Italia: Bảo vệ môi trường trở thành một phần của Hiến pháp
Đạo luật trong Hiến Pháp được thông qua gần đây quy định Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái vì lợi ích của các thế hệ tương lai, khẳng định mọi sáng kiến phát triển kinh tế không được gây tổn hại tới môi trường.
Ngày 8/2, Quốc hội Italia đã bỏ phiếu thông qua đạo luật đưa nội dung bảo vệ môi trường trở thành một phần của Hiến pháp. Các chính trị gia và các nhà hoạt động đánh giá, quyết định này có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của đất nước.
Đạo luật quy định Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái vì lợi ích của các thế hệ tương lai, đồng thời khẳng định mọi sáng kiến phát triển kinh tế tư nhân đều không được gây tổn hại tới sức khỏe người dân hay môi trường.
Theo Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Italia Roberto Cingolani, đạo luật là “một bước đi cần thiết” đối với Italia, trong bối cảnh Rome đang xúc tiến việc tăng cường các khoản đầu tư xanh để chuyển đổi nền kinh tế theo quỹ đạo phục hồi sau đại dịch Covid-19 của Liên minh châu Âu.
Hiện vẫn chưa rõ đạo luật mới sẽ mang lại các tác động tư pháp như thế nào. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Italia cho biết, họ kỳ vọng Quốc hội nước này sẽ sớm điều chỉnh luật pháp hiện hành liên quan các vấn đề môi trường.
“Cuối cùng, bảo vệ môi trường đã trở thành một nguyên tắc cơ bản của Italia, truyền cảm hứng cho các đạo luật ban hành trong tương lai cũng như làm cơ sở để điều chỉnh các đạo luật ban hành trước đó”, Chủ tịch WWF Italia Donatella Bianchi nói.
Ở Việt Nam, Điều 63 Hiến pháp năm 2013 có quy định những chính sách cơ bản của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.
Trên cơ sở những quy định của Hiến pháp, Điều 5 Luật Bảo vệ Môi trường đã đề ra những chính sách cụ thể nhằm bảo vệ môi trường, đó là: Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường; Bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.
Nhà nước ưu tiên xử lý vấn đề môi trường bức xúc, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nguồn nước, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư, phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường, bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách với tỷ lệ tăng dần theo tăng trưởng chung, các nguồn kinh phí bảo vệ môi trường được quản lý thống nhất và ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực trọng điểm trong bảo vệ môi trường; Ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, đất đai cho hoạt động bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Nhà nước còn có chính sách tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường; Phát triển khoa học, công nghệ môi trường, ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, áp dụng tiêu chuẩn môi trường đáp ứng yêu cầu tốt hơn về bảo vệ môi trường; Gắn kết các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh môi trường.
Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường; Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
Nguyễn Linh (T/h)