Thứ sáu, 22/11/2024 19:23 (GMT+7)
Thứ tư, 09/02/2022 09:32 (GMT+7)

Nỗ lực đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống

Theo dõi KTMT trên

Năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bắt đầu được thực thi. Để những chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, những người xây dựng Luật và các cơ quan quản lý đã nỗ lực quyết tâm và chuẩn bị một cách kỹ càng các vấn đề liên quan.

Báo TN&MT đã có phỏng vấn ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) về vấn đề này.

PV: Có thể nói rằng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều đột phá, đòi hỏi việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật cũng đề ra những yêu cầu cao. Để Luật thực sự đi vào cuộc sống, Bộ TN&MT đã xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua, Bộ TN&MT được Chính phủ giao xây dựng 3 Nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường. Cùng với đó là 2 Thông tư liên quan đến vấn đề quy định chi tiết nội dung Luật Bảo vệ môi trường và quy định chi tiết một số điều liên quan đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nỗ lực đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống - Ảnh 1
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

Bộ TN&MT và các đơn vị liên quan đã được huy động và nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Trong quá trình xây dựng các văn bản, chúng tôi cũng đã tham vấn kỹ tất cả những đối tượng tác động và đặc biệt là các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, từ thực tiễn địa phương, đúc rút những kinh nghiệm để những quy định chi tiết thi hành của Luật phù hợp với cuộc sống và mang lại hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Đến nay, đã có 2 Nghị định quan trọng được ban hành. Đó là Nghị định 06//NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định 08/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, Bộ TN&MT đã ban hành 2 Thông tư: Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Các văn bản này đã bảo đảm các quy định, hướng dẫn cần thiết để triển khai Luật Bảo vệ môi trường.

PV: Trong số các Nghị định và Thông tư ông vừa chia sẻ, Nghị định 08/NĐ-CP đã thể chế hóa các vấn đề cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là những quy định liên quan đến giấy phép môi trường. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những quy định này?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ TTHC thông qua việc tích hợp rất nhiều giấy phép vào trong Giấy phép môi trường… Lần đầu tiên chúng ta đưa vào Luật các tiêu chí về môi trường để phân loại các dự án, thực hiện các công cụ quản lý đồng bộ từ giai đoạn xây dựng, thiết kế cho đến triển khai và vận hành dự án. Nếu như trước đây có những đối tượng, dự án phải có đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận công trình bảo vệ môi trường… thì tới đây chỉ thực hiện 1 thủ tục là Giấy phép môi trường. Qua đó góp phần đơn giản hóa, tạo thuận lợi về mặt TTHC cho người dân và doanh nghiệp.

Khi xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc đơn giản hóa TTHC trong đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường luôn được chú trọng. Cụ thể là đơn giản hóa từ thành phần hồ sơ; nhiều nội dung liên quan đến giấy tờ được thực hiện theo cơ chế thủ tục liên thông, không bắt buộc người dân và doanh nghiệp phải nộp.

Về thời gian giải quyết hồ sơ TTHC, Luật quy định thời hạn tối đa là 45 ngày đối với cấp Giấy phép môi trường cấp Bộ. Trong Nghị định này, thời hạn được phân rõ hơn theo từng nhóm đối tượng (nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3). Trong đó, những đối tượng thuộc nhóm 3, nội dung của Báo cáo đề xuất cấp phép, trình tự thủ tục, tiếp nhận, xử lý giải quyết hồ sơ sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với các dự án nhóm 1, nhóm 2. Về thời gian giải quyết hồ sơ cũng ngắn hơn rất nhiều so với thời hạn quy định của Luật. Qua đánh giá, việc thực hiện quy định này góp phần giảm gần 40% TTHC trong lĩnh vực môi trường.

PV: Một vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm là việc người dân sẽ phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và trả chi phí xử lý rác thải theo khối lượng. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra quy định thay đổi lớn trong cách thức quản lý rác thải sinh hoạt. Nếu như trước đây, chúng ta thực hiện việc thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên bình quân hộ hoặc theo đầu người, thì tới đây, việc thu phí sẽ theo nguyên tắc thu theo khối lượng, thể tích của chất thải các hộ gia đình thải bỏ. Đây cũng là cơ chế để thúc đẩy việc tăng cường phân loại rác thải tại nguồn.

Theo quy định, rác thải sẽ được phân làm 3 loại: rác thải tái chế, rác thải thực phẩm và rác thải còn lại. Để thực hiện cơ chế này, Luật cũng quy định đơn vị thu gom rác thải có quyền từ chối việc thu gom nếu rác thải không được phân loại theo đúng quy định. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội phải cùng tham gia, vào cuộc để thực hiện trách nhiệm giám sát đối với người dân trong việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Nỗ lực đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống - Ảnh 2

Tôi cho rằng đây là một trong những chế định sẽ góp phần thúc đẩy, tăng cường thu gom, xử lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam hiện nay. Qua đó, hạn chế được việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất.

PV: Trên cơ sở Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện, để đưa Luật đi vào cuộc sống, ông có khuyến nghị gì đối với các Bộ, ngành địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân, khi triển khai thực hiện?

Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Để đảm bảo đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, theo tôi, có 4 nội dung nhiệm vụ chính phải tập trung tổ chức triển khai.

Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến những nội dung mới của Luật tới các nhà quản lý, từng người dân và doanh nghiệp để các đối tượng có thể tiếp cận và nắm rõ hơn các quy định của Luật.

Thứ hai, bên cạnh việc khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết thì về phía các cơ quan trong toàn ngành cũng cần có sự tham mưu để ban hành các văn bản mang tính đặc thù riêng, đơn cử như lĩnh vực kỹ thuật hoặc các văn bản thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Thứ ba, chú trọng thực hiện tốt việc giải quyết các TTHC về môi trường cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo tính liên tục, đồng bộ. Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra trên cơ sở cập nhật, sàng lọc rõ các đối tượng theo quy định mới của Luật để có thể triển khai các hoạt động thanh tra một cách có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các vấn đề môi trường có thể phát sinh trong giai đoạn chuyển tiếp.

Thứ tư, phải đảm bảo được các nguồn lực cần thiết. Ví dụ để đảm bảo triển khai được các cơ chế về cung cấp dịch vụ công trực tuyến thì chúng ta phải đảm bảo được những điều kiện sẵn sàng cần thiết về hạ tầng để có thể cung cấp được dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là hạ tầng để triển khai xây dựng một thế hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu bảo vệ môi trường từ Trung ương kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu từ phía các Bộ, ngành, địa phương…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới