Đề xuất tăng tỉ lệ tái chế rác thải bắt buộc của Hiệp hội Giấy có khả thi?
Chất thải ở Việt Nam gia tăng nhanh với tốc độ tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm.Do vậy, việc Việt Nam quy định tỉ lệ tái chế thấp hơn cả các nước EU và Hàn Quốc cách đây 20 năm là không phù hợp.
Hiệp hội Giấy vừa gửi kiến nghị đến Chủ tịch Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị tăng tỉ lệ tái chế bắt buộc và không lùi thời hạn áp dụng EPR...
Được biết, Việt Nam đã chậm 15 năm trong việc thực hiện Quy định về trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR). Trong khi đó, nhu cầu khẩn cấp cần phải giảm lượng chất thải phát sinh, và tăng tỉ lệ tái chế để giảm các xung đột môi trường do ô nhiễm và sức khỏe cộng đồng. Hầu hết các nhà khoa học và tổ chức môi trường trong và ngoài nước đều cho rằng, nhà sản xuất cần phải có trách nhiệm xử lý đối với các sản phẩm, bao bì mình sản xuất, đặc biệt, đối với các sản phẩm có chứa thành phần nguy hại.
Chất thải ở Việt Nam gia tăng nhanh hơn tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng và quản lý, tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm. Nếu không hành động và có chính sách quyết liệt, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia dẫn đầu về lượng chất thải nhựa ra đại dương. Khi áp dụng, EPR sẽ khuyến khích các nhà sản xuất thay đổi thiết kế, buộc họ phải tăng tỉ lệ thu gom, tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì mà họ đã sản xuất.
Theo Hiệp hội Giấy, tỉ lệ tái chế ở Việt Nam hiện nay là quá thấp không chỉ không thu hút được nguồn đầu tư vào ngành công nghiệp tái chế mà còn không đảm bảo việc chia sẻ lợi ích và tận dụng được hiệu quả thu gom, phân loại của hệ thống dân lập. Bên cạnh hệ thống thu gom phi chính thức hoạt động hiệu quả hơn hệ thống chính thức, công nghệ trong ngành công nghiệp tái chế hiện nay đã phát triển vượt bậc so với 20 năm trước khi châu Âu và Hàn Quốc bắt đầu áp dụng EPR. Do đó, việc Việt Nam quy định thấp hơn cả các nước EU và Hàn Quốc cách đây 20 năm là không phù hợp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh (Hiệp hội nhựa Việt Nam) cho biết thêm, tỉ lệ tái chế bắt buộc quy định trong dự thảo Nghị định đang rất thấp, thấp hơn thực tế tái chế hiện nay. Mặt khác, nếu tỉ lệ bắt đầu thấp như dự thảo, sẽ không thể đạt được mục tiêu tái chế đề ra trong Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam vừa được phê duyệt tại Quyết định số Quyết định 1316 ban hành ngày 22/7/2021.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Giấy còn kiến nghị các khoản đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên trong quản lý chất thải, cụ thể theo nguyên tắc 5Rs, tức là Refuse – Từ chối/ Không sử dụng, hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế; Reduce – Giảm thiểu/ hạn chế sử dụng; Reuse – Tái sử dụng; Recycle – Tái chế; Recover – Thu hồi lại nguyên liệu hoặc năng lượng, cuối cùng mới là thải bỏ và xử lý hợp vệ sinh.
Mặt khác, cần bổ sung đại diện của các tổ chức môi trường và xã hội trong Hội đồng EPR Quốc gia. Và chi phí hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam phải được lấy từ tiền đóng góp của các nhà sản xuất, nhập khẩu và các PRO thay vì là nguồn ngân sách công.
Liên quan đến vấn đề này, bà Quách Thị Xuân, điều phối viên của Liên minh không rác cho rằng, tỉ lệ tái chế trong dự thảo vẫn quá thấp so với các quốc gia đã áp dụng EPR, điều này chưa thể giải quyết được vấn đề ùn ứ rác thải sinh hoạt và ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay.
Theo tính toán của bà Xuân, với tỉ lệ quá thấp như hiện nay và quy định giới hạn tăng không quá 5% cho chu kỳ 3 năm thì Việt Nam không thể đạt được mục tiêu tái chế đạt 85% vào năm 2025 theo Đề án đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt.
Vì vậy bà Xuân đề nghị không lùi thời điểm thực hiện EPR hơn nữa mà nên theo đề xuất của dự thảo. "Việt Nam đã chậm và gần như không thực thi EPR trong suốt 15 năm qua và hệ quả là thực trạng ùn ứ, quá tải tại các bãi rác, ô nhiễm chất thải nhựa đang rất báo động và bị xem là một trong năm quốc gia thải xả nhựa ra đại dương lớn nhất".
3 tỉ USD mỗi năm bị lãng phí vì không tái chế rác thải nhựa
Theo báo cáo "Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa" do IFC vừa công bố, mỗi năm, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam. Trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế (CFR).
Do vậy, có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỉ USD mỗi năm. Nếu tất cả được thu gom và tái chế thành các sản phẩm có giá trị nhất, về lý thuyết tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỉ USD mỗi năm.
Các nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tái chế nhựa thấp ở Việt Nam như thiếu nhu cầu bền vững đối với nhựa tái chế tại địa phương, khả năng tiếp cận tài chính của đơn vị tái chế, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, còn do nguồn cung không đều và có rủi ro từ khu vực phi chính thức, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phế liệu nhựa, không có tiêu chuẩn thiết kế để tái chế, và hệ thống quản lý chất thải ưu tiên thu gom và xử lý hơn so với tái chế.
Lan Anh (T/h)