Kiểm định khí thải định kỳ đối với xe máy góp phần bảo vệ môi trường
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) bổ sung quy định, mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải, khí thải nhằm tăng hiệu quả bảo vệ môi trường.
Theo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) nằm trong nhóm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Điểm mới của dự thảo là bổ sung quy định kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy tham gia giao thông nhằm giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải. Việc tổ chức kiểm định, kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy do cơ quan đăng kiểm thực hiện. Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định, kiểm tra định kỳ về khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Khí thải xe máy – nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí
Khí thải xe máy là một trong 3 nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể (hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng), nhất là tại các đô thị lớn, khu vực tập trung đông xe máy. Hiện có khoảng 60 triệu mô tô, xe máy dẫn đến khí độc hại ra môi trường rất lớn. Rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ tồn tại là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn.
Tuy nhiên, đến nay việc kiểm soát khí thải mới kiểm soát đối với đầu vào là xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Xe máy là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn. (Ảnh minh hoạ) |
Từ năm 2007, xe máy sản xuất mới phải đạt mức tương ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 mới được bán ra thị trường; từ năm 2017, phải đạt tiêu chuẩn tương ứng mức Euro 3. Việc nâng tiêu chuẩn xe sản xuất, nhập khẩu từ Euro 2 lên Euro 3 giúp nâng cao chất lượng động cơ, hạn chế thành phần chất gây ô nhiễm có trong khí thải xe máy.
Tuy vậy, số lượng xe máy gia tăng nhanh chóng dẫn đến tổng lượng phát thải tăng, trong khi bất cập là luật chưa quy định về kiểm tra khí thải đối với xe đang lưu hành nên mức độ gây ô nhiễm tăng hơn từ loại xe cũ nát, chất lượng kém.
Được biết, loại xe có niên hạn sử dụng trên 5 năm, nếu không bảo dưỡng thường xuyên, lượng khí CO phần lớn vượt gấp 2 lần tiêu chuẩn. Sau khi các xe này bảo dưỡng, lượng khí CO trong khí thải giảm rất nhiều. Đối với các đời xe sử dụng phun xăng điện tử hoạt động trên 5 năm, đa số vẫn nằm trong tiêu chuẩn khí thải.
Theo Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT), năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe máy do Bộ GTVT trình với mục tiêu tới năm 2015 kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80 - 90% xe máy ở Hà Nội, TP.HCM và mở rộng cho 60% xe máy tại các thành phố loại 1, 2. Tuy nhiên, do chưa có quy định trong Luật nên khó triển khai. Đến năm 2016, Chính phủ tiếp tục yêu cầu rà soát và Bộ GTVT đã kiến nghị cần có hành lang pháp lý quy định trong Luật.
Xây dựng lộ trình kiểm định đồng bộ
Rõ ràng, mô tô, xe máy lại là phương tiện phát thải nhiều khí thải vào môi trường nhất, nên dự thảo Luật mới bổ sung quy định này. Trên cơ sở quy định của Luật, sẽ xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với xe máy triển khai đồng bộ trên cả nước.
Liên quan đến việc áp dụng quy định này trong thực tế, Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, đề án đã tính toán kỹ biện pháp triển khai, thông qua các đại lý ủy quyền, trạm bảo dưỡng, bảo trì được xã hội hóa hoàn toàn có thể đáp ứng. Việc thí điểm kiểm soát xe máy tại TP.HCM qua các cơ sở bảo dưỡng, bảo trì xe máy hiện đang được người dân hưởng ứng.
Thực tế thí điểm ở TP.HCM cho thấy, thời gian quá trình kiểm tra khí thải xe máy chỉ mất khoảng 5 phút để ra được các chỉ số. Sau khi kiểm tra, nếu không đạt tiêu chuẩn, chủ phương tiện phải thực hiện bảo trì, bảo dưỡng để đạt được tiêu chuẩn.
Căn cứ tiêu chuẩn khí thải đối với xe đang lưu hành và định kỳ bảo dưỡng, người dân phải đi kiểm tra khí thải phương tiện. Việc kiểm tra, xử phạt chủ phương tiện đang được nghiên cứu kết hợp xử phạt đối với hành vi khác. Tuy nhiên, để xử phạt được phải đưa vào Luật và Nghị định.
Cũng theo các chuyên gia, hiện số lượng xe gắn máy mới không nhiều, chủ yếu là xe cũ. Thủ tướng đã cho phép Hà Nội và TP.HCM xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân, trong đó có xe máy.
Đây là thời điểm thích hợp để triển khai các chính sách nhằm kiểm soát, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực mà xe máy gây ra đối với môi trường. Xe máy cũng phải được kiểm định định kỳ cả về độ an toàn và tiêu chuẩn khí thải, không chỉ xe cũ mà ngay cả xe mới nếu xuống cấp, không đáp ứng an toàn về khí thải cũng không cho sử dụng.
Bộ GTVT cho biết, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng lộ trình triển khai, nhưng Luật GTĐB năm 2008 chưa quy định nên lần này cần thiết đưa vào dự thảo Luật và có lộ trình cụ thể để kiểm soát khí thải đối với xe máy.
Khi Luật ban hành sẽ quy định cụ thể cách triển khai tại Nghị định. Trong đó, sẽ phân loại cụ thể loại phương tiện, số xe máy mới chiếm không nhiều, còn lại đa số là xe cũ, thậm chí có xe sản xuất cách đây vài chục năm nên khó đảm bảo khí thải.
Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện toàn quốc có khoảng hơn 50 triệu xe máy đang lưu thông, chiếm đến 95% số lượng xe cơ giới và thải ra 80 - 90% khí CO, HC, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới. Các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM có lượng xe máy tập trung đông, chiếm khoảng 1/4 lượng xe cả nước và có mức gây ô nhiễm từ xe máy khá cao. |
Tuyết Chinh