Thứ sáu, 08/11/2024 21:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/12/2021 13:00 (GMT+7)

Xử lý rác thải sinh hoạt, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn

Theo dõi KTMT trên

Rác thải sinh hoạt ở Việt Nam là một vấn đề môi trường rất nghiêm trọng. Do đó, Việt Nam cần phải kiên quyết thực hiện việc xây dựng và vận hành một nền kinh tế tuần hoàn, để bảo đảm tính hiệu quả của việc xử lý rác thải sinh hoạt.

70% tổng lượng rác thải được xử lý bằng công nghệ hiện đại

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ hiện đại đạt trên 70% tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường cho biết: “Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc năm 2019 đã tăng 46% so với năm 2010, và khối lượng này vẫn không ngừng ra tăng. Bên cạnh đó, sự đa dạng về thành phần chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt trong những năm gần đây, lượng chất thải khó phân hủy như các đồ dùng nhựa, túi nylon gia tăng chóng mặt, khiến cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trở nên càng ngày càng khó khăn".

Xử lý rác thải sinh hoạt, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1
Từ 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu 70% tổng lượng rác thải xử lý bằng công nghệ hiện đại. (Ảnh: Báo Dân trí)

Trước thực trạng đó, thành phố Hà Nội đang đôn đốc triển khai, hoàn thành Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày-đêm tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và khởi công, hoàn thành Nhà máy điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày đêm tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì).

Giai đoạn đến năm 2030, thành phố tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hạ tầng, giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại, có phát điện tại các vị trí: Khu xử lý chất thải rắn Phù Đổng (huyện Gia Lâm); Khu xử lý chất thải rắn Châu Can (huyện Phú Xuyên); Khu xử lý chất thải Núi Thoong, Đồng Ké (huyện Chương Mỹ) nhằm tiếp tục nâng tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ hiện đại.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý tại khu vực đô thị đạt xấp xỉ 100%, khu vực nông thôn đạt 90%.

Toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong ngày trên địa bàn các quận, huyện, thị xã được thu gom, vận chuyển về các khu xử lý tập trung của thành phố là Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (khoảng 5.500 tấn/ngày) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (khoảng 1.500 tấn/ngày).

Mặt khắc, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh; chỉ có một số lượng nhỏ (khoảng 100 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp đốt thông thường.

Loay hoay với bài toán xử lý rác thải

Hàng ngày, tại Hà Nội, khoảng hơn 5.000 tấn rác sinh hoạt được thải ra môi trường. Đó là chưa kể rác thải công nghiệp, rác thải rắn, rác thải độc hại. Tất cả các loại rác kể trên đều có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Song, Hà Nội chỉ có hai khu xử lý rác thải chính: Nam Sơn và Xuân Sơn. Cả hai khu này đều đang quá tải. Do thiếu chỗ xử lý rác, thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều áp lực và hệ lụy từ rác.

Bãi rác quá tải, dẫn tới sự cố không chỉ gây ùn ứ rác tại các quận, huyện mà còn tạo khó khăn áp lực không nhỏ cho đơn vị vận hành. Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - đơn vị được giao quản lý, vận hành hai bãi trên - bãi rác quá tải có nguy cơ: phát tán mùi rất cao, nước rỉ rác lớn, không chủ động ô chôn lấp, mật độ phương tiện ra vào một khu vực lớn nguy cơ tai nạn giao thông, hao tổn nhiên liệu do xe phải leo lên cao tìm chỗ đổ rác…

Xử lý rác thải sinh hoạt, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2
Rác ùn ứ nhiều, khiến quận Nam Từ Liêm phải chọn bãi đất trống đối diện bến xe Mỹ Đình để chứa rác tạm. (Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM)

Thời gian qua, thành phố đã chấp nhận chủ trương đầu tư đối với nhiều dự án đốt rác phát điện tầm cỡ trên địa bàn. Có thể kể đến như Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý, công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày đêm; nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày đêm của liên danh T&T và Hitachizonshen; Nhà máy xử lý rác của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Indovin Power 500 tấn/ngày đêm; Nhà máy điện rác Seraphin công suất 1.500 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin…

Tuy nhiên, trong các dự án trên, chỉ có Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý là đang trong quá trình thi công nhưng cũng đã chậm so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến trong năm nay, nhà máy trên sẽ tiếp nhận rác để vận hành. Các dự án còn lại đều đang trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện thủ tục đầu tư, bàn giao mặt bằng...

Trước thực trạng trên, UBND thành phố phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đi kèm giải pháp trước mắt là đầu tư 170 tỷ đồng để xây dựng một số hạng mục nhằm nâng công suất của bãi rác Nam Sơn. Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng ô chôn lấp; hồ sinh học khẩn cấp tại khu đất xen kẹt rộng 10,5 ha thuộc giai đoạn 2 bãi rác Nam Sơn; hồ chứa sinh học rộng trên 7 ha gồm: đào hai hồ chứa nước rỉ rác và xây dựng hạ tầng kỹ thuật như tường rào, mương thoát nước, đường nội bộ, hệ chống chiếu sáng, cây xanh… Dự kiến, các hạng mục này và hoàn thành vào quý II/2022.

Theo UBND thành phố, bãi rác Nam Sơn đảm nhiệm xử lý khoảng 70% lượng rác thải của toàn thành phố. Do vậy, việc xây dựng các hạng mục này nhằm tăng khả năng lưu chứa nước rác, chôn lấp rác đảm bảo an ninh môi trường, an toàn phòng, chống dịch bệnh cho toàn bộ khu vực dân sinh xung quanh; đồng thời, bảo đảm an toàn vận hành tiếp nhận và xử lý rác tại bãi rác Nam Sơn.

Cũng theo UBND thành phố, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tới 17 khu xử lý chất thải, chia làm 3 khu vực: Bắc, Nam và Tây. Một số khu xử lý đang được UBND thành phố thực hiện dự án cải tạo hạ tầng, triển khai giải phóng mặt bằng để kêu gọi đầu tư như: Châu Can (Phú Xuyên); Phù Đổng (Gia Lâm); Đồng Ké, Núi Thoong (Chương Mỹ); Đông Lỗ (Ứng Hòa); Lại Thượng (Thạch Thất); Hợp Thanh (Mỹ Đức)... Quy mô mỗi khu xử lý từ 4 ha đến khoảng 20 ha, công suất xử lý từ 500 tấn đến 1.200 tấn rác/ngày đêm.

Thực tế, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác cũng như chống quá tải cho các ô chôn lấp, Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có cả cấp bách và lâu dài như nêu trên để từng bước giảm áp lực cho đầu ra của rác thải, hướng tới môi trường Thủ đô xanh, sạch, đẹp.

PGS.TS Vũ Thanh Ca (Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), người từng có kinh nghiệm nghiên cứu, xây dựng các mô hình quản lý chất thải rắn đô thị và nông thôn, cũng như các vấn đề ô nhiễm đại dương cho rằng, rác thải sinh hoạt ở Việt Nam là một vấn đề môi trường rất nghiêm trọng.

Vì vậy, để bảo đảm tính hiệu quả của việc xử lý rác thải sinh hoạt, Việt Nam cần phải kiên quyết thực hiện việc xây dựng và vận hành một nền kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tế tuần hoàn đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Luật cũng nêu rõ, Chính phủ sẽ quy định các tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta. Chính sách này sẽ thúc đẩy Chính phủ cùng các địa phương xử lý tốt hơn vấn đề rác thải.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xử lý rác thải sinh hoạt, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thúc đẩy phát triển kinh tế đa dạng sinh học tại Việt Nam
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy thoái nhanh chóng các hệ sinh thái do áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, gia tăng dân số, chuyển đổi sử dụng đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững, cùng với ô nhiễm môi trường.
Thanh niên 9x khởi nghiệp với hoa cẩm cù
Đỗ Văn Phúc (SN 1991) bất ngờ khám phá niềm yêu thích đặc biệt với hoa cẩm cù. Từ đó, anh đã biến đam mê này thành sự nghiệp, gặt hái thành công và tạo ra nguồn thu nhập ổn định tại Bình Phước.

Tin mới