Giải pháp nào cho việc xử lý xe máy cũ không đạt chuẩn khí thải?
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng báo động, thời gian qua, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đang nghiên cứu thí điểm các phương án xử lý với xe máy cũ, không đủ điều kiện khí thải.
Tuy nhiên, cách ứng xử với những chiếc xe không đạt điều kiện khí thải lại khác nhau. Trong khi Hà Nội chủ trương đổi xe cũ lấy xe mới, thì TP.HCM lại có cách xử lý khác hẳn.
Cụ thể, từ ngày 15/8 đến hết tháng 9/2020, người dân trên địa bàn TP.HCM sẽ được kiểm tra khí thải miễn phí tại 8 đại lý bảo dưỡng, sửa chữa thuộc 5 hãng xe bao gồm: Honda, Yamaha, SYM, Piaggio, Suzuki trên địa bàn 4 quận: 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình.
Theo đó, người dân sử dụng mô tô, xe gắn máy (khuyến khích những phương tiện đã sử dụng trên 5 năm) đến tham gia chương trình tại 1 trong 8 đại lý nêu trên sẽ đăng ký vào tờ khai thông tin, sau đó nhân viên đại lý tiến hành đo khí thải.
Đối với xe máy có nồng độ khí thải nhỏ hơn tiêu chuẩn TCVN 6438 mức 1 (đảm bảo tiêu chuẩn phát thải) sẽ được tặng voucher thay dầu, nhớt miễn phí và ra về. Phương tiện có nồng độ khí thải lớn hơn tiêu chuẩn TCVN 6438 mức 1 sẽ được tiến hành khảo sát thêm 8 hạng mục liên quan (kiểm tra điều chỉnh tốc độ cầm chừng; kiểm tra điều chỉnh nếu xe có vít D/C; bảo dưỡng vệ sinh/thay thế (nếu cần) bugi; bảo dưỡng vệ sinh chế hòa khí...).
Mới đầu, TP.HCM dự kiến sẽ có ít nhất 6.000 phiếu kiểm tra được phát hành trong đợt thí điểm này. Tuy nhiên, theo VTV, tính đến ngày 3/9 đã có 10.682 xe máy được kiểm định khí thải.
Theo các chuyên gia, đây là bước đi cần thiết để người dân hiểu rằng, rất có thể xe của họ sẽ bị thu hồi nếu không đạt chuẩn.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc thu hồi cũng đã được tính toán và sẽ thực hiện theo lộ trình. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu ở TP.HCM là khuyến khích thu hồi xe máy cũ và nhận tiền mặt theo giá trị hỗ trợ. Trong đó, quan trọng nhất là đảm bảo sự đồng thuận của người dân trong việc tự nguyện giao xe máy cũ đi xử lý thải bỏ.
Khí thải từ xe máy là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. (Ảnh: Internet) |
Khí thải từ xe máy là một trong những nguyên nhân chính khiến không khí tại TP.HCM bị ô nhiễm.
Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM), toàn thành phố hiện có gần 9 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có hơn 825.000 ô tô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%).
Như vậy, chỉ trong khoảng 10 năm (từ năm 2010 đến nay), thành phố đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông cá nhân, đồng nghĩa với việc tăng nguồn phát thải, gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, nhiều xe máy đang lưu hành cũ nát, không thường xuyên được bảo dưỡng nên hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại thải ra môi trường cao, không bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải.
Cũng liên quan đến vấn đề kiểm soát xe máy cũ, mới đây dư luận quan tâm về đề xuất đổi xe máy cũ lấy xe mới tại Hà Nội.
Theo đó, cơ quan chức năng TP.Hà Nội dự kiến lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, phục vụ việc đo khí thải tại 6 quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Hà Đông.
Người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng mỗi trường hợp.
30 đại lý xe máy trên địa bàn thành phố sẽ thí điểm tham gia chương trình đổi môtô, xe gắn máy cũ (sản xuất trước 2002); nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được hỗ trợ kinh phí đổi xe từ 2 - 4 triệu đồng.
Tuy nhiên, đề xuất vẫn đang vấp phải nhiều tranh luận trái chiều. Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất của việc thu hồi là việc đồng thuận của người dân. Số tiền hỗ trợ dù có nhưng để mua lại một chiếc xe mới thường sẽ vượt ngoài khả năng của nhiều chủ phương tiện.
Trao đổi với báo Đất Việt, TS Nguyễn Văn Nguyên - Giảng viên Viện Cơ khí Động lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Theo thiết kế, động cơ xe máy khi sử dụng di chuyển quãng đường từ 20.000km hoặc có thời gian từ 2 năm trở lên bắt đầu có biểu hiện xuống cấp nên chắc chắn các tiêu chuẩn thiết kế về độ bền, khí thải tạo ra cũng sẽ không đạt đủ tiêu chuẩn.
Nếu tiếp tục sử dụng sẽ góp phần không nhỏ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP.HCM, TP.Hà Nội... Mặc dù vậy, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về thời gian sử dụng của xe máy nên việc thu hồi đối với những chiếc xe máy cũ là không đúng quy định".
Theo ông Nguyên, thực tế có những chiếc xe mặc dù đã động cơ đã cũ, không đạt về tiêu chuẩn khí thải nhưng chỉ cần sửa chữa vài bộ phận bên trong là vẫn có thể vận hành tốt, đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật hoạt động, môi trường mà không mất nhiều chi phí sửa chữa.
“Chiếc xe không đạt đủ tiêu chuẩn khí thải chủ yếu là nằm ở phần động cơ của máy. Thực tế, có nhiều chiếc xe dù động cơ cũ nhưng các bộ phận khác còn rất tốt, nếu thu hồi và không đưa tái sử dụng sẽ rất lãng phí.
Hiện nay giá thành của một chiếc xe máy rẻ nhất cũng gần 20 triệu đồng. Nếu được hỗ trợ từ 2 - 4 triệu đồng/xe không đủ tiêu chuẩn đê đổi xe mới, người dẫn sẽ vẫn phải bỏ ra tối thiểu 16 triệu đồng để sở hữu 1 chiếc máy mới”, ông Nguyên nói.
Còn theo TS Vũ Văn Doanh - trưởng bộ môn quản lý môi trường Trường ĐH Tài nguyên môi trường, thay vì hỗ trợ người dân đổi từ xe máy cũ sang xe máy mới, Hà Nội có thể khuyến khích người dân sử dụng các dòng xe thân thiện với môi trường hơn như xe điện, đồng thời phát triển, hoàn thiện hệ thống xe buýt, metro. "Người dân thấy thuận tiện thì họ tự động chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, không cần gượng ép" - ông Doanh gợi ý.
Nhật Hạ