Thứ tư, 24/04/2024 03:10 (GMT+7)
Thứ hai, 07/09/2020 16:08 (GMT+7)

Hà Nội thí điểm đo khí thải, hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy mới

Theo dõi KTMT trên

Người dân có thể mang xe máy cũ (sản xuất trước năm 2002) đến 30 đại lý xe máy trên địa bàn TP.Hà Nội để đo khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được VAMM hỗ trợ kinh phí đổi xe từ 2 - 4 triệu đồng để đổi xe mới.

Thông tin trên vừa được UBND TP.Hà Nội đưa ra ngày 7/9. Theo đó, Phó chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Hùng đã giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận và đơn vị liên quan thống nhất đề xuất chương trình "nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố"; báo cáo lãnh đạo thành phố trước ngày 15/9.

Hà Nội thí điểm đo khí thải, hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy mới - Ảnh 1
VAMM chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 địa điểm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe.

Xe máy cũ không đạt tiêu chuẩn về khí thải được hỗ trợ đổi xe mới

Chương trình do Hiệp hội xe máy Việt Nam (VAMM) đề xuất phối hợp thực hiện tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Trước mắt, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên chạy thí điểm chương trình này.

Cơ quan chức năng dự kiến lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, phục vụ việc đo khí thải tại 6 quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Hà Đông.

Người dân sẽ mang xe máy cũ (sản xuất trước năm 2002) đến 30 đại lý xe máy trên địa bàn thành phố để đo khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được VAMM hỗ trợ kinh phí đổi xe từ 2 - 4 triệu đồng. Ngoài ra, khi mang xe đến đo khí thải, người dân còn được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng mỗi trường hợp.

Đối với các xe máy cũ được thu hồi, chương trình sẽ chuẩn bị cơ sở kho bãi riêng để lưu giữ, đồng thời phối hợp với các công ty tái chế, đảm bảo toàn bộ xe thu hồi đều được xử lý.

Trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12, ước tính có khoảng 5.000 môtô xe máy (ước tính) được đo kiểm khí thải.

Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) cho biết, Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 ô tô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Khí thải từ các phương tiện này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân Thủ đô.

Đòi hỏi nguồn kinh phí lớn

Chương trình "nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố" sử dụng hai nguồn kinh phí chính.

Thứ nhất, Hiệp hội Xe máy Việt Nam chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 địa điểm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe....

Thứ hai, nguồn kinh phí dành cho các hoạt động tuyên truyền sẽ do Sở TN&MT chủ trì, được trích từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho Sở TN&MT năm 2020 tại nhiệm vụ: Triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đến cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố...

Ngoài ra, việc hỗ trợ người dân đổi xe máy đã sử dụng quá 18 năm đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn nên UBND thành phố yêu cầu Sở TN&MT tiếp tục xin ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị phối hợp thực hiện để có phương án khả thi nhất...

Khí thải xe máy – hiểm hoạ ô nhiễm môi trường

Theo các chuyên gia môi trường, khi xăng dầu bị đốt cháy sẽ phát tán ra môi trường một lượng lớn khí CO2. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, khí thải của ô tô ít độc hại với sức khỏe con người hơn so với xe máy.

Với đặc thù xe máy là phương tiện tham gia giao thông chủ yếu, nhất là tại các thành phố lớn, lượng lớn khí thải do xe máy thải ra môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khoẻ con người.

Cụ thể, theo các bác sỹ, khí thải độc hại từ xăng dầu đốt ra có thể khiến con người dễ bị rối loạn một số loại hooc-môn như ở hệ thần kinh, hệ sinh sản. Ngoài ra, khí thải còn là tác nhân dẫn tới một số loại bệnh nguy hiểm hơn như ung thư hoặc ảnh hưởng xấu tới quá trình mang thai của phụ nữ khiến những em nhỏ sinh ra bị rối loạn một số cơ quan.

Một trong những chất thải chủ yếu do xe cộ thải ra chính là khí Ni-tơ Đi-ô-xít - tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc con người bị mắc bệnh tiểu đường. Do đó, người dân thường xuyên phải hít thở không khí ô nhiễm do khí thải xe cộ trong vòng 10 năm sẽ có tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường cao gấp 3 lần những người sinh sống ở các khu vực trong lành hơn về môi trường sinh thái.

Bích Thuỷ

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội thí điểm đo khí thải, hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.