Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển bền vững (Bài 1)
Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang thu hút nhiều sự quan tâm từ cả phía doanh nghiệp, cơ quan hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu.
LTS: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đang tạo nên những thay đổi vô cùng lớn lao.
Trong bối cảnh này, phát triển bền vững và mô hình KTTH đang thu hút nhiều sự quan tâm hơn lúc nào hết, từ cả phía doanh nghiệp, cơ quan hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, mô hình KTTH là một giải pháp toàn diện để giải quyết bài toán xử lý chất thải, nhất là chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời đây cũng là mô hình có đóng góp rõ ràng cho các doanh nghiệp thông qua việc tăng khả năng cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, tham gia vào KTTH cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp…
Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) năm 2022, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường trân trọng giới thiệu một nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Viện Kinh tế tuần hoàn - Đại học Quốc gia TP.HCM, liên quan đến mô hình KTTH. Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra những rào cản và giải pháp ứng dụng KTTH trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia mô hình KTTH.
Bài 1: Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là rác thải phát sinh từ các hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở và khu vực công cộng, dịch vụ công cộng và các hoạt động sinh hoạt từ các cơ sở sản xuất.
Nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế tuần hoàn - Đại học Quốc gia TP.HCM gồm các thành viên Nguyễn Kiều Lan Phương, Trần Thiện Khánh, Trần Thị Diễm Phúc, Bùi Lê Thanh Khiết, Lê Bá Nhật Minh, Nguyễn Hồng Quân trong một báo cáo mới đây đã chỉ ra rằng, tái chế là lĩnh vực cần ưu tiên trong hoạt động quản lý CTRSH trong nền kinh tế tuyến tính hiện nay. Tuy nhiên mô hình KTTH mới là một giải pháp toàn diện để nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH, đặc biệt là tại địa bàn TP.HCM nơi mà phát sinh hơn 9.000 tấn rác thải/ngày.
Lợi ích "kép" từ chất thải rắn sinh hoạt
Trong mô hình KTTH chất thải được xem là nguồn tài nguyên nhưng chưa được khai thác và sử dụng đúng lúc, đúng nơi. Mô hình KTTH không những đẩy mạnh các hoạt động tái chế ngay từ khi hình thành sản phẩm thông qua các quy định về thiết kế sản phẩm hơn là tập trung và giai đoạn tái chế rác thải ở cuối đường ống, mà còn kết hợp các chu kỳ kỹ thuật như bảo trì, tái sử dụng, tân trang trong nền KTTH góp phần giảm thiểu lượng rác thải phát sinh. Hiện nay để triển khai các chính sách thúc đẩy KTTH trong quản lý CTRSH còn nhiều khó khăn do hạn chế về các văn bản hướng dẫn thực hiện và cơ chế chính sách hỗ trợ.
Là đô thị phát triển nhanh với dân số xấp xỉ khoảng 13 triệu người, TP.HCM hàng ngày tiếp nhận lượng rác thải sinh hoạt rất lớn, trong đó tỉ lệ chôn lấp chiếm đến 69% (6.500 tấn/ngày), các phương pháp xử lý còn lại như đốt, compost, tái chế chiếm tỉ lệ khoảng 31% (2.900 tấn/ngày).
Về nguồn phát sinh CTRSH, rác từ hộ gia đình chiếm 42% tổng lượng thải, các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, v.v... chiếm 40,5%. Thành phần rác thải sinh hoạt chủ yếu là thành phần hữu cơ (thực phẩm, giấy, vải, bìa các tông, rác vườn, nhựa, cao su v.v…) và vô cơ (kim loại, v.v…).
Ngoài ra, trong rác thải sinh hoạt còn có thể lẫn các chất thải nguy hại có nguồn gốc từ điện tử, pin, dầu thải, v.v… Chỉ số phát sinh rác thải sinh hoạt ở khu vực hộ gia đình vào khoảng 1,3 kg/người/ngày là tương đối cao so với bình quân của cả nước. Trong những năm gần đây, chất thải khó phân huỷ (nhựa) có xu hướng gia tăng và được xem là thách thức đối với xử lý rác thải sinh hoạt ở TP.HCM.
Việc thu gom rác thải sinh hoạt tại TP.HCM do 2 hệ thống thu gom là hệ thống công lập bao gồm công ty Môi trường đô thị (CITENCO) và công ty Dịch vụ công ích các quận/huyện/thành phố với tỉ lệ thu gom xấp xỉ 40% và hệ thống dân lập bao gồm các công ty tư nhân, các hợp tác xã và nghiệp đoàn với tỷ lệ thu gom khoảng 60%. Với lượng rác phát sinh trung bình hàng ngày khoảng 9.000 tấn/ngày thì việc xử lý chúng là một thách thức lớn.
Hiện nay, tại TP.HCM, xử lý CTRSH bằng phương pháp đốt, ủ phân compost, và tái chế chỉ chiếm có 31%, chôn lấp 69% trong đó tái chế nhựa chiếm tỉ lệ là 1%. Thành phố đã triển khai các chương trình phân loại rác tại nguồn với mục tiêu có thể phân tách rác tái chế và rác không tái chế được ra. Tuy nhiên, chương trình này chưa đạt được kết quả phân loại tại nguồn như mong đợi, một phần cũng do thói quen ý thức của người dân nhưng phần khác cũng xuất phát từ nguyên do công nghệ xử lý rác của thành phố không đáp ứng được so với kỳ vọng đặt ra.
TP.HCM đang xây dựng đồ án Quy hoạch xử lý chất thải rắn, phấn đấu đến năm 2025 một số chỉ tiêu về CTRSH như sau: 80% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn, tại nguồn; 100% tổng lượng CTRSH đô thị phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng CTRSH được thu hồi, tái chế, làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng.
Với tình hình lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng cao thì việc có các giải pháp khác mang tính bền vững, thân thiện hơn với môi trường là rất cần thiết, do quỹ đất ngày càng hạn hẹp cho việc chôn lấp cũng như những hệ quả về mặt sinh thái – môi trường mà phương pháp này mang lại. KTTH là một xu thế mới hiện đang ngày càng được quan tâm, và tái chế là một trong những cách tiếp cận được tính đến trong mô hình này.
Trong hoạt động tái chế, rác thải phát sinh ra không được xem là một loại vật liệu bỏ đi mà chúng là nguyên liệu dùng cho việc sản xuất, chế biến ra các sản phẩm khác có giá trị cao hơn; Đồng thời giải pháp biến rác thành các sản phẩm khác vừa mang lại lợi ích về kinh tế vừa có thể giải quyết vấn đề về môi trường mà các phương pháp khác như chôn lấp hay đốt bỏ chưa giải quyết được triệt để.
Giải pháp toàn diện cho quản lý CTRSH
Theo tổ chức Ellen MacArthur, KTTH là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động, đồng thời cũng là hệ thống kinh tế phát triển trên nền tảng các mô hình kinh doanh theo vòng tròn khép kín. Trong đó, khái niệm kết thúc vòng đời được thay thế bằng việc giảm sử dụng, sử dụng lại, tái chế và phục hồi vật liệu trong quá trình sản xuất, phân bố và tiêu thụ sản phẩm.
Trong nền KTTH, chúng ta loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm và vật liệu, và tái tạo thiên nhiên. Sơ đồ hệ thống nền KTTH, còn được gọi là sơ đồ con bướm, minh họa sự luân chuyển liên tục của nguyên vật liệu trong nền kinh tế. Có 2 chu kỳ chính - chu kỳ kỹ thuật và chu kỳ sinh học.
Trong chu trình kỹ thuật, sản phẩm được lưu thông trong nền kinh tế thông qua việc tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế. Bằng cách này, vật liệu được sử dụng và không bao giờ trở thành chất thải. Trong chu trình sinh học, các chất dinh dưỡng từ các vật liệu phân hủy sinh học được trả lại cho Trái đất, thông qua các quá trình như ủ phân hoặc phân hủy kỵ khí. Điều này cho phép đất tái sinh để chu kỳ có thể tiếp tục.
Tái chế là một quá trình trong chu kỳ kỹ thuật trong nền KTTH. Tuy nhiên đây là một quá trình có vòng lặp dài nhất, nghĩa là có mức độ thực hiện khó nhất trong sơ đồ. Trong khi tái chế bắt đầu ở giai đoạn cuối - giai đoạn "loại bỏ" trong vòng đời của sản phẩm, nền KTTH thực hiện ngay giai đoạn đầu để ngăn chặn chất thải và ô nhiễm được tạo ra.
Đối mặt với những thách thức về môi trường hiện tại, việc tái chế sẽ không đủ để vượt qua lượng chất thải mà chúng ta tạo ra. Vì vậy, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong một nền KTTH được xây dựng phù hợp, chúng ta nên tập trung vào việc tránh giai đoạn tái chế bằng mọi giá. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng ngăn chặn rác thải được tạo ra ngay từ đầu là chiến lược thực tế duy nhất.
Lacy và cộng sự (2015) đề xuất mô hình KTTH có thứ bậc cho chất thải. Lựa chọn ưu tiên nhất trong mô hình này là ngăn ngừa và tránh sự phát sinh chất thải. Lượng chất thải giảm sẽ giảm áp lực cho công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý và thải bỏ ở các giai đoạn sau của quy trình quản lý. Tái chế chất thải trong vòng khép kín là lựa chọn thứ 2 trong thứ bậc này. Chất thải tại đây được tuần hoàn trở lại các hệ thống sản xuất và tạo ra sản phẩm giống như sản phẩm bị thải bỏ, ví dụ như tái chế lon nhôm.
Tiếp theo của mô hình là sử dụng chất thải để tạo ra sản phẩm có chất lượng hoặc giá trị vượt trội hơn sản phẩm ban đầu. Ví dụ, tận dụng những vải vụn để tạo ra balo, túi có chất lượng và giá trị cao hơn. Ngược lại, ở thứ bậc thứ tư, là sử dụng chất thải để tạo ra sản phẩm có giá trị thấp hơn hoặc cấp thấp hơn sản phẩm ban đầu do bản chất của vật liệu không giữ được độ bền như cũ sau quá trình sản xuất, ví dụ như giấy và nhựa. Giải pháp tiếp theo trong thứ bậc là thu hồi năng lượng, chuyển hóa chất thải không thể tái chế thành nhiệt hữu ích. Và cuối cùng, lựa chọn chôn lấp chất thải khi mà không còn lựa chọn khác đã nêu ở trên.
Để tạo ra giá trị từ chất thải trong nền KTTH, chất thải được phân chia làm bốn loại như sau: (1) Tài nguyên bị lãng phí: Sử dụng vật liệu và năng lượng không thể tái tạo hiệu quả theo thời gian, chẳng hạn như năng lượng hóa thạch và vật liệu không thể tái chế; (2) Công suất bị lãng phí: Sản phẩm và tài sản không được sử dụng hết trong suốt thời gian sử dụng; (3) Vòng đời bị lãng phí: Các sản phẩm hết hạn sử dụng sớm do thiết kế kém hoặc thiếu các tùy chọn sử dụng thứ hai; (4) Giá trị ẩn bị lãng phí: Các thành phần, vật liệu và năng lượng không được thu hồi từ các dòng chất thải.
Để nắm bắt giá trị cơ hội của việc định nghĩa lại chất thải, Lacy và cộng sự cũng đã đề xuất năm mô hình kinh doanh làm cơ sở cho việc chuyển đổi sang nền KTTH. Được thực hiện riêng lẻ hoặc kết hợp, các mô hình này giúp chuyển đổi các cách tiếp cận tuyến tính “khai thác, sản xuất, thải bỏ” của sản xuất và tiêu thụ thành cách tiếp cận tuần hoàn nhằm giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ chất thải, ô nhiễm và sự kém hiệu quả.
Năm mô hình kinh doanh nhằm tạo ra vòng lặp giá trị tuần hoàn và là giải pháp cho bốn dạng chất thải nêu trên, bao gồm: Tuần hoàn đầu vào, chia sẻ nền tảng, sản phẩm như là dịch vụ, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm và phục hồi tài nguyên.
Từ những phân tích trên, nhóm nghiên cứu chỉ ra: Tái chế là một hoạt động cần được thúc đẩy trong nền kinh tế tuyến tính để quản lý CTRSH, đồng thời cũng là một chu kỳ cần được khép kín trong nền KTTH. Vì vậy, thật cần thiết có những mô hình thực tiễn và những chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy các hoạt động quản lý CTRSH hướng đến nền KTTH.
(Còn nữa)
Nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế tuần hoàn