Thứ tư, 09/10/2024 10:57 (GMT+7)
Thứ hai, 16/05/2022 16:55 (GMT+7)

Ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực môi trường để xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh

Theo dõi KTMT trên

"Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến là chìa khóa quan trọng để xây dựng một tương lai xanh". Đây là chia sẻ của PGS.TS Trương Mạnh Tiến tại Hội thảo.

Sáng 16/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức Hội thảo "Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2021 và định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực môi trường". 

Tham dự Hội thảo có ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lương Duy Hanh - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ TN&MT); ông Hoàng Văn Thức -  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường.

Đánh giá về hoạt động KH&CN lĩnh vực môi trường giai đoạn 2011-2021, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, các đề tài nghiên cứu được phê duyệt đã tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên, thực tiễn theo yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Nhiều vấn đề mới và khó đã được nghiên cứu, làm rõ về nội dung và có kết quả nghiên cứu rõ ràng, phục vụ đắc lực và hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, ngành và địa phương.

Ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực môi trường để xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo.

Cùng với những kết quả đạt được, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ ra rằng, vẫn còn tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu, triển khai KH&CN trong lĩnh vực môi trường.

Để khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian qua, thúc đẩy phát triển KH&CN của lĩnh vực môi trường trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ TN&MT đề nghị các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia góp ý và trao đổi thảo luận tập trung vào xác định những lĩnh vực trọng tâm cần triển khai để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở nước ta.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến là chìa khóa quan trọng để xây dựng một tương lai xanh; đề xuất các giải pháp nhằm cụ thể có thể điều chỉnh trong khuôn khổ trách nhiệm quản lý của Bộ để từ đó triển khai có hiệu quả hơn nữa hoạt động nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực môi trường định hướng năm 2030.

Tập trung cho mục tiêu mà Việt Nam cam kết tại COP26

Về định hướng KH&CN trong lĩnh vực môi trường của Bộ TN&MT trong thời gian tới, ông Lương Duy Hanh, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, cho biết sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để hoàn thiện và triển khai có hiệu quả thể chế, chính sách, pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các công cụ, mô hình quản lý mới nhằm bảo vệ môi trường và bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong điểu kiện hội nhập quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình dự báo, giám sát, cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp điều kiện Việt Nam trong ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm; cải tạo, phục hồi môi trường; quản lý chất thải; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp, hướng đến mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng 0.

Ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực môi trường để xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh - Ảnh 2
Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu các báo cáo: Nghiên cứu, đề xuất các nội dung cơ bản phục vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030; Nghiên cứu, xác định các nguồn đóng góp chính đối với bụi PM10 và PM2.5 ở đô thị miền Bắc Việt Nam – Thực nghiệm tại Hà Nội, Quảng Ninh và Phú Thọ; Cơ sở khoa học về kinh tế tuần hoàn phục vụ xây dựng Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Tự động hóa vận hành hệ thống trong quản lý và bảo vệ môi trường nước phục vụ xây dựng và phát triển đô thị thông minh thời đại 4.0; Nghiên cứu khoa học công nghệ đo đạc bản đồ phục vụ quản lý môi trường; Kết quả nghiên cứu khoa học tiêu biểu về quản lý chất thải; Công tác quản lý về bảo vệ môi trường trong thời gian tới và định hướng nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng KHCN trong BVMT giai đoạn 2021-2030.

Nâng cao văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên

Phát biểu góp ý tại Hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo đánh giá 10 năm hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường.

Ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực môi trường để xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh - Ảnh 3
PGS.TS Trương Mạnh Tiến phát biểu tại Hội thảo.

"Đối với vấn đề bảo vệ môi trường, có hai mảng cần phân tích đó là "mảng xanh" và "mảng nâu". "Mảng xanh" ở đây là vấn đề bảo tồn, ở một số nước phát triển họ sẽ gắn liền bảo tồn và phục hồi. Chúng tôi mong muốn làm sao đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc có thể đưa vấn đề bảo tồn vào phần nội dung.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", làm sao để mỗi người dân thấy được tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường sống, làm sao để đạo đức môi trường - tức là văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên gắn liền với mỗi người dân, lấy đó làm kim chỉ nam cho nhân loại.

"Mảng nâu" ở đây là vấn đề khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường, cũng rất quan trọng. Theo tôi, mảng này nên chia làm các nhánh nhỏ theo từng vấn đề, từ đó đi sâu vào nghiên cứu và đưa ra những giải pháp công nghệ phù hợp. Đặc biệt, cần lưu tâm đến vấn đề nguồn nước - nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta.

Trên thực tế, nguồn nước nói chung đang bị ô nhiễm nặng nề, nhìn đâu cũng thấy ô nhiễm. Trước đây, sự cố Formosa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển, còn ở trong đất liền cũng rất nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm nguồn nước.

Về đến vấn đề ô nhiễm không khí thì việc cảnh báo như thế là chưa đủ, cần có những nghiên cứu sâu hơn. Liên quan đến vấn đề xử lý chất thải rắn thì kinh tế tuần hoàn là một giải pháp ưu việt, các công cụ kinh tế (tài chính) thì trong luật đã có chủ trương, chúng ta cần tận dụng để có những hướng nghiên cứu dài hơi và có tính ứng dụng cao", PGS.TS Trương Mạnh Tiến nêu quan điểm.

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực môi trường để xây dựng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa Phát nộp ngân sách 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng
Sau 9 tháng của năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát...