Thứ sáu, 04/10/2024 07:26 (GMT+7)
Thứ ba, 17/12/2019 07:14 (GMT+7)

Chính sách quản trị rác thải nhựa: Đánh thuế hay cấm vận?

Theo dõi KTMT trên

Từ tháng 3/2002, Ireland bắt đầu đánh thuế sử dụng túi nilon là 15 Euro cent (khoảng 3.800 VNĐ) cho mỗi chiếc túi nilon được sử dụng. Mức thuế này tăng lên 22 Euro cent (khoảng 5.600 VNĐ) vào năm 2007. Chính sách này đã giúp giảm ngay 90% lượng túi nilon chỉ trong vòng 1 năm và Chính phủ thu được 9,6 triệu USD tiền thuế để thực hiện các dự án bảo vệ môi trường.

Chính sách quản trị rác thải nhựa: Đánh thuế hay cấm vận? - Ảnh 1

Trong 5 thập kỷ qua, sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần không ngừng gia tăng. Nghiên cứu thuộc chương trình Môi trường LHQ ước tính từ năm 1950 đến nay, con người đã sản xuất ra 8,3 tỉ tấn nhựa. Trung bình mỗi năm con người thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của dân số cả hành tinh cộng lại.

Các nhà nghiên cứu của UNEP cho thấy, chỉ khoảng 9% rác thải nhựa được tái chế, 12% bị thiêu huỷ, còn phần lớn (79%) bị bỏ lại trên mặt đất, rơi ra sông, biển và đại dương. Việt Nam là một trong 5 quốc gia đổ rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới. Nếu không quản trị tốt việc xử lý rác thải nhựa, Việt Nam không những trở thành “thủ phạm” gây ô nhiễm đại dương thế giới mà còn khiến môi trường sống trong nước ngày càng tệ hơn. Kinh nghiệm xử lý rác thải nhựa của Nhật Bản, Ireland và Rwanda khá phù hợp để Việt Nam tham khảo.

Nhật Bản

Người Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh, chính vì vậy mà các sản phẩm ăn uống, đặc biệt là thực phẩm tươi sống được bọc, quấn và đóng gói một cách tỉ mỉ trong nhiều lớp túi nilon và bọc nhựa. Nhật Bản đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, về rác thải bao bì nhựa tính bình quân đầu người. Theo số liệu của Washington Post (2019), mỗi người dân Nhật Bản tiêu thụ khoảng 300-400 chiếc túi nilon mỗi năm. Như vậy, cả nước Nhật thải ra hơn 40 tỉ túi nilon chỉ trong 1 năm. Tính bình quân đầu người, Nhật cũng sản xuất nhiều sản phẩm nhựa (106kg/người) hơn cả Trung Quốc và các quốc gia châu Á cộng lại (94kg/người). Dù bị các nhà hoạt động về môi trường chỉ trích là sử dụng quá nhiều nhựa, nhưng Nhật Bản vẫn là một điển hình đáng học hỏi về khả năng quản trị rác thải nhựa. Vậy người Nhật đã làm thế nào để giữ đường phố, sông ngòi, biển cả không ngập ngụa trong rác nhựa với lượng rác thải lớn đến vậy?

3R (Reduce, Reuse, Recycle - Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế) là một trong những chiến lược chủ chốt của người Nhật trong quản trị rác thải nhựa. Chính sách 3R đã được Nhật Bản áp dụng từ lâu, dấu mốc là năm 2001 với sự ra đời của Luật Xúc tiến sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Luật này là cơ sở để thực thi tái chế rác thải đồng bộ trên phạm vi cả nước với quy định phân loại rác tại nguồn được tiến hành đồng bộ và nghiêm ngặt ngay từ các hộ dân. Mỗi địa phương sẽ có những quy định và sáng kiến phân loại phù hợp với tình hình cụ thể. Luật có chế tài xử phạt rất nghiêm với những hành vi sai phạm liên quan đến rác thải. Vì làm tốt công tác phân loại tại nguồn nên công tác tái chế rác thải diễn ra rất thuận lợi. Theo số liệu của Washington Post (2019), 86% của 9 triệu tấn rác thải nhựa thải ra mỗi năm ở Nhật bản được tái chế, 8% đốt bỏ và chỉ 6% tập kết ở các bãi rác. Trong 86% rác thải tái chế, khoảng 58% được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất nhiệt và điện, 14% xuất khẩu sang các nước khác ở châu Á, phần lớn là Trung Quốc để tái chế.

Chính sách quản trị rác thải nhựa: Đánh thuế hay cấm vận? - Ảnh 2
Chính sách loại rác thải tại nguồn của Nhật Bản giúp việc tái chế rác thải nhựa dễ dàng hơn (Nguồn ảnh: nilsjapan)

Năm 2018, Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa, Nhật Bản nhanh chóng thay đổi chính sách để giải quyết lượng rác thải không thể xuất khẩu được nữa. Chính phủ Nhật Bản cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 25% lượng nhựa sử dụng. Giai đoạn này Nhật Bản sẽ tập trung vào chữ R thứ nhất của 3R đó là Reduce – Giảm thiểu. Các chính sách mới thúc đẩy việc giảm thiểu rác thải nhựa buộc các siêu thị phải tính phí túi nilon, thay vì cho không để đựng đồ như trước, khách hàng phải trả tiền để mua túi. Ðiển hình như chuỗi siêu thị Aeon Mall, 1.700 trong tổng số 3.085 siêu thị của Aeon đã tính thêm tiền khi khách cần sử dụng túi nilon. Ngoài ra, Chính phủ Nhật cũng đầu tư xây dựng các cơ sở tái chế hiện đại nhằm tăng cường hoạt động tái chế nhựa dùng một lần. Năm 2018, Nhật Bản dành khoảng 13,5 triệu USD cho các dự án tăng cường tái chế này. Nhật Bản cũng khuyến khích các doanh nghiệp bằng cách ưu đãi thuế cho các dự án đầu tư liên quan đến tái chế rác.

Chính sách quản trị rác thải nhựa: Đánh thuế hay cấm vận? - Ảnh 3
Ðại dương ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn nạn báo động toàn cầu (Nguồn ảnh Ted)

Ireland

Ireland là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đánh thuế sử dụng túi nilon. Kể từ tháng 3/2002, người tiêu dùng phải trả 15 Euro cent (khoảng 3.800 VNÐ) tiền thuế cho mỗi chiếc túi nilon. Ðến năm 2007 con số này đã tăng lên 22 Euro cent (khoảng 5.600 VNÐ) cho một chiếc túi nilon. Chính sách này của Ireland đã phát huy hiệu quả ngay lập tức khi giảm đến 90% lượng túi nilon chỉ trong vòng một năm. Chính phủ thu về 9,6 triệu USD tiền thuế từ túi nilon để sử dụng vào các dự án bảo vệ môi trường. Chính sách đánh thuế này nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân, thay vì sử dụng túi nilon của siêu thị, người dân sẽ chủ động mang túi sử dụng nhiều lần từ nhà khi đi mua sắm.

Trước khi quyết định đánh thuế sử dụng túi nilon, rất nhiều lo ngại về việc thuế này có thể khiến người tiêu dùng chỉ trích các cửa hàng bán lẻ, cũng có thể khiến khách hàng bỏ đi, một số lo ngại khác về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thịt sẽ khó vận chuyển. Tuy nhiên, chính phủ Ireland đã có chiến dịch truyền thông rất hiệu quả, đánh tan mọi lo ngại trước khi luật đánh thuế đi vào thực thi. Chiến dịch truyền thông tập trung vào tác động của việc đánh thuế đến thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của người tiêu dùng, hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc đánh thuế giảm thiểu rõ rệt nhu cầu sử dụng túi nilon của người dân, nhưng để chính sách này phát huy hiệu quả lâu dài, theo AP EnvEcon Limited (2008), Chính phủ nên tăng thuế hàng năm để tương đồng với mức lạm phát, và có thể tăng tối đa 10% mỗi năm. Năm 2014, chính phủ từng đề xuất tăng thuế từ 22 Euro cent lên 25 Euro cent nhưng cho đến nay vẫn chưa được Quốc hội phê duyệt.

Chính sách quản trị rác thải nhựa: Đánh thuế hay cấm vận? - Ảnh 4
Chính sách đánh thuế sử dụng túi nilon của Ireland khuyến khích người dân mang túi từ nhà khi đi mua sắm (Nguồn ảnh: thenewdaily)

Rwanda

Rwanda là quốc gia đang phát triển đầu tiên đưa ra lệnh cấm sử dụng túi nilon. Quốc gia nhỏ bé nhất châu Phi với 45% dân số sống trong cảnh nghèo đói này trở thành nơi không túi nilon từ năm 2008. Rwanda cũng từng đối mặt với thách thức về rác thải nhựa như các quốc gia nghèo khó vừa thoát khỏi chiến tranh khác ở châu Phi. Dù