Thứ sáu, 22/11/2024 16:48 (GMT+7)
Thứ hai, 07/09/2020 14:30 (GMT+7)

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại hội nghị với các bộ, ngành về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ tám tháng qua, chỉ tính riêng khu vực các cơ quan trung ương đã có tới 4.100 tỉ đồng bị trả lại, chiếm khoảng 32% tổng nguồn vốn đầu tư từ nguồn vay ưu đãi của quốc tế dành cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài - Ảnh 1
Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: CAO THĂNG

Dồn dập trả vốn

Thống kê tại hội nghị cho thấy, có tới chín bộ, ngành trung ương thông báo trả lại vốn ODA với tổng vốn 3.700 tỉ đồng, chiếm 32% dự toán được giao. Dẫn đầu là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lượng vốn trả lại là hơn 1.800 tỉ đồng, xấp xỉ 50% lượng vốn được duyệt; Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lại 330,5 tỉ đồng, xấp xỉ 50%... Các bộ: Giáo dục và Ðào tạo, Công thương, Kế hoạch và Ðầu tư cũng tham dự làn sóng "trả vốn" lần này, đặc biệt là Bộ Công thương chưa giải ngân được đồng vốn nào trong 138 tỉ đồng kế hoạch đã được phê duyệt.

Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải - đơn vị có số vốn cần được giải ngân lớn nhất trong năm nay, khoảng 21.000 tỉ đồng - lại có tỉ lệ giải ngân đạt tiến độ nhanh nhất, dự kiến đến hết tháng 8 đạt khoảng 51% kế hoạch vốn giao; trong đó giải ngân vốn ODA đạt 41,7%.

Ðối chiếu với số liệu giao kế hoạch vốn năm 2020, có thể thấy nguy cơ đến hết năm nay không tiêu hết vốn đã hiện hữu rõ ràng. Theo đó, tổng dự toán vốn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn ngân sách trung ương cho các bộ, ngành là 18.200 tỉ đồng, còn các địa phương là 38.400 tỉ đồng. Trên hệ thống Tabmis, có 7 trong số 12 bộ đã nhập và phân bổ 100% dự toán vốn vay nước ngoài; 4 trong số 12 bộ đã nhập và phân bổ hơn 70% dự toán; riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhập dưới 50% dự toán (do hủy gần 50% dự toán).

Ðáng lưu ý, năm 2020 là năm đầu thực hiện Luật Ðầu tư công 2019, theo đó Chính phủ giao vốn cho các bộ, ngành, địa phương khá sớm, đồng thời Chính phủ giao quyền tự chủ cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho từng dự án. Tình hình nhập và phân bổ dự toán vốn vay nước ngoài trên hệ thống Tabmis đến nay đã có nhiều tiến bộ hơn so với cùng kỳ năm 2019 (chỉ đạt 41%).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, rút kinh nghiệm từ các năm trước, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động có văn bản đôn đốc và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương trong việc đẩy nhanh công tác lập dự toán. Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện trao quyền chủ động phân bổ dự toán chi tiết cho các bộ, ngành và địa phương, nên một số bộ, ngành đã có ngay đề xuất điều chỉnh dự toán khi xét thấy không thể thực hiện theo kế hoạch.

Nhìn nhận các nguyên nhân của tình trạng kéo dài "căn bệnh" chậm giải ngân, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như tác động của đại dịch Covid-19, còn có những nguyên nhân chủ quan "trầm kha". Tại hội nghị lần này, điều nhận thấy rõ là vẫn còn nhiều vướng mắc về thủ tục điều chỉnh các dự án. Do việc thực hiện dự án của các bộ, ngành, ban quản lý dự án chậm nên có dự án xin điều chỉnh thời gian giải ngân; một số dự án khác, các bộ, ngành muốn sử dụng vốn dư. Nhiều bộ, ngành còn "loay hoay", chưa hiểu rõ "đề bài", mơ hồ về thủ tục.

Từ đầu năm 2020 đến nay đã có chín hiệp định vay của các bộ, ngành phải làm thủ tục gia hạn, điều chỉnh với nhà tài trợ. Theo quy định hiện nay, việc gia hạn khoản vay hay bất kỳ điều chỉnh nào của dự án đều gắn liền với điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong khi quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư thường phức tạp và kéo dài, dẫn đến một số dự án đã được bố trí vốn nhưng không thể rút vốn do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh.

Cần quyết tâm chính trị cao độ

Tính tới hết tháng 8, số lượng vốn cần giải ngân còn quá lớn, và nhiệm vụ hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 đang được đặt vào năm 2020. Trong khi đó đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường đã và đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả nước, trong đó có các dự án vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi. Hiện nay, tuy con số giải ngân giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác có chênh lệch, song đều có thể khẳng định rằng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài vẫn chậm so với cùng kỳ các năm và so với kế hoạch đề ra.

Trước rất nhiều nguyên nhân tác động đến hoạt động giải ngân nguồn vốn này, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ quản trong các vấn đề liên quan đến đàm phán ký, hoàn thành thủ tục hiệu lực của hiệp định vay, điều chỉnh thời gian giải ngân tại hiệp định vay (nếu có) và trao đổi với các nhà tài trợ những vấn đề phát sinh trong quá trình giải ngân. Bên cạnh đó, tiếp tục tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, bảo đảm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của cả nước.

Các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao ý thức chính trị, chung sức tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ các chủ đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra. Trong đó, các bộ, ngành cần nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư trong chính bộ mình, ngành mình, từ đó tạo lực đẩy để chỉ đạo thực hiện tại các địa phương. Chỉ khi các bộ, ngành coi việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, kèm theo đó là cam kết tiến độ và giải pháp cụ thể để thiết thực giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở mức độ 100% dự toán được giao, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ… thì khi đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mới có thể về đích an toàn, hiệu quả.

Sau hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương tháng 6 vừa qua, nhờ sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ các cấp, ngành, tỉ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài của các bộ, ngành đã có tiến bộ, nhưng vẫn còn thấp. Số liệu thống kê cho thấy, ước thực hiện hết tháng 8, công tác này cũng chỉ đạt tỉ lệ 21,64% dự toán được giao. Bên cạnh đó, các bộ, ngành vẫn đang tiếp tục giải ngân 2.420 tỉ đồng vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch năm 2019. Việc cùng giải ngân song song hai kế hoạch giải ngân của hai năm 2019 - 2020 là một áp lực lớn lên toàn bộ tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công nói chung, vốn đầu tư công vay ưu đãi nước ngoài nói riêng.

Sông Trà

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới