Giải pháp bền vững vì một nền kinh tế đại dương thích ứng biến đổi khí hậu
Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng, Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một nền kinh tế biển xanh và bền vững.
Sức khoẻ của các đại dương quan trọng đối với tương lai chung nhân loại
Theo các số liệu từ Tổng cục Thống kê và Ngân hàng thế giới, Việt Nam có hơn 70 triệu người (khoảng 72% tổng dân số) sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng. 83% sản lượng gạo trong nước cũng tập trung ở các tỉnh đồng bằng và ven biển thấp. Đây cũng là khu vực phát triển năng động của cả nước.
Tuy nhiên, hiện nhiều thành phố và đồng bằng ven biển đang bị sụt lún ở tốc độ đôi khi còn cao hơn nhiều tốc độ mực nước biển dâng do các nguyên nhân tự nhiên và con người, và cơ sở hạ tầng đô thị đang gặp áp lực lớn. Các rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu cũng là một vấn đề đáng quan ngại mới quan trọng. BĐKH đã làm trầm trọng hơn và tạo ra các rủi ro an ninh toàn cầu. Chính trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chọn phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, có sự liên kết chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.
Phát biểu bế mạc Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải pháp cho nền kinh tế biển xanh có khả năng chống chịu”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, các báo cáo của Hội nghị đã góp phần tăng cường nhận thức về tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển xanh bền vững có khả năng chống chịu trước các thách thức và rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu. Hội nghị cũng đã giúp tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ các nỗ lực chung và thúc đẩy các cơ hội hợp tác vì sức khỏe của đại dương, phúc lợi cho người dân thế hệ hôm nay và mai sau.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng nhấn mạnh mối quan tâm chung trong phát triển và bảo tồn các nguồn lực cho kinh tế biển xanh bền vững có khả năng chống chịu, đảm bảo quản trị đại dương dựa trên quy tắc. “Sức khoẻ của các đại dương trên thế giới là rất quan trọng đối với tương lai chung của nhân loại, vì đại dương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và thịnh vượng xã hội, an ninh lương thực, sinh kế và việc làm ở nhiều quốc gia”.
Ghi nhận những thách thức do ô nhiễm chất thải nhựa gia tăng rất nhanh trong các thập kỷ gần đây và nghị quyết tại Phiên họp thứ năm của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc ngày 2/3/2022 với tiêu đề “Chấm dứt Ô nhiễm rác thải nhựa: Hướng tới một Công cụ có tính ràng buộc pháp lý quốc tế”, Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết đạt được các tiến bộ nhanh chóng trong các bước tiếp theo do Nghị quyết này đề ra. Trong đó bao gồm thiết lập và hoạt động của ủy ban đàm phán liên chính phủ cùng với các nỗ lực cụ thể ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương nhằm giảm ô nhiễm chất thải nhựa nói chung và chất thải nhựa đại dương nói riêng.
Các Bộ trưởng ghi nhận các cơ hội và sự cần thiết của việc đưa ra và chia sẻ các nỗ lực chung thông qua các cơ chế, diễn đàn toàn cầu và khu vực, bao gồm Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc sắp tới tại Lisbon, và Hội đồng cấp cao về Kinh tế đại dương bền vững do Na Uy và Palau chủ trì và ủng hộ các nỗ lực và cam kết của ASEAN trong việc đi đầu về hợp tác khu vực liên quan đến Kinh tế biển xanh.
Kết thúc hội nghị, các đồng Chủ tịch đã ra Tuyên bố chung bao gồm 21 điểm. Trong đó, các Bộ trưởng nhấn mạnh mối quan tâm chung trong việc phát triển và bảo tồn các nguồn lực cho kinh tế biển xanh bền vững có khả năng chống chịu, đảm bảo quản trị đại dương dựa trên quy tắc.
Các Bộ trưởng cũng tái khẳng định rằng luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và Công ước về Đa dạng sinh học (CBD 1992), cung cấp khung pháp lý cho việc bảo tồn, sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên từ đại dương, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường biển.
Cùng với các tác động sâu sắc, rộng lớn và ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đối với đại dương và kinh tế biển xanh, các Bộ trưởng cũng ghi nhận những tác động của Covid-19 lên các ngành trọng yếu của kinh tế biển xanh, gồm giao thông, du lịch, vận tải biển, khai thác và sản xuất thủy sản, và nhấn mạnh sự cần thiết phục hồi xanh bền vững và bao trùm.
5 cam kết hướng tới một nền kinh tế biển xanh bền vững
Theo các chuyên gia, nền kinh tế biển xanh bền vững phụ thuộc vào việc phát huy toàn bộ tiềm năng kinh tế của đại dương theo phương pháp quản lý tổng hợp, đồng thời bảo vệ, bảo tồn tài nguyên đại dương cho các thế hệ tương lai. Thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự lãnh đạo hiệu quả, nỗ lực tổng hợp và phối hợp ở tất cả các cấp, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đảm bảo sự tham gia đầy đủ, có ý nghĩa và bình đẳng của phụ nữ, thanh niên, khu vực tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng khoa học cũng như giới học thuật.
“Là một quốc gia biển, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực hợp tác cùng các nước trong việc giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một biển xanh, trong lành và kinh tế đại dương bền vững. Việt Nam cam kết sẽ quản lý tốt và loại trừ rác thải nhựa theo lộ trình phù hợp”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng nêu rõ 5 cam kết được đưa ra qua hội nghị. Một là, kiến tạo chính sách và môi trường pháp lý quốc tế cho một nền kinh tế biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt với các nước và các bên liên quan dễ bị tổn thương.
Hai là, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện do Liên hợp quốc quản lý về tác động đa chiều của biến đổi khí hậu, của nước biển dâng, của rác thải nhựa nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách ứng phó toàn cầu.
Ba là, giải quyết các thách thức và rủi ro an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy và xây dựng các cơ chế hợp tác an ninh toàn cầu và khu vực thiết thực và hiệu quả, có tính đến các yếu tố về kinh tế, xã hội, tâm lý, giới và các khía cạnh khác.
Bốn là, tăng cường khả năng phục hồi phát triển kinh tế biển bền vững sau covid-19 và khả năng thích ứng của các quốc gia, cộng đồng và các bên liên quan dễ bị tổn thương để xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng như giao thông vận tải biển, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, Du lịch biển/ven biển, và các nguồn năng lượng tái tạo.
Năm là, khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ biển, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo biển xanh mới và giám sát quản lý sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, nâng cao nhận thức, sự tham gia rộng rãi của các bên trong xây dựng quyết định và chính sách về kinh tế biển bền vững.
Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng, Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một biển xanh và nền kinh tế bền vững...
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực trong Cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia và các đối tác chia sẻ tri thức khoa học, kinh nghiệm, nguồn lực và các sáng kiến quản lý tổng hợp vì một nền kinh tế biển xanh bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lan Anh