Kinh tế biển là trọng tâm phát triển bền vững trong tương lai
Việt Nam cần có tư duy, nhận thức mới về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Coi mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển bền vững biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là ưu tiên chiến lược.
Kinh tế biển rộng mở
Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về biển. Tuy nhiên, nước ta đang trong giai đoạn phát triển, do đó cần phải “đi bằng 2 chân” - tức là vừa chú trọng vào các hoạt động kinh tế song cũng cần hết sức lưu ý đến vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững.
Thực tế cho thấy dư địa phát triển cho từng lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam còn khá rộng mở, chưa dẫn đến xung đột lớn giữa các ngành, phát triển chưa đến mức xung đột lợi ích lớn để giải quyết. Do đó, trong 10-15 năm tới, các kịch bản tăng trưởng kinh tế đều theo hướng nhanh hơn nhờ các yếu tố khoa học công nghệ, nâng cao năng suất kết hợp bảo tồn hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học.
Xác định bảo vệ đi cùng với phát triển, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khai thác tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế biển. Vì thế, kinh tế biển ngày càng giữ vai trò quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, cung cấp nguyên liệu phong phú, đa dạng cho phát triển kinh tế của cả nước.
Theo ước tính hiện nay, giá trị kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đạt khoảng 47- 48% GDP; trong đó, đóng góp chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển. Trong lĩnh vực vận tải biển có hơn 90% lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển đi và đến Việt Nam bằng đường biển. Trữ lượng dầu mỏ khoảng 4,4 tỷ thùng, được xếp thứ 28 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới, đứng thứ nhì ở khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc(1). Ngành dầu khí đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, chiếm 10-13% tổng GDP của cả nước; cung cấp 35% sản lượng điện quốc gia, 70% sản lượng phân đạm và 70-80% sản lượng khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.
Bên cạnh đó, tài nguyên thuỷ, hải sản phong phú, đa dạng và có giá trị kinh tế cao. Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 8,15 triệu tấn (khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản năm 2020 đạt 8,6 tỷ USD, chủ yếu là từ khai thác, chế biến hải sản biển. Du lịch biển chiếm khoảng 70% tổng thu từ du lịch của cả nước với gần 200 điểm du lịch và nghỉ dưỡng nằm ở các vùng ven biển trải dọc từ Bắc đến Nam. Tốc độ tăng trưởng về thu nhập từ du lịch trong vòng 15 năm gần đây giữ mức tăng trưởng hơn 24%/ năm. Lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực ven biển có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước và hiện nay chiếm gần 70%-80% tổng lưu lượng khách trên cả nước.
Nhận thấy, phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, khi nền “kinh tế biển nâu” đang là “vật cản” trên chặng đường phát triển bền vững kinh tế biển. Kinh tế biển xanh thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững dựa trên việc duy trì và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tự nhiên biển, các dịch vụ hệ sinh thái ven biển và đảo ven bờ.
Điều này đòi hỏi phải áp dụng các giải pháp xanh đối với các ngành kinh tế biển và cấp cộng đồng. Trước những thách thức, người dân đã biết “biến nguy thành cơ”, biến khó khăn thành thuận lợi bằng cách chung tay với Nhà nước và chính quyền địa phương “cùng làm, cùng hưởng”.
Phát triển bền vững là ưu tiên chiến lược
Phát triển kinh tế biển là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc dân. Theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các ngành kinh tế biển đóng góp 10% GDP của cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65-70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
Trong bối cảnh mới, trước xu thế toàn cầu hóa và khu vực hóa phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển năng động của thế giới, thu hút sự quan tâm của nhiều nước lớn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của các nước và các vấn đề toàn cầu. Các nước ngày càng quan tâm đến chiến lược phát triển nói chung, chiến lược biển nói riêng. Các vấn đề môi trường, khai thác tài nguyên biển gắn với bảo tồn môi trường sinh thái biển còn hạn chế.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có tư duy, nhận thức mới về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Coi mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển bền vững biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là ưu tiên chiến lược.
Để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì phát triển kinh tế biển xanh là một lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển kinh tế biển cần chuyển từ khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển nhằm giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền.
Do đó, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ quản lý tổng hợp vùng bờ, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế biển xanh; lồng ghép các mục tiêu của quản lý tổng hợp vùng bờ và sáng kiến phát triển kinh tế biển xanh vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển để đáp ứng các thách thức mới nổi trong quản lý tài nguyên, môi trường biển.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; chủ động thu hút các nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển; ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển các huyện đảo, xã đảo tiền tiêu, xa bờ; xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng biển, đảo, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các tập đoàn kinh tế biển mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển, đặc biệt là ở các vùng biển xa bờ, viễn dương; tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành kinh tế biển, bảo đảm nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam: “Kinh tế biển là một mối tổng hòa của các ngành trên một môi trường biển có sự gắn kết chặt chẽ, sự phát triển của một ngành có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các ngành khác.
Vì vậy, việc đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế biển không phải đánh đổi chất lượng môi trường là điều cơ bản để đảm bảo một nền kinh tế xanh mạnh mẽ ở Việt Nam.
Lan Anh (T/h)