháo? - Ảnh 6
Toàn cảnh Đông thành thủy quan bắc qua sông Ngự Hà.
Hai cổng vòm mới phát hiện ở Cố đô Huế có phải là nơi đặt đại pháo? - Ảnh 7
Vị trí cửa vòm bên phải Đông thành thủy quan.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Nguyễn Đính

Bạn đang đọc bài viết Hai cổng vòm mới phát hiện ở Cố đô Huế có phải là nơi đặt đại pháo?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .