Thứ sáu, 26/04/2024 17:51 (GMT+7)
Thứ hai, 24/08/2020 16:03 (GMT+7)

Để không còn 'phạt cho tồn tại'

Theo dõi KTMT trên

Những ngày qua, dư luận rất bức xúc với tình trạng “xẻ thịt” hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) với những sai phạm nghiêm trọng. Họ ngang nhiên bạt cả một quả đồi và dùng khối lượng đất, đá khổng lồ từ quả đồi đó san lấp lòng hồ mà không có giấy phép.

Còn mới đây, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đưa ra đề xuất phạt 65 tỉ đồng để cho tồn tại 15 biệt thự sai phép tại dự án Ocean View Nha Trang thay vì cưỡng chế “cắt ngọn”. Đây là một trong những công trình vi phạm gây nhức nhối dư luận. Tại Đắk Nông, một cá nhân cũng đã san phẳng quả đồi dọc Quốc lộ 14 để phân lô bán nền. Những sai phạm này dù có phạt nặng bao nhiêu thì cũng không khắc phục lại được nguyên trạng; có nơi đành phải đề xuất "phạt cho tồn tại".

Để không còn 'phạt cho tồn tại' - Ảnh 1
Hồ Đại Lải bị "bức tử". (Ảnh: Báo Lao động)

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở địa phương nào cũng có, từ công trình nhỏ đến công trình lớn. Điều này không chỉ thể hiện sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm mà còn thể hiện sự coi thường pháp luật của cá nhân, đơn vị sai phạm. Hệ thống thực thi luật pháp cần phải rất trách nhiệm, quyết liệt thì mới chấm dứt được tình trạng "phạt cho tồn tại".

Vi phạm trật tự xây dựng mà phổ biến nhất là xây dựng không phép, sai phép, phá vỡ quy hoạch. Không chỉ những công trình nhỏ, nhiều “đại công trình” đến khi hoàn thành mới bị phát hiện là không phép, sai phép. Vấn đề là xử lý những công trình sai phạm này thế nào khi nó đã hoàn thành là điều không dễ. Việc phá bỏ hoàn toàn có được không? Có thể được, nhưng phá bỏ nó cũng sẽ rất khó khăn, tốn kém và lãng phí tiền bạc. Dù là tiền của cá nhân, đơn vị, chủ công trình sai phạm hay tiền của ai thì vẫn là một sự lãng phí lớn của xã hội mà quá trình “cắt ngọn” tòa nhà 8B Lê Trực (Đống Đa, Hà Nội) hoặc cưỡng chế phá dỡ Công viên nước Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) là những điển hình khiến dư luận xót xa.

Để xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân đầu tiên là sự cố tình làm sai của cá nhân, đơn vị là chủ các công trình đó. Họ đã coi thường pháp luật, kỷ cương, trật tự xã hội, bất chấp mọi quy định với mục đích lớn nhất là đạt được lợi ích cho mình. Một kiểu hành xử khó chấp nhận ở một đất nước có luật pháp.

Ở đây, rất cần phải quy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, lực lượng chức năng có chức trách theo dõi, giám sát, quản lý lĩnh vực đó. Không thể có chuyện một công trình lớn, xây dựng trong thời gian dài mà lực lượng chức năng, cơ quan quản lý địa bàn không biết. Nếu lực lượng chức năng không biết thì đó là sự yếu kém về năng lực cần được thay thế. Còn nếu họ biết, nhưng vì một lý do nào đó mà cố tình bỏ qua thì phải bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Những công trình vi phạm dù cưỡng chế, yêu cầu khắc phục hiện trạng ban đầu hay "phạt cho tồn tại" đều bất cập. Phá bỏ thì lãng phí; cho tồn tại sẽ dẫn đến tình trạng nhờn luật, làm mất lòng tin của người dân và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm hỏng cán bộ. Nơi này, công trình này, người này làm được thì có thể nơi khác, công trình khác, người khác sẽ làm được. Bởi thế, muốn chấm dứt tình trạng đó thì quá trình thực thi luật pháp phải nghiêm minh, công bằng. Nếu pháp luật và người thực thi pháp luật nghiêm minh thì sẽ không thể xảy ra việc đó.

Cũng phải nhìn nhận, lĩnh vực này chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe. Đơn cử như một công trình xây dựng vi phạm, chủ đầu tư sẵn sàng nộp phạt để được tồn tại bởi mức phạt thấp hơn nhiều những lợi ích mà chủ đầu tư nhận được khi công trình được tồn tại, đưa vào sử dụng.

Tuy vậy, việc tồn tại của những công trình này không chỉ gây bất bình xã hội, mất công bằng mà nó còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Bởi thế, cùng với tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp với những chế tài đủ sức răn đe trong lĩnh vực này; chú trọng bồi dưỡng, giáo dục, quy trách nhiệm cụ thể với đội ngũ cán bộ, lực lượng chức năng thực thi công vụ thì cũng rất cần phát huy được vai trò giám sát của nhân dân, nhất là các cơ quan thông tin đại chúng.

Nguyễn Hà My

Bạn đang đọc bài viết Để không còn 'phạt cho tồn tại'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới