Phát triển kinh tế biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu
Đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó, có lĩnh vực môi trường. Do đó, việc tìm hướng đi cho kinh tế biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là rất quan trọng và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Cuối năm 2021, tại Hội thảo “Phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu”, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng, trong những năm qua, quy mô kinh tế biển và vùng biển đã tăng lên; cơ cấu ngành, nghề bước đầu thay đổi theo hướng chuyển dịch từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh”. Mặc dù dịch bệnh COVID-19, nhưng biển và vùng biển đóng góp lớn vào xuất khẩu.
Việt Nam có đường bờ biển dài 3,260 km (chưa bao gồm các đảo) chạy dọc từ Móng Cái ở phía Bắc tới Hà Tiên ở phía Tây Nam, với dân số 98 triệu người (năm 2019). Dân số 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm gần 50% dân số của cả nước. Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển chính ở Việt Nam gồm năng lượng tái tạo biển, dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải biển, môi trường, đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái.
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã xây dựng được một số khu kinh tế ven biển, đảo – là các trung tâm kinh tế hướng biển. Hạ tầng giao thông ven biển được nâng cấp đáng kể, hỗ trợ cho liên kết vùng trong phát triển, các đô thị ven biển hiện có được nâng cấp và lần đầu tiên thành lập đô thị đảo (Phú Quốc); vai trò kinh tế “đảo” tăng lên rõ rệt…
Nhưng theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, bên cạnh những mặt tích cực đó thì kinh tế biển vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Đó là quy mô còn nhỏ bé, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) đang là vấn đề bức xúc; việc phát triển kinh tế biển ở nước ta vẫn theo cách tiếp cận mở kiểu “điền tư, ngư chung”; vẫn còn thiếu các luật, chính sách cơ bản và đặc thù về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước…
"Để tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển trong giai đoạn tiếp theo thì cần thúc đẩy kinh tế biển “xanh”; có các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các biểu hiện biến đổi đại dương. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển năng lượng biển tái tạo; phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên cơ sở khoa học; thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19. Có các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa, từng bước biến rác thải nhựa thành tài nguyên; tăng cường chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, ít phát thải", PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi đã đề xuất như vậy.
Trong khi đó, nhấn mạnh đến tác động của đại dịch COVID-19, PGS.TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tầm nhìn và tư duy mới của Nghị quyết đã đem đến kỳ vọng cho nhiều địa phương, nhiều ngành kinh tế biển về sự phát triển lớn mạnh mà bền vững.
"Tuy nhiên, hiện nay, kinh tế đất nước nói chung và kinh tế biển nói riêng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và bị tổn thất đáng kể dưới tác động khó lường của đại dịch COVID-19. Việc nhìn lại các hoạt động chính, các kết quả chủ yếu cũng như các bài học kinh nghiệm thực tế là rất cần thiết, giúp điều chỉnh và đề xuất giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện “bình thường mới”, PGS.TS. Phạm Quang Thao nhận định.
Tạo đột phá để phát triển kinh tế biển đảo
Theo TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA, việc quản lý đa dạng các hoạt động kinh tế biển và khai thác tài nguyên biển đòi hỏi phải nâng cao kiến thức liên quan đến đại dương một cách thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo tồn các hệ sinh thái biển mong manh.
Khoa học và đổi mới đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ việc sử dụng ồ ạt sang bền vững hơn. Tuy nhiên, nhìn chung, công nghệ, thiết bị nghiên cứu biển của Việt Nam có trình độ lạc hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực có biển đảo, trong khi nguồn nhân lực biển còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Do đó, khó có được những thành tựu nghiên cứu đột phá để làm cơ sở cho quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo theo yêu cầu của Nghị quyết 36.
Gợi ý một số chính sách trong thời gian tới, ông Khải cho rằng, cần xác định rõ nguồn lực, cơ chế huy động nguồn lực, các chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho các công trình hạ tầng phát triển kinh tế biển. Để thực hiện các kế hoạch, cần có sự quan tâm chỉ đạo, cơ sở pháp lý và nguồn lực rất lớn, do đó Chính phủ có thể xây dựng và trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư và những có chế đặc biệt đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững, ngày 05/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra 6 nội dung, giải pháp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ; về phát triển kinh tế biển, ven biển; về nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Trong đó, về phát triển kinh tế biển, ven biển, giải pháp Nghị quyết đưa ra là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng.
Thí điểm phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác. Xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tiếp tục tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, dầu khí, các dạng hydrocarbon phi truyền thống tại các bể trầm tích vùng nước sâu xa bờ nhằm gia tăng trữ lượng khoáng sản, dầu khí. Nâng cao hiệu quả khai thác, tăng hệ số thu hồi các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Tập trung phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên chuyển đổi một số nghề khai thác thủy sản có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, các nghề cấm nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản trên các vùng biển; đẩy mạnh phát triển các nghề khai thác hải sản xa bờ, viễn dương theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Xây dựng và vận hành các mô hình tổ chức sản xuất trong nuôi trồng và khai thác hải sản hợp lý; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của môi trường và nguồn lợi thủy sản; nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.
Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững sẽ diễn ra vào tháng 5/2022
Chiều 26/4/2022, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân đã có buổi làm việc với bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam về việc tổ chức Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại buổi làm việc, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP, cho rằng, đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó, có lĩnh vực môi trường. Chúng ta đã có một chiến lược toàn cầu về rác thải nhựa. Do vậy, nội dung của Hội nghị do hai bên dự định tổ chức về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là rất quan trọng và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bà Caitlin Wiesen đề nghị tại cuộc họp này, hai bên cùng thống nhất về thời gian, hình thức tổ chức, thành phần tham dự; kế hoạch thành lập Ban Tổ chức, các Tiểu ban, cơ chế phối hợp, đầu mối và vai trò của các bên trong quá trình tổ chức Hội nghị...
Cũng tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã thông tin: Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành phê duyệt chủ trương tổ chức Hội nghị, dự kiến tổ chức vào ngày 12-13/5/2022 như đề xuất của Bộ TN&MT cùng với UNDP và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam với sự tham gia của các Đoàn đại biểu quốc tế của 58 quốc gia và 12 Đại sứ quán các nước tại Việt Nam.
Khánh Thư