Hải Dương: Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xử lý vụ Nhà máy nhiệt điện BOT hoạt động gây ô nhiễm
UBND tỉnh Hải Dương vừa có cuộc họp và yêu cầu xử lý những tồn tại của dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT bị phản ánh hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Tạp chí Kinh tế Môi trường có bài viết "Hải Dương: Vào cuộc xử lý vụ nhà máy nhiệt điện BOT hoạt động gây ô nhiễm". Ngay sau đó, UBND tỉnh Hải Dương có cuộc họp với các Sở, ngành, địa phương liên quan để nghe báo cáo về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh và các vấn đề có liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương. Cuộc họp do ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.
Liên quan đến nội dung của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Hải Dương khẳng định thời gian qua, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án chưa tốt dẫn đến một số tồn tại, hạn chế về đất đai, môi trường và khai thác khoáng sản. Yêu cầu các Sở, ngành, địa phương liên quan phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện và khắc phục các tồn tại.
Chủ đầu tư dự án này cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, báo cáo, làm rõ các tồn tại, vi phạm như diện tích đất khai thác không được phép và diện tích thuộc dự án đã được cho phép nhưng không triển khai. Đánh giá rõ mức độ và khả năng sử dụng xỉ thải của nhà máy để sử dụng vào mục tiêu khác như san lấp mặt bằng, hoàn thổ.
Liên quan đến bãi thải xỉ, chủ đầu tư cần thuê đơn vị có chức năng để đánh giá các vấn đề môi trường như tiếng ồn, khói, bụi để làm cơ sở đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương chấp thuận việc di chuyển các hộ dân bị ảnh hưởng ra khu vực mới. Nhà đầu tư phải thực hiện nghiêm các nội dung theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt; công khai kết quả quan trắc môi trường để cơ quan chức năng và người dân theo dõi, giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến diện tích đất rừng, đê điều, hành lang thoát lũ.
Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) chủ trì, phối hợp các ngành chức năng tính toán, xác định rõ diện tích đã thi công khu vực bãi thải xỉ, khối lượng đất đã thu hồi để làm cơ sở yêu cầu doanh nghiệp kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Sở Xây dựng khảo sát, xây dựng phương án quy hoạch khu tái định cư cho những người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD) cho rằng: Có nhiều bằng chứng khoa học trong nước và quốc tế khẳng định các thành phần của tro xỉ rất nguy hại với sức khỏe con người và môi trường. Tro xỉ có chứa thủy ngân và các chất độc hại khác. Chính vì thế mà tại Thông tư 36/2015, Bộ TN&MT đã đưa tro xỉ của nhiệt điện than vào danh mục các chất thải nguy hại.
Trong khi chờ đợi những số liệu nghiên cứu đầy đủ nhất thì vấn đề tìm ra giải pháp để xử lý lượng lớn tro, xỉ, giảm ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí đang đòi hỏi kết hợp nhiều giải pháp kỹ thuật, công nghệ.
Huy Tưởng