Thứ sáu, 22/11/2024 12:27 (GMT+7)
Thứ tư, 16/02/2022 14:03 (GMT+7)

Phát triển kinh tế xanh – Vì mục tiêu bền vững

Theo dõi KTMT trên

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực, tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng thì việc phát triển kinh tế xanh là mục tiêu tất yếu của nền kinh tế hiện tại và trong tương lai.

Mục tiêu chủ chốt trong phát triển kinh tế

Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các yếu tố tác động từ bên ngoài. Việt Nam cũng đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời nỗ lực hết sức mình để phục hồi hậu Covid-19. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, góp phần thực hiện phục hồi kinh tế hậu Covid-19, hướng tới phát triển kinh tế xanh...

Đề cập nội dung chủ yếu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, theo Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ KH&ĐT Lê Việt Anh: Chiến lược đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng gồm: Giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi.

Đặc biệt, mục tiêu đầu tiên của chiến lược tăng trưởng xanh là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, giúp xác định được mức độ thân thiện của nền kinh tế với môi trường khi quy mô của nền kinh tế ngày càng tăng, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ môi trường, vừa gắn kết chặt chẽ với phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, chiến lược tăng trưởng xanh đặt ra mốc đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Xa hơn, năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Phát triển kinh tế xanh – Vì mục tiêu bền vững - Ảnh 1
Phát triển kinh tế xanh là mục tiêu chủ chốt trong phát triển kinh tế. (Ảnh minh họa)

Đánh giá về chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam, nhiều ý kiến của các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong nước đưa ra nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, khu vực công tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong việc khởi xướng, hỗ trợ và tạo điều kiện để tăng trưởng xanh trở thành hiện thực; đồng thời cần nâng cao vai trò của khu vực tư nhân, cũng như cần huy động tài chính từ nhiều phía để đạt được hiệu quả cao.

Chia sẻ về điều này, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh: Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đã xác định tầm nhìn rõ ràng. Để hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược cần sự nỗ lực của Chính phủ trong việc điều phối, bởi nội dung thực hiện liên quan đến nhiều bộ, ngành.

“Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đóng vai trò quan trọng để bảo đảm hành động được tiến hành một cách nhịp nhàng thông qua những giải pháp phối hợp cụ thể. WB mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong chặng đường thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn tới”, bà Carolyn Turk cho biết.

Một số giải pháp phát triển kinh tế xanh

Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững, chỉ có phát triển xanh, tăng trưởng xanh mới là lựa chọn đúng đắn và lâu dài. Việc học tập kinh nghiệm các nước đã thành công về kinh tế xanh kết hợp với linh hoạt trong xây dựng chính sách phát triển cơ cấu ngành, nghề và điều chỉnh sao cho phù hợp với chính trị, xã hội, vị trí địa lý và nền văn hóa của nước ta. Một số giải pháp được đề ra như sau:

Thứ nhất, cải thiện môi trường thông qua xanh hóa nền kinh tế. Khắc phục và hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế tới môi trường. Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ cần có chiến lược để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xanh bằng cách xây dựng hành lang pháp lý công bằng và có hiệu lực, có những chế tài đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi hủy hoại môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Xây dựng những luật, quy định thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ phát triển cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hướng phát triển xanh, kinh doanh xanh, bảo vệ môi trường. Tài nguyên và nguồn lực của quốc gia phải được giao tới những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực sử dụng nguồn lực mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội và hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh.

Thứ hai, kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cần được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Kiên quyết không cho các tập đoàn, tổ chức nước ngoài có xu hướng gây hại đến môi trường được phép đầu tư kinh doanh, xây dựng, sản xuất.

Thứ ba, tiêu dùng xanh là xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây tại Việt Nam. Người tiêu dùng nước ta đã có những nhận thức và ưu tiên nhất định trong việc sử dụng sản phẩm xanh. (Ví dụ: sử dụng sản phẩm eco, organic, dùng túi đi chợ bằng vải, hạn chế dùng túi nilon, sản phẩm gia dụng thân thiện môi trường…). Đây là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, do vậy, việc sản xuất sản phẩm xanh trong môi trường xanh cần được dịch chuyển ngay từ bây giờ chính là hướng đi bền vững cho các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh.

Thứ tư, Việt Nam cần học tập mô hình “chi tiêu công xanh” của Nam Phi để phát triển kinh tế xanh của đất nước. Mô hình này cho phép các sản phẩm xanh và hoạt động đầu tư xanh hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Thông qua hoạt động này, Chính phủ có thể thúc đẩy công nghệ xanh phát triển, thông qua khuyến khích sử dụng hàng hóa xanh ở cả khu vực công và khu vực tư nhân, qua đó giảm chi phí đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh và khuyến khích tiêu dùng bền vững. Chính phủ hỗ trợ các thị trường sản xuất lương thực hữu cơ, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.

Chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Để có hướng đi bền vững, Chính phủ Việt Nam cần có một kế hoạch tổng thể làm cơ sở cho các ý tưởng phát triển xanh được đi vào hoạt động. Để thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế xanh được hiệu quả thì điều quan trọng là phải lồng ghép vào chiến lược phát triển kinh tế chung cùng với việc phân bổ ngân sách cụ thể, bảo đảm có đủ nguồn lực trong thời gian dài trước khi nhận được những hiệu quả cụ thể do nền kinh tế xanh mang lại.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế xanh – Vì mục tiêu bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới