Thứ năm, 18/04/2024 13:11 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/05/2022 06:56 (GMT+7)

Kiên quyết hành động kịp thời, mạnh mẽ vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương

Theo dõi KTMT trên

Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng, Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, để làm tròn nghĩa vụ bảo vệ biển và đại dương cho các thế sau.

Cam kết mạnh mẽ cho một nền kinh tế biển bền vững

Với chủ đề “Giải pháp cho một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu”, Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Ngoại giao Na Uy đồng tổ chức đã diễn ra chiều ngày 12/5.

Theo đó, hội nghị nhằm thảo luận các cơ hội trong việc thúc đẩy, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển cũng như các thách thức của khủng hoảng do Covid-19, biến đổi khí hậu và ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xác định cơ hội thúc đẩy hành động bảo vệ các hệ sinh thái biển với mục tiêu phục hồi kinh tế biển và phát triển kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng và quốc gia dễ bị tổn thương; các chiến lược và hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị là diễn đàn huy động hợp tác quốc tế thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế biển Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn, nhiều vùng đảo và vùng ven biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia, dân tộc.

Vì vậy, phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại và chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.

Kiên quyết hành động kịp thời, mạnh mẽ vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương - Ảnh 1
Phát triển kinh tế biển bền vững là trách nhiệm đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, của thiên nhiên, nơi nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự thịnh vượng của nhân loại trên Trái Đất.

“Tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với sự sinh tồn của cộng đồng dân cư của mỗi quốc gia, mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, của thiên nhiên, nơi nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự thịnh vượng của nhân loại trên Trái Đất”.

Theo Phó Thủ tướng, Hội nghị quốc tế về kinh tế biển đại dương và thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, khi thế giới đang hướng tới hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới 2022 với chủ đề “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” và khẩn trương triển khai các cam kết về khí hậu tại COP26 vừa qua. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự tại Hội nghị này quan tâm cùng chung tay hành động vì nhân loại cũng như sự sống trên Trái đất.

Kiên quyết hành động kịp thời, mạnh mẽ vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương - Ảnh 2
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

“Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng, Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để vừa bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho mọi người dân, vừa làm tròn nghĩa vụ bảo vệ biển và đại dương cùng cộng đồng quốc tế cho các thế hệ mai sau. Chúng tôi sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong việc giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một biển xanh, trong lành và một nền kinh tế bền vững”.

Chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu

Thực tế cho thấy, ô nhiễm biển, rác thải nhựa đại dương là vấn đề cấp bách toàn cầu. Do vậy, cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới; khắc phục những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu trong giai đoạn tới…

“Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong việc giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một biển xanh, trong lành và một nền kinh tế bền vững”, Phó thủ tướng cũng khẳng định.

Ngoài ra, quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển, ven biển, phát triển năng lượng dựa vào đại dương phải dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật biển xanh, tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế.

Liên quan đến vấn nạn rác thải nhựa đại dương, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho rằng để giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần hiệu quả phải định hướng ngay từ khâu sản xuất; phải có lộ trình khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, dần chuyển sang sản xuất những sản phẩm phân hủy được, không gây ô nhiễm môi trường; đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, lãi vay ngân hàng và hướng dẫn cặn kẽ để doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi. Tất nhiên, khâu cuối của lộ trình là việc xử phạt, chế tài nếu doanh nghiệp không tuân thủ các yêu cầu trên. 

Theo Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia và đối tác chia sẻ tri thức khoa học, kinh nghiệm, nguồn lực và sáng kiến quản lý tổng hợp vì một nền kinh tế biển xanh bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu được giới chuyên gia nhận định góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; thể hiện là thành viên tích cực, đối tác tin cậy, có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, đặc biệt trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Kiên quyết hành động kịp thời, mạnh mẽ vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới