Trưng bày nhiều hiện vật Chuyên đề Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Từ ngày 29/3 - 7/4 (tức mùng 1- 10/3 âm lịch), Bảo tàng Hùng Vương - thành phố Việt Trì và Bảo tàng Hùng Vương - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức trưng bày hiện vật, di sản tư liệu, tư liệu ảnh Chuyên đề Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.
Các hiện vật được trưng bày, giới thiệu tới công chúng gồm: Kiệu thờ, khí tự, bát bửu thực hành nghi thức thờ cúng Hùng Vương, bộ sưu tập trang phục, nhạc cụ thực hành Hát Xoan và hình ảnh về một số lễ hội truyền thống đặc sắc, hệ thống di tích thờ cúng Hùng Vương tiêu biểu trên địa bàn tỉnh...

Du khách tham quan trưng bày hiện vật về Tín ngưỡng thờ cũng Hùng Vương tại Bảo tàng Hùng Vương – Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Thông qua hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá tới Nhân dân và du khách tham quan về các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, các di sản văn hóa vùng Đất Tổ... Từ đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân, khẳng định nỗ lực của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ.
Bảo tàng Hùng Vương nằm trên đồi Công Quán, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, trong quần thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Bảo tàng được xây dựng năm 1987 khánh thành năm 1993, là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật quý giá thuộc giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và giai đoạn văn hoá Đông Sơn.
Đó là những minh chứng khoa học góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về thời đại Hùng Vương - thời đại mở đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam. Mỗi hiện vật khảo cổ thời Hùng Vương trưng bày tại bảo tàng đều là vật chứng thiêng liêng kết nối những huyền thoại vùng đất Tổ, lưu giữ và khắc họa rõ nét một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Địa danh này cũng là nơi mà mỗi người con đất Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài, mỗi lần trở về đều cảm thấy tự hào.
Bảo tàng Hùng Vương được thiết kế dựa trên thế giới quan của người Việt cổ với quan niệm trời tròn - đất vuông, gồm 2 tầng với diện tích gần 1.000m². Từ trên cao nhìn xuống, Bảo tàng như một chiếc hộp vuông khổng lồ gợi liên tưởng đến sự tích bánh chưng, bánh giầy trong huyền sử dân tộc Việt. Bảo tàng trưng bày và giới thiệu gần 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 4.000 hiện vật sưu tầm, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác tại 5 phòng chuyên đề chính, khắc họa và làm nổi bật chủ đề “Văn minh nông nghiệp, các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên vùng Đất Tổ cội nguồn”:
Hải Đăng