Thứ sáu, 19/04/2024 09:15 (GMT+7)
Thứ ba, 06/10/2020 07:12 (GMT+7)

ĐBSCL sớm chủ động phòng chống hạn mặn bảo vệ vườn cây ăn quả

Theo dõi KTMT trên

Theo dự đoán của các cơ quan chuyên môn, mùa khô năm 2020-2021, tình hình hạn mặn nhiều khả năng diễn ra gay gắt ở khu vực ĐBSCL.

Theo dự đoán của các cơ quan chuyên môn, mùa khô năm 2020-2021, tình hình hạn mặn nhiều khả năng diễn ra gay gắt ở khu vực ĐBSCL. Do đó, tại thời điểm này, chính quyền và người dân các địa phương này đang khẩn trương “vào cuộc” để chủ động ứng phó với thiên tai.

Vùng ĐBSCL hiện có hơn 362.000 ha cây ăn quả, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn quả của cả nước, tập trung nhiều ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang. So với các mô hình sản xuất khác thì cây ăn quả rất nhạy cảm với nước mặn. Năm 2019, toàn vùng có hơn 25.000 ha cây ăn quả bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn.

ĐBSCL sớm chủ động phòng chống hạn mặn bảo vệ vườn cây ăn quả - Ảnh 1
Nhà vườn tỉnh Tiền Giang áp dụng biện pháp "xử lý" vườn sầu riêng tiết kiệm nguồn nước vào mùa khô hạn.

Rút kinh nghiệm qua đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, hiện nay dù chưa bước vào mùa khô nhưng chính quyền và các nhà vườn khu vực ĐBSCL đang khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phi công trình và công trình để bảo vệ vườn cây ăn trái. Tại các xã ven sông Tiền của tỉnh Tiền Giang, các công trình gia cố cống đập, nâng cấp đê bao ngăn mặn, trữ ngọt đang được thi công, nhất là quyết tâm bảo vệ hơn 10.000 ha cây sầu riêng chuyên canh. Loại cây này khi nhiễm nước mặn 1‰ là đã chết. Riêng huyện Cai Lậy đã đề nghị tỉnh hỗ trợ cấp bách trên 5,8 tỉ đồng nạo vét 10 tuyến kinh trên địa bàn; hỗ trợ khoan thêm 6 giếng tầng sâu tại xã Ngũ Hiệp để đảm bảo nhu cầu nước ngọt phục vụ cho cây sầu riêng;  xây dựng 7 đập thép để ngăn mặn, trữ ngọt.

ĐBSCL sớm chủ động phòng chống hạn mặn bảo vệ vườn cây ăn quả - Ảnh 2
Nông dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang lắp đặt hệ thống ống nước nhỏ giọt ngay gốc sầu riêng.

Tại tỉnh Bến Tre hơn 30.000 ha cây sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh; hàng chục triệu sản phẩm cây giống, hoa kiểng cũng đang được bảo vệ sau khi nước mặn dâng cao từ sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên. Từ nguồn kinh phí của tỉnh, Trung ương và nhân dân, Bến Tre đang hoàn thiện hàng chục hệ thống cống đập ngăn mặn có quy mô lớn ven sông, rạch. Trong đó có hơn 10 cống đập ven sông Tiền đã khép kín.

ĐBSCL sớm chủ động phòng chống hạn mặn bảo vệ vườn cây ăn quả - Ảnh 3
Vào mùa hạn mặn nông dân trồng cây thanh long vùng ĐBSCL dùng rơm rạ phủ kín gốc cây để giữ ẩm.

Nhiều nhà vườn đã góp công, góp kinh phí xây nhiều ao, hồ chứa nước ngọt để sử dụng vào những tháng cao điểm khô hạn. Đối với diện tích hàng nghìn ha cây ăn quả bị thiệt hại do hạn mặn vừa qua, nhà vườn đã chuyển trồng lại các loại cây khác thích nghi với hạn mặn như: cam, bưởi, mít, hồng Xiêm, mãng cầu… Chính quyền và nhân dân địa phương xem hạn mặn là chuyện hiển nhiên, phải thích ứng.

ĐBSCL sớm chủ động phòng chống hạn mặn bảo vệ vườn cây ăn quả - Ảnh 4
Túi trữ nước ngọt phục vụ tưới cây giống, hoa kiểng tại tỉnh Bến Tre rất hiệu quả khi hạn mặn kéo dài.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, quan điểm của Sở là không thay đổi nhưng điều chỉnh cho phù hợp. "Ở một số vùng chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi cho phù hợp, các vùng trồng cây ăn trái đặc sản, chúng ta phải tính toán lại, những hệ thống đê bao, thủy lợi. Những địa điểm mà độ nhạy cảm với hạn mặn nhiều chúng tôi khuyến cáo người dân chuyển sang trồng các loại cây khác. Còn những vùng cây giống, cây đặc sản thì phải tăng cường hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp và nhà nước- nhân dân cùng lo, cùng làm”- ông Huỳnh Quang Đức cho biết.

Ở các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang… việc thực hiện các công trình ngăn mặn, trữ ngọt cũng đang được huy động mọi nguồn lực để thi công khẩn trương.

