Du lịch địa chất: Hướng đi bền vững để bảo vệ môi trường
Theo định nghĩa của UNESCO, di sản địa chất là tài nguyên không tái tạo, một khi mất đi là khó có thể phục hồi. Do đó, cần kết hợp hài hòa giữa khai thác và bảo tồn các di sản địa chất quốc gia để biến nguồn lực khoáng sản thành tiềm năng du lịch.
Nguồn tài nguyên địa chất phong phú, đa dạng
Việt Nam là một trong những quốc gia có tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng. Quá trình hình thành và phát triển địa hình, địa chất, tạo hóa đã ban cho nước ta nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ.
Theo định nghĩa và phân loại của UNESCO có thể chia di sản địa chất thành hai nhóm cơ bản là thiên tạo và nhân tạo. Nhóm thiên tạo là những di sản địa chất hình thành từ các quá trình địa chất tự nhiên. Nhóm nhân tạo là các di sản địa chất được tạo ra bởi hoạt động của con người như: Các hoạt động khai thác khoáng sản tạo nên các mỏ khai thác lộ thiên, hồ nhân tạo do khai thác khoáng sản và các hồ trữ nước cho các công trình thủy điện có cảnh quan đẹp...
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. |
Việt Nam hiện có Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010 và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận năm 2018. Mới đây nhất, ngày 7/7 vừa qua, công viên Địa chất Đắk Nông đã được UNESCO công nhận trở thành Công viên Địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam.
Ở nước ta, khoáng sản được khai thác theo nhiều hướng, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Việt Nam có tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú. (Ảnh minh họa) |
Khai thác khoáng sản đi đôi với bảo tồn di sản địa chất
Khoáng sản là một loại tài nguyên không thể tái tạo được và có số lượng còn hạn chế trong lòng đất, chính vì thế cần phải có chiến lược quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý để giúp sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả.
Trên thế giới, nhiều nước đã gắn kết hoạt động sau khai thác và chế biến khoáng sản với hoạt động du lịch. Tại Malaysia, kinh tế du lịch trong các mỏ sau khai thác là một nguồn thu nhập đáng kể và rất độc đáo của đất nước này. Hay tại Brunei có tour tham quan Trung tâm chế xuất dầu khí Oil Field cách thủ đô khoảng 80km.
Nhiều nước trên thế giới đã phát triển hoạt động du lịch sau khi khai thác và chế biến khoáng sản. (Ảnh minh họa) |
Tài nguyên khoáng sản là vấn đề “sống còn” của mỗi quốc gia. Hoàn phục môi trường sau khai thác mỏ là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Tuy nhiên, theo quan điểm kinh tế mới, tùy từng mỏ có thể cải tạo ở mức độ thích hợp để kết hợp với việc phát triển du lịch.
Theo các nhà địa chất Việt Nam, để các di sản địa chất nhân tạo phát huy hiệu quả phát triển kinh tế xã hội khi chuyển hướng sang khai thác du lịch thì cần phải có các bước quy hoạch ngay từ đầu nhằm chuyển các công trình khai thác trở thành di sản địa chất.
Phát triển du lịch từ các khu mỏ sau khai thác
Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong việc khai tác tiềm năng du lịch mỏ. Nơi đây đang sở hữu nhiều mỏ than lớn nhỏ có lịch sử từ những năm cuối thế kỷ 19.
Hiện ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với các công ty mỏ triển khai xây dựng và giới thiệu với du khách chương trình du lịch trải nghiệm với nghề thợ mỏ. Là một trong những mỏ than lộ thiên lớn, điển hình nên mỏ than Cao Sơn (Quảng Ninh) được Sở Du lịch Quảng Ninh và các hãng lữ hành lựa chọn làm điểm đến cho du khách.
Tại điểm quan sát thuận lợi, du khách có thể thu vào tầm mắt toàn bộ khung cảnh hoành tráng của khai trường mỏ Cao Sơn... |
Ở miền Bắc còn có mỏ than Na Dương cũng đang được phát triển theo hướng du lịch. Na Dương là một khu mỏ được khai thác lộ thiên từ năm 1959. Đặc biệt, đây còn là một khu di sản địa chất độc đáo. Được sự tư vấn của các nhà địa chất, công ty khai thác mỏ than Na Dương đã bổ sung quy hoạch khai thác mỏ theo hướng trở thành địa điểm du lịch sau khi khác thác hết than mà không phải hoàn nguyên.
Một góc mỏ than Na Dương. (Ảnh: Tạp chí Công Thương) |
Hiện nay, công ty đã quy hoạch ngăn nắp bãi thải và tổ chức trồng cây gây rừng trên khu bãi thải, thu gom các thân cây hóa đá và các hóa thạch động thực vật phục vụ cho xây dựng bảo tàng địa chất ngoài trời sau này.
Ngoài ra, ở nước ta cũng có một số mỏ có tiềm năng lớn về phát triển du lịch như: Mỏ Crôm Cổ Định (Thanh Hóa) hay mỏ đá ở An Giang,...
Tài nguyên khoáng sản không đơn thuần là phục vụ cho mục đích khai thác, mà còn là tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Việc khai thác các mỏ khoáng sản sẽ đến lúc cạn kiệt, do đó, chuyển các mỏ khai thác sau khi đóng cửa sang phát triển du lịch là một hướng đi mới, hiệu quả.
Du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La thu hút đông đảo du khách. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh các mỏ khai thác, Việt Nam còn phát triển du lịch từ các lòng hồ thuỷ điện như Hoà Bình, Sơn La, Thác Bà,... Sự phát triển du lịch ở đây, ngoài ý nghĩa về kinh tế còn góp phần rất quan trọng vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên; tạo việc làm, nâng cao mức sống cho cộng đồng thông qua việc thu hút người dân bản địa vào hoạt động du lịch.
Nguyễn Luận