Thứ sáu, 29/03/2024 02:36 (GMT+7)
Thứ ba, 22/03/2022 15:00 (GMT+7)

Dấu ấn kinh tế môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường 2020

Theo dõi KTMT trên

Từ năm 1993 đến nay tại Việt Nam đã có 4 đạo luật về bảo vệ môi trường được ban hành. Mỗi văn bản như vậy, thể hiện những bước nhảy nhất định về tư duy và nhận thức trong vấn đề hài hòa giữa môi trường tự nhiên và cộng đồng con người.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn cầu

Tình trạng mất cân bằng giữa môi trường tự nhiên với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của loài người ngày càng trở nên nghiêm trọng, với tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường kéo theo sự đi xuống về chất lượng sống của con người. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên không chỉ rơi vào tình trạng khan hiếm khi xét nó với tư cách là nguyên nhiên liệu đầu vào của sản xuất hàng hóa mà còn trở nên khan hiếm khi xét dưới tư cách là điều kiện sống cơ bản và bình thường của con người.

Dấu ấn kinh tế môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 - Ảnh 1
Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Trưởng Ban pháp chế Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Để tránh khỏi những thảm họa có tính diệt vong, loài người buộc phải tìm cách khắc phục tình trạng khan hiếm đó, đưa môi trường tự nhiên và con người trở về trạng thái cân bằng, hài hòa. Những nỗ lực của loài người như giảm phát thải khí CO2 vào bầu khí quyển, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, giảm phát thải chất thải vào môi trường đã và đang được thực hiện một cách quyết liệt trên phạm vi toàn cầu. Bảo vệ môi trường không thể là nhiệm vụ của riêng bất kỳ ai mà là của cộng đồng loài người trên toàn địa cầu, và được luật hóa, quy phạm hóa trong những chính sách, văn bản pháp luật mà mỗi quốc gia ban hành. Những công trình nghiên cứu khoa học về kinh tế môi trường trở thành những luận cứ khoa học để ban hành các chính sách, văn bản pháp luật không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn là bảo vệ con người, thúc đẩy sự hài hòa giữa con người và môi trường.

Đã có 4 đạo luật về bảo vệ môi trường được ban hành và thực hiện tại Việt Nam từ năm 1993 cho tới nay, và mỗi văn bản như vậy, thể hiện những bước nhảy nhất định về tư duy và nhận thức trong vấn đề hài hòa giữa môi trường tự nhiên và cộng đồng con người. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những thay đổi mang tính cách mạng và đột phá về nhận thức ở khía cạnh kinh tế môi trường.

Lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều khái niệm mới thuộc chuyên ngành kinh tế môi trường đã được luật hóa mà nội hàm của nó đã được chuyển thành những quyền, lợi ích kinh tế, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong vấn đề bảo vệ môi trường. Triết lý điều hành và quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng đã có sự thay đổi, chuyển dần từ cơ chế hành chính mệnh lệnh sang sử dụng các quy luật kinh tế môi trường làm động lực thúc đẩy hành vi bảo vệ môi trường.

Điều 79, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ được dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Đồng thời, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo các nguyên tắc gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại Điều 75. Lộ trình áp dụng bắt buộc cơ chế thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nguyên tắc phân loại rác thải được xác định là chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Quy định tại Điều 75 và 79 nêu trên có hai khía cạnh đáng lưu ý.

 Thứ nhất, việc thu phí rác thải dựa trên thể tích và khối lượng sẽ có tính dẫn dụ, khuyến khích mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh nỗ lực tối đa để tiết kiệm chi phí thông qua việc tự giác và chủ động hạn chế phát thải rác thải sinh hoạt ra môi trường, chủ động phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn để làm giảm khối lượng và thể tích. Mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng có thể thu hồi lại một phần lợi ích vật chất từ việc bán chất thải rắn có khả năng sử dụng, tái chế cho các đơn vị thu gom.

Thứ hai, chất thải rắn có khả năng sử dụng, tái chế là nguyên liệu đầu vào của các ngành chế tạo, sản xuất khác như một phần quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn. Sản xuất hàng hóa từ vật liệu tái chế không còn quá xa lạ trên thế giới nói chung và tại Việt nam nói riêng, nhưng để biến nó thành một bộ phận chính của nền kinh tế sản xuất thì cần có thêm những động thái chính sách để tạo lập thị trường mua bán, chuyển nhượng và khai thác rác thải đã được phân loại. Cách tiếp cận tương tự cũng được Luật Bảo vệ môi trường 2020 áp dụng đối với rác thải công nghiệp.

Nhiều công cụ “xanh” làm nguồn lực trong bảo vệ môi trường

Ở một khía cạnh khác, các công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường lần đầu tiên được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường một cách có hệ thống, đồng bộ với các giải pháp quy định trong đạo luật này. Các công cụ kinh tế chủ yếu mà Nhà nước sử dụng để điều chỉnh hành vi bảo vệ môi trường trong động đầu tư, sản xuất và kinh doanh được liệt kê như: Chính sách thuế, phí về bảo vệ môi trường; Ký quỹ bảo vệ môi trường; Chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; Tổ chức và phát triển thị trường các-bon; Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường.

Dấu ấn kinh tế môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 - Ảnh 2
Các công cụ như tín dụng xanh, trái phiếu xanh...được đưa vào luật Bảo vệ môi trường năm 2020. 

Các công cụ kinh tế này có tính hạ tầng mềm để các chủ thể của nền kinh tế chủ động tham gia vào với sự kiểm soát và điều tiết của Nhà nước để hài hòa với lợi ích cộng đồng. Bên cạnh các công cụ kinh tế để quản lý, Nhà nước cũng thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và phát triển kinh tế môi trường bao gồm các quy định về: Ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường; Kinh tế tuần hoàn; Phát triển ngành công nghiệp môi trường; Phát triển dịch vụ môi trường; Sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; Mua sắm xanh; Khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên.

Với triết lý Nhà nước tạo cơ chế và hạ tầng mềm để thị trường tự vận hành theo cơ chế tự do của nó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra nhiều nguồn lực trong công tác bảo vệ môi trường. Các công cụ được liệt kê như: Tín dụng xanh; Trái phiếu xanh; Quỹ bảo vệ môi trường; Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường. Các nguồn lực như vậy sẽ được cung ứng ra thị trường dựa trên quan quan hệ cung cầu với sự tham gia của các chủ thể của nền kinh tế, như các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp, hộ gia đình và cộng đồng dân cư … căn cứ vào lợi ích mà chủ thể đó hướng tới.

Rõ ràng rằng, Nhà nước không thể đủ nguồn lực và cũng không thể làm thay xã hội ở những lĩnh vực mà Nhà nước không có lợi thế. Các nguồn lực có tính xã hội hóa mà Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định là hành lang pháp lý để nền kinh tế tự vận hành, điều chỉnh hướng tới các mục tiêu bảo vệ môi trường mà Nhà nước và xã hội hướng tới.

Lấy lợi ích kinh tế làm động lực và sử dụng quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường để khuyến khích các hành vi bảo vệ môi trường, hạn chế xả thải cũng như biến chất thải thành một nguồn tài nguyên đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh... không chỉ là đối tượng nghiên cứu của khoa học kinh tế thị trường mà còn là đòi hỏi của thực tiễn xã hội và nền kinh tế. Sự hình thành thị trường và ngành kinh tế mới chuyên biệt trong lĩnh vực phân loại, mua bán và xử lý rác thải là một sự tất yếu và là kết quả của những thành tựu về nghiên cứu trong khoa học kinh tế môi trường được áp dụng vào thực tiễn. Mặc dù nền kinh tuần hoàn tại Việt Nam mới được manh nha và đang ở những bước đầu tiên của chặng đường, nhưng rõ ràng rằng, cách tiếp cận của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thiết lập nên những cơ sở pháp lý có tính đảm bảo từ Nhà nước đối với nền kinh tế.

Tác giả cho rằng, những viên gạch đầu tiên đã đặt nền móng đủ vững chắc và tin cậy cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, nhưng để có thể thực hiện một cách sâu rộng và hiệu quả, trở thành mối quan tâm của mọi người – mọi nhà – mọi doanh nghiệp – mọi thương nhân thì chúng ta cần có thêm nhiều văn bản hướng dẫn và động thái thực tiễn từ phía Nhà nước. Nhà nước không chỉ tạo lập chính sách và hạ tầng mềm mà còn có trách nhiệm làm giảm thiểu và loại bỏ mọi lực cản đối với sự tự do của thị trường, khơi thông các tiềm năng và thực hiện cam kết của mình đã quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 với xã hội.

Luật sư Hà Huy Phong
Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Trưởng Ban pháp chế Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Dấu ấn kinh tế môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nhạc sỹ Văn Cao tác giả Quốc ca Việt Nam
Ngày 16/8/1945 khai mạc Đại hội Đại biểu Quốc dân tại Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua 3 Quyết định lớn trong đó Đại hội quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa, Quốc ca là Tiến Quân ca của Văn Cao.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.