ĐBSCL sớm chủ động phòng chống hạn mặn bảo vệ vườn cây ăn quả - Ảnh 5
Ao trữ nước ngọt để phun tưới cho cây ăn trái tại Tiền Giang.

Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, diện tích cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020-2021 là hơn 80.000 ha, chiếm hơn 23% tổng diện tích cây ăn quả toàn vùng.  Địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn vẫn là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long…

Các bộ ngành, cơ quan chuyên môn khuyến cáo các giải pháp trước mắt để chủ động ứng phó với hạn mặn là cập nhật thường xuyên diễn biến thời tiết, thủy văn, đo độ mặn trước mỗi lần lấy nước tưới, không tưới nước có độ mặn trên 1‰ cho cây, nhất là các cây ăn trái nhạy cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt,… không tưới nước có độ mặn trên 0,5‰; chủ động thực hiện tích trữ nước ngọt thông qua hệ thống cống đập, bờ kè, các hồ kênh mương dự trữ nước ngọt; đào ao, nạo vét các kênh mương trong vườn để trữ nước, sử dụng các túi đựng để trữ nước, kết hợp sử dụng nguồn nước tiết kiệm thông qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phun sương; áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong việc giữ ẩm, giảm thoát hơi nước cho vườn cây; bón các loại phân cho thích hợp, giúp cây tăng cường khả năng đề kháng. Đặc biệt, không tiến hành xử lý ra hoa rải vụ, trái vụ, trồng mới trong thời gian hạn mặn. Nhà vườn trồng mới vườn cây ăn quả nên chọn các loại giống thích ứng với hạn mặn.

"Trong thời gian tới, có khả năng mặn sẽ xảy ra tôi nghĩ phải kết thúc mùa vụ trước khi mặn đến. Điều quan trọng và việc thiết kế vườn trồng, mương liếp vì hiện nay bà con trồng cây mương liếp rất nhỏ. Ngược lại các vườn trồng mới thì làm mương liếp nên khác hơn, tức là 4 phần để làm mương trữ nước và 6 phần dùng để trồng cây. Khi mương lớn thì khả năng trữ nước tốt và khả năng chống chịu mặn tốt. Bên cạnh đó chúng ta nên sử dụng thêm gốc ghép có khả năng chống chịu mặn khoản 2 tháng”- Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng, Viện Cây ăn quả miền Nam khuyến cáo.

Về giải pháp lâu dài, ngoài các giải pháp công trình, các địa phương trong vùng cần rà soát lại quy hoạch thủy lợi song song với việc phát triển cây ăn quả thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng các phương án và giải pháp bảo vệ cho từng vùng sản xuất cây ăn quả dưới các mức độ ảnh hưởng của hạn, mặn khác nhau; đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi vùng trồng cây ăn quả cấp tỉnh và cấp liên vùng; lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động; nâng cao năng lực dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước để kịp thời cung cấp thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn.

ĐBSCL sớm chủ động phòng chống hạn mặn bảo vệ vườn cây ăn quả - Ảnh 6
Công trình thủy lợi ứng phó với hạn mặn tại thành phố Bến Tre.

Xây dựng các công trình kiểm soát mặn tại đầu các kênh rạch thông ra sông nhằm ngăn mặn, trữ ngọt, tạo ngọt; tiếp tục hoàn thiện các công trình chưa khép kín vùng dự án Nam – Bắc tỉnh Bến Tre; tiếp tục hoàn thiện giải pháp tiếp ngọt từ sông Măng Thít đến khu vực cuối nguồn tỉnh Trà Vinh; đầu tư 7 cống kiểm soát mặn dọc sông Hậu cho vùng trồng cây ăn trái huyện Kế Sách thuộc tỉnh Sóc Trăng.... nâng cao khả năng tích trữ nước ngọt tại các hệ thống thủy lợi ở khu vực cù lao như: Tân Phong, Ngũ Hiệp thuộc tỉnh Tiền Giang; cù lao Quới Thiện, An Bình thuộc tỉnh Vĩnh Long; cù lao Phong Nẫm, Mỹ Phước, Cù lao Dung thuộc tỉnh Sóc Trăng và một số cù lao khác...

"Các địa phương cần phải nâng cao ý thức, nhận thức trong câu chuyện hạn mặn. Chúng ta xác định phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên cập nhật tình hình hạn mặn, tiến hành rà soát lại hệ thống thủy lợi của các cấp để gia cố, nạo vét, làm tốt công tác này trong điều kiện hạn mặn. Quan trọng nhất là phải tích trữ nước ngọt một cách căn cơ và đa đạng; tích nước phân tán trong quy mô nông hộ để lấy nước tưới cây trong cả mùa khô”- ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn lưu ý.

“Phòng bệnh hơn trị bệnh”, công tác ứng phó với thiên tai như hạn mặn xâm nhập cũng thế, nếu làm tốt công tác chủ động, có giải pháp, kế hoạch thích nghi thì vườn cây ăn quả không bị thiệt hại, mà còn tươi tốt, cho năng suất cao, hứa hẹn trúng mùa, trúng giá.

Nhật Trường

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL sớm chủ động phòng chống hạn mặn bảo vệ vườn cây ăn quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới