Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển bền vững (Bài 2)
Hệ thống thu gom rác thải hiện tại chưa ưu tiên việc phân loại và tái chế. Do đó tỉ lệ rác thải nhựa được thu gom, phân loại đủ điều kiện tái chế ở nước ta còn thấp.
Bài 2: Rào cản ứng dụng kinh tế tuần hoàn quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Trong bài trước, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã đề cập tới hiệu quả, lợi ích trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế tuần hoàn - Đại học Quốc gia TP.HCM; gồm các thành viên: Nguyễn Kiều Lan Phương, Trần Thiện Khánh, Trần Thị Diễm Phúc, Bùi Lê Thanh Khiết, Lê Bá Nhật Minh, Nguyễn Hồng Quân.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm tác giả này cũng chỉ ra rằng, tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, để triển khai các chính sách thúc đẩy KTTH trong quản lý CTRSH còn nhiều khó khăn.
Phần lớn rác thải đến bãi chôn lấp không hợp vệ sinh
Trên thế giới, theo ước tính mới chỉ có 25% tổng giá trị vật liệu nhựa, tương đương 872 triệu USD, được giải phóng hàng năm, tính theo tỉ lệ tái chế 33% và thu hồi được 77% giá trị từ tái chế nhựa.
Việc tuần hoàn rác thải nhựa cũng gặp một số khó khăn, như tỉ lệ thu gom tái chế và hiệu suất thu hồi giá trị thấp, nhu cầu thị trường về nhựa tái sinh không ổn định, khả năng tiếp cập tài chính của các đơn vị tái chế còn thấp, nguồn cung không ổn định và phụ thuộc vào các đơn vị thu gom không chính thức hoặc nhập khẩu từ nước ngoài (chiếm tới 80% nguyên liệu đầu vào cho tái chế).
Nguyên nhân là do các hệ thống thu gom hiện tại chủ yếu tập trung cho các quy trình thu gom và xử lý, chưa ưu tiên việc phân loại và tái chế. Do đó tỉ lệ rác thải nhựa được thu gom, phân loại đủ điều kiện tái chế ở nước ta còn thấp và là một trong những rào cản cho việc áp dụng tuần hoàn rác thải nhựa.
Tại Việt Nam, dữ liệu về phát sinh chất thải, dòng chảy vật liệu, việc sử dụng chất thải theo chu kỳ, chôn lấp hoặc tái chế vẫn còn hạn chế. Sự khác biệt giữa dữ liệu từ các nghiên cứu độc lập và dữ liệu chính thức của Bộ Xây dựng/Bộ TN&MT gây khó khăn cho việc lập dự án, lập kế hoạch và phát triển các chiến lược và quy hoạch tổng thể về quản lý chất thải.
Việc phân loại CTRSH tại nguồn chưa được áp dụng hiệu quả ở nước ta. Mặc dù vẫn có nhiều người dân tham gia phân loại rác có thể tái chế được như nhựa, giấy và kim loại để bán cho những người thu gom rác, ngoại trừ các thành phố lớn như Hà Nôi, TP.HCM, Đà Nẵng, phần lớn lượng chất thải vẫn đang được đưa đến các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Nhiều chính sách ưu đãi áp dụng mô hình KTTH
Hiện nay tại Việt Nam cơ sở pháp lý để thực hiện mô hình KTTH ở cấp chiến lược là Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 (Luật số 72/2020/QH14 được Quốc hội ban hành vào ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12022). Theo đó, tại Khoản 11 Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định việc lồng ghép, thúc đẩy các mô hình KTTH, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội để làm cơ sở thực hiện nhất quán chính sách nhà nước về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng nêu rõ định nghĩa về KTTH; Quy định Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; bên cạnh đó, cũng quy định trách nhiệm việc triển khai thực hiện mô hình KTTH cho 2 hợp phần quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mức độ thực hiện mô hình KTTH tại Việt Nam được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chỉ mang tính chất định hướng, chưa có văn bản dưới Luật để chi tiết hóa và hướng dẫn cụ thể làm cơ sở triển khai thực hiện trong thực tế.
Để chi tiết hóa và hướng dẫn cụ thể Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 làm cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, trong tháng 5 và 6/2021, Bộ TN&MT cũng đã tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về hai dự thảo liên quan đến mô hình KTTH, đó là Dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 (được đề cập là Dự thảo hướng dẫn Luật) và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì thải bỏ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (được đề cập là Dự thảo trách nhiệm tái chế).
Hiện nay Bộ TN&MT đã hoàn chỉnh Nghị định quy định chi tiết một số của Luật Bảo vệ môi trường. Theo nội dung dự thảo Nghị định trên thì tại Mục 3 Chương X, Chính phủ đã quy định 3 điều (Điều 138, Điều 139 và Điều 140) để quy định tiêu chí, lộ trình và cơ chế phát triển KTTH, trong đó ở cấp chiến lược Chính Phủ giao cho Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH trước ngày 31/12/2023 để các tỉnh, thành phố làm cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn quốc.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã quy định rõ cơ chế khuyến khích, ưu đãi về tài chính đối với các thành phần kinh tế, xã hội đầu tư vào nghiên cứu, triển khai và áp dụng các mô hình KTTH trong hoạt động động sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ.
Bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường 2020, pháp luật về đầu tư cũng có những quy định khuyến khích thúc đẩy sự phát triển của KTTH tại Việt Nam. Điểm đ Khoản 2 Điều 15, Luật Đầu tư 2020 đã quy định các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư bao gồm “Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; Cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Các dự án này được hưởng nhiều hình thức hỗ trợ đầu tư đa dạng như Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ tín dụng…được quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư 2020.
Tuy nhiên, để được ưu đãi đầu tư tại khoản đ, Điều 15, các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở, dự án đầu tư cần đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; công nghệ cao; Chuyển giao công nghệ; Bảo vệ môi trường.
Trong khuôn khổ Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế cũng đã đề cập đến một số vấn đề quan trong trong KTTH như khu công nghiệp sinh thái, công sinh công nghiệp cũng như một vấn đề liên quan đến đầu tư trong các loại hình công nghiệp thân thiện môi trường. Trong đó phải kể đến chính sách phát triển đầu tư, tiêu chí xác định, các ưu đãi đối với các doanh nghiệp khu công nghiệp sinh thái. Hiện nay, Bộ kế hoạch và đầu tư cũng đang xúc tiến trình bản dự thảo điều chỉnh Nghị định 82 này.
Các quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được thực hiện trên nhiều loại sản phẩm khác nhau, phổ biến nhất là đối với bao bì, ngoài ra còn áp dụng đối với chất thải nguy hại gia dụng, sản phẩm trong y tế, pin và ắc quy, phương tiện vận chuyển và thiết bị điện và điện tử (sản phẩm điện tử).
Giải pháp triển khai KTTH trong quản lý CTRSH tại TP.HCM
Nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế tuần hoàn cho rằng, việc triển khai các mô hình KTTH trong quản lý CTRSH không chỉ hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động tái chế mà còn kết hợp các hoạt động khác của các chu kỳ kỹ thuật trong nền KTTH như bảo trì, tái sử dụng, tân trang…Vì vậy, để triển khai các mô hình KTTH này cần thiết có các giải pháp khác nhau để để tăng cường hiệu quả công tác quản lý CTRSH. Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra một số giải pháp triển khai KTTH trong quản lý CTRSH:
Giải pháp về chính sách và triển khai chính sách: Cần hoàn thiện các Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; có chính sách giảm tiêu thụ rác thải nhựa; và xây dựng các công cụ chính sách cho từng sản phẩm và lộ trình thực hiện...
Giải pháp về kỹ thuật, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Áp dụng các công nghệ mới, đột phá. Có thể chia thành ba nhóm chính là công nghệ kỹ thuật số, công nghệ vật lý, và công nghệ sinh học.
Giải pháp về tài chính: Hỗ trợ tài chính dựa trên kết quả (RBF) trong quản lý chất thải rắn là một cơ chế tài chính mà thông qua đó, việc chi trả cho các dịch vụ chất thải rắn kèm theo điều kiện để đạt được và xác minh các mục tiêu đã thỏa thuận trước. Trong một lĩnh vực gặp khó khăn về ngân sách nhưng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt, RBF xuất hiện như một công cụ có giá trị để đảm bảo rằng các quỹ công/ngân sách được sử dụng một cách hiệu quả và minh bạch.
Giải pháp xây dựng các chương trình truyền thông và nâng cao nhận thức về hoạt động thu gom và phân loại rác tại nguồn có ứng dụng khoa học công nghệ: Các chương trình nâng cao nhận thức cần được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện thử nghiệm trong một vài khu phố, giai đoạn 2 áp dụng nhân rộng ở mức quận và giai đoạn 3 là toàn thành phố.
(Còn nữa)
Nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế tuần hoàn