Thứ sáu, 22/11/2024 21:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 12/10/2019 07:44 (GMT+7)

Khai thác du lịch cần tuân thủ pháp luật

Theo dõi KTMT trên

Câu chuyện “Panorama Mã Pí Lèng” và “Cà phê đường tàu” đã khép lại, nhưng những bài học về quản lý, về khai thác du lịch trong khuôn khổ pháp luật thì vẫn còn chưa hề nguội, nhất là đối với những nơi có tiềm năng lớn về du lịch nhưng chưa có điều kiện khai thác.

Khai thác du lịch cần tuân thủ pháp luật - Ảnh 1
Tuyên truyền bảo đảm an toàn tại "phố" cà phê đường tàu. Ảnh: Giang Ngọc

Những ngày gần đây, dư luận đang nóng lên bởi những “điểm du lịch” mới khá thu hút sự tò mò của du khách nhưng lại vi phạm những quy định của pháp luật. Đó là công trình nhà hàng – khách sạn Panorama bảy tầng ở đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang) và hàng loạt quán cà phê ven đường tàu dọc phố Phùng Hưng (Hà Nội).

Điểm chung của các “điểm du lịch” này là tính tự phát và sức hấp dẫn từ sự mạo hiểm. Panorama thu hút những du khách tò mò bởi cảnh đẹp cheo leo view từ các lan can của tòa nhà bảy tầng chênh vênh trên miệng vực, nhìn xuống dòng sông Nho Quế. Các quán cà phê đường tàu thu hút bởi cảm giác mạo hiểm mỗi khi có những chuyến tàu chạy qua. Và sự mạo hiểm đã thành hiện thực khi cách đây chỉ một hôm, có đoàn tàu đã phải kéo phanh khẩn cấp vì khách du lịch “không chạy kịp”.

Tòa nhà Panorama bảy tầng của bà Vũ Thị Ánh, theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì nằm ở ngoài khu vực bảo vệ II của danh thắng này. Tuy nhiên, Cục Di sản văn hóa cũng cho biết, theo Luật Di sản văn hóa, điều 36, khi phê duyệt các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ của danh thắng quốc gia, xét thấy công trình có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch… Vì nằm ngoài vùng bảo vệ II cho nên công trình này chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Khai thác du lịch cần tuân thủ pháp luật - Ảnh 2
Tòa nhà bảy tầng xây không phép trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng.

Và điều quan trọng hơn, công trình được xây dựng hoàn toàn không phép. Và chính bản thân Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thái Bình cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi cho rằng, nhiều khi có nhu cầu sửa nhà, chỉ cần đổ một đống cát lên vỉa hè là đội trật tự xây dựng có mặt ngay lập tức, nhưng cả một công trình đồ sộ như vậy mọc lên trong hàng tháng trời không có giấy phép mà không hề hấn gì. Điều đó cho thấy vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát ngay trên địa bàn mình.

Chính vì không có phép, cho nên dư luận đặt câu hỏi về mức độ an toàn, đủ điều kiện phục vụ du lịch hay không của công trình này.

Tương tự như vậy, hàng loạt quán cà phê đường tàu khu vực giáp hai phố Phùng Hưng và Trần Phú thời gian gần đây thu hút rất đông du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Đây vốn là mặt lưng của các căn nhà, nay được sửa sang lại, bài trí cho hấp dẫn và trở thành nơi thu hút du khách, chụp ảnh check-in của giới trẻ. Tuy nhiên những quán cà phê này lại đang vi phạm nghiêm trọng an toàn giao thông đường sắt khi có khoảng cách thấp hơn quy định tính đến mép đường sắt là 5,4m. Hơn nữa, khách đến đây kể cả thanh thiếu niên hay người nước ngoài đều lựa chọn những hành động mạo hiểm để trải nghiệm, như chụp ảnh, quay phim đi, đứng, ngồi sát đường tàu, thậm chí chụp ảnh cùng đoàn tàu đang đến. Còn các hộ kinh doanh tại đây cũng bày bàn ghế, đồ đạc ra lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt… Ngày 10/10, TP Hà Nội đã ra quân xử lý, tuyên truyền, nhắc nhở người dân, du khách nước ngoài và các hộ kinh doanh không vi phạm các quy định về hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Nhiều ý kiến cho rằng cà phê đường tàu cũng là một nét độc đáo của Hà Nội, nhiều nước khác cũng đã khai thác khá thành công điểm du lịch gắn với đường tàu này, thí dụ như Thái-lan, và mong muốn ngành du lịch nên nghiên cứu khai thác để sao cho vừa giữ an toàn cho du khách, an toàn chạy tàu, vừa thu hút khách nước ngoài.

Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu quan điểm rõ ràng, là tất cả những điểm du lịch dù tự phát hay theo quy hoạch đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Thái Bình cho biết: “Khu cà phê đường tàu tập trung rất đông khách du lịch, nhưng quan điểm của tôi là dù có thu hút khách đến đâu cũng phải bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Hà Nội đã giải tỏa khu này để bảo đảm an ninh, an toàn cho chạy tàu và cho cả khách du lịch”.

Cũng như vậy, đối với tòa nhà Panorama trên đèo mã Pì Lèng không phép nhưng số lượng du khách đến rất đông. Ông Nguyễn Thái Bình cho rằng, việc để cho một công trình xây dựng sai phép cho dù ở bất kỳ đâu, cho dù có thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch hay văn hóa, thể thao thì Bộ cũng không đồng tình: “Chúng ta hãy vì một xã hội tuân thủ luật pháp. Cần lên tiếng để xử lý tất cả những hành vi vi phạm nói chung. Khi làm sai, nhận thức được cái sai của mình thì phải khắc phục, sửa chữa. Còn một doanh nghiệp trong cơ chế thị trường thì được ăn, thua chịu. Không được đem sinh mệnh của mình ra để tạo áp lực ngược lại với luật pháp. Khi vi phạm pháp luật, bị xử lý mà lại lấy chuyện thua chịu bắt xã hội cùng gánh thì đó là điều không thể”.

Thêm vào đó, ông Nguyễn Thái Bình cũng cho biết, Hà Giang đã có văn của tỉnh nêu rõ không cấm xây dựng tại điểm du lịch này, nhưng công trình chỉ có thể là trạm dừng chân ngắm cảnh thôi. Tỉnh không đồng tình việc xây dựng nhà kiên cố như thế này, thậm chí còn quy định cả về vật liệu xây dựng, kết cấu… Quan điểm của tỉnh rất rõ, nhưng chủ đầu tư cố tình làm sai lệch chỉ đạo của tỉnh, vi phạm pháp luật.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, cơ quan quản lý khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đối với các điểm du lịch có yếu tố mới lạ, hấp dẫn, khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, tạo ra các sản phẩm mới. Nhưng các công trình, dự án, điểm du lịch về nguyên tắc đều phải trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch. “Nhu cầu du lịch là đương nhiên, nhưng tổ chức hoạt động du lịch phải theo đúng quy định của pháp luật. Các điểm du lịch phải được cấp phép, vừa bảo đảm an toàn, vừa đáp ứng nhu cầu du lịch thì rất tốt. Đối với những điểm du lịch tự phát, chúng tôi thường yêu cầu nhà đầu tư trước khi đầu tư phát triển phải có đánh giá rất kỹ và phải làm việc, thống nhất với địa phương”.

Bạn đang đọc bài viết Khai thác du lịch cần tuân thủ pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới