Kiểm soát khí thải xe máy còn nhiều rào cản
Khí thải xe máy được cho là một trong nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các đô thị. Thế nhưng, nhiều năm qua, việc kiểm soát khí thải vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu của người Việt từ hàng chục năm qua, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện. Theo thống kê hiện trên cả nước có khoảng 60 triệu mô tô, xe máy và đây chính là một trong những tác nhân lớn gây ô nhiễm môi trường.
Thực tế có rất nhiều phương tiện "hết đát" vẫn được người dân tận dụng để chở hàng ngang nhiên lưu thông trên đường phố. Điều này không chỉ đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của các đô thị.
Tuy nhiên trong Luật Giao thông đường bộ 2008 chỉ quy định việc kiểm soát khí thải đối với ô tô, chưa quy định đối với xe máy. Tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã quy định việc tổ chức kiểm định, cải tạo xe cơ giới và công tác kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy để kiểm soát lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, xe mô tô, xe gắn máy phải được kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận về hệ thống, tổng thành, linh kiện, an toàn kỹ thuật chung và khí thải khi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu theo quy định...
Từng trao đổi với báo Hà Nội mới, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa cho rằng, đối với xe máy đã cũ nát, trước hết nên có chính sách hỗ trợ để thu hồi hoặc chuyển đổi phương tiện cho những đối tượng là người nghèo, người thu nhập thấp. Quan trọng nhất là đưa ra lộ trình phù hợp nhằm kiểm soát khí thải và dần loại bỏ xe máy cũ nát. Đồng thời tuyên truyền tác hại của xe máy cũ nát, tạo sự đồng thuận trong việc bảo đảm môi trường an toàn cho cộng đồng xã hội. Đi đôi với đó là tăng cường kiểm tra và có chế tài đối với các trường hợp không chấp hành.
“Việc kiểm soát khí thải xe máy có thể thực hiện thông qua các đại lý ủy quyền, trạm bảo dưỡng, bảo trì dưới hình thức xã hội hóa. Qua thực tế thí điểm kiểm soát khí thải xe máy cho thấy, thời gian kiểm tra đối với mỗi xe máy chỉ mất khoảng 5-10 phút. Sau khi kiểm tra, nếu không đạt tiêu chuẩn, chủ phương tiện phải bảo dưỡng, sửa chữa xe để đáp ứng đúng tiêu chuẩn lưu hành. Cơ quan chức năng có thể dùng logo hay tem kiểm định để phân biệt xe nào đã kiểm định đạt chuẩn”, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường Nguyễn Hữu Tiến cho biết.
Mới đây, Bộ GTVT đã có ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về việc cần bổ sung quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.
Trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM, Bộ GTVT cho biết, hiện quy định của pháp luật về kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy trước khi các phương tiện này lưu thông trên đường đã được Chính phủ, Bộ GTVT ban hành đầy đủ và triển khai đồng bộ từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành chưa thể thực hiện, do việc kiểm định định kỳ đối với mô tô, xe máy có tác động ảnh hưởng đến người dân, phát sinh chi phí xã hội, thủ tục hành chính mà chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Mới đây, Bộ GTVT đã đưa nội dung quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và quy định về kiểm định khí thải đối với mô tô, xe máy đang lưu hành vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và sẽ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới. Trong đó, Bộ GTVT sẽ xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với mô tô, xe máy để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước.
Xóa bỏ, thay thế mô tô, xe gắn máy cũ là rất khó, do đây là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân, nhất là dân nghèo đô thị. Đây cũng là lý do rất nhiều dự thảo, đề án liên quan đến mô tô, xe máy mãi vẫn nằm trên giấy. Nhưng nếu các cơ quan quản lý nhà nước không sớm bổ sung quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy thì tình trạng ô nhiễm do phát thải phương tiện tại các đô thị lớn sẽ không thể giảm.
Nhật Hạ