Thứ sáu, 22/11/2024 12:17 (GMT+7)
Thứ năm, 12/05/2022 13:55 (GMT+7)

Hà Nội xử lý cơ bản chất thải nhưng chỉ số Quản trị môi trường ‘lẹt đẹt’

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, lĩnh vực xử lý chất thải trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Quản trị môi trường của Hà Nội vẫn là chỉ số "bết bát" nhất trong PAPI 2021.

Từ tỷ lệ xử lý chất thải đạt 99%

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội  vừa có báo cáo tổng kết thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn TP.Hà Nội.

Theo đó, lĩnh vực xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp… trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả tích cực.

Trong đó, với chất thải rắn sinh hoạt, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm Thành phố đạt 100%, tại các huyện ngoại thành đạt 88-89%. 100% rác thải sinh hoạt thu gom được xử lý đúng tiêu chuẩn; trong đó khối lượng rác trên địa bàn các quận, huyện, thị xã được phân luồng về tiếp nhận, xử lý tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (khoảng 5.500 tấn/ngày) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (khoảng 1.500 tấn/ngày).

Riêng với chất thải nhựa, UBND TP.Hà Nội ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về việc phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Các Sở, Ban ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đang triển khai thực hiện Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND Thành phố Hà Nội theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Hà Nội xử lý cơ bản chất thải nhưng chỉ số Quản trị môi trường ‘lẹt đẹt’ - Ảnh 1
Với chất thải rắn sinh hoạt, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm Thành phố đạt 100%. (Ảnh: TTXVN)

Theo số liệu thống kê được từ báo cáo quản lý chất thải nguy hại (không bao gồm chất thải nguy hại y tế) của các chủ nguồn thải, các chủ xử lý (cơ sở hành nghề xử lý chất thải nguy hại) gửi Sở TNMT, tổng khối lượng chất thải nguy hại công nghiệp phát sinh thống kê được trên địa bàn thành phố có tỷ lệ gia tăng trung bình khoảng 120%. Tính đến hết năm 2017 khoảng 78.236,283 tấn/năm, tương đương khoảng 217,2 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại khoảng 99% (tương đương với 215 tấn/ngày), còn lại tạm lưu giữ tại cơ sở chủ nguồn thải trong khi chờ đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, công nghệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, một số lượng nhỏ (khoảng 100 tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp đốt thông thường tại Nhà máy xử lý rác thải Xuân Sơn của Hợp tác xã Thành Công. Phấn đấu Nhà máy điện rác tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm, vận hành quý II/2022.

Hằng ngày, tại Hà Nội, khoảng hơn 5.000 tấn rác sinh hoạt được thải ra môi trường. Đó là chưa kể rác thải công nghiệp, rác thải rắn, rác thải độc hại. Theo tính toán, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 5% khối lượng rác thải. Với tỷ lệ thu gom đạt 100%, đến năm 2025, khối lượng rác cần xử lý ở Thủ đô là khoảng 8.500 tấn/ngày đêm.

Thực tế cho thấy, nhiều khu xử lý rác thải ở Hà Nội không còn khả năng tiếp nhận lượng rác thải lớn để xử lý bằng cách chôn lấp, nhiều bãi rác đã rơi vào tình trạng đầy ứ, đặt ra yêu cầu cần phải có những biện pháp xử lý rác thải một cách nhanh gọn và dứt điểm, không để xảy ra tình trạng ứ đọng. Trước tình hình đó, chính quyền thành phố Hà Nội đã triển khai việc ứng dụng công nghệ hiện đại, nghiền chất thải rắn theo hình thức trạm trung chuyển tạm thời, tái chế chất thải rắn tại chân cầu Thanh Trì, nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ…

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác cũng như chống quá tải cho các ô chôn lấp, Hà Nội cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có cả cấp bách và lâu dài để từng bước giảm áp lực cho đầu ra của rác thải, hướng tới môi trường Thủ đô xanh, sạch, đẹp.

Giải pháp được nhắc đến nhiều là đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác. Nhiều dự án nhà máy rác quy mô lớn, đi đầu về công nghệ được kỳ vọng giúp đầu ra của rác thải sẽ đỡ bấp bênh. Song, TP.Hà Nội dường như chưa thực sự rốt ráo về phương án xử lý rác thải. Bằng chứng là nhiều dự án xử lý rác thải vẫn ì ạch, chưa đi vào hoạt động để “chia lửa” với 2 bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn.

… đến chỉ số quản trị môi trường ở mức thấp nhất

Theo Bảng tổng hợp Chỉ số PAPI 2021, hầu hết các địa phương đều có chỉ số Quản trị môi trường đạt thấp. Cụ thể, với thang điểm 10, TP.HCM chỉ đạt 2.9;  Đồng Nai chỉ 2.85; Vũng Tàu chỉ 3.08; Hà Nội chỉ 3,16; Vĩnh Phúc chỉ 3.02; Bình Dương chỉ 3.67…

Tổng số điểm chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội đạt 44,45 điểm. Trong khi tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm Thành phố đạt 100% nhưng chỉ số quản trị môi trường chỉ đạt 3,16/10 điểm. Điều đáng nói, từ năm 2018 đến nay, trong thang điểm 10 chỉ số quản trị môi trường của Hà Nội liên tục ở mức thấp nhất so với cả nước. Cụ thể: Năm 2018 là 3.58;  năm 2019 là 2.72, năm 2020 là 2.96; năm 2021 là 3.16.

Hà Nội xử lý cơ bản chất thải nhưng chỉ số Quản trị môi trường ‘lẹt đẹt’ - Ảnh 2
Chỉ số Quản trị môi trường của Hà Nội qua các năm. (Nguồn: papi.org)

Trước đó, trong báo cáo PAPI năm 2020, Quản trị môi trường cũng là chỉ số "bết bát" nhất. Theo báo cáo này, trong thang điểm 10, chỉ số Quản trị môi trường của Hà Nội chỉ đạt 2,96, TP.HCM là 2,82, trong khi đó Đồng Tháp cao nhất 5,2.

Đặc biệt, trong ba chỉ số thành phần là nghiêm túc trong bảo vệ môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước thì điểm của Hà Nội lần lượt là 0,92; 1,61 và 0,42; TP.HCM là 0,88; 1,59 và 0,34.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội xử lý cơ bản chất thải nhưng chỉ số Quản trị môi trường ‘lẹt đẹt’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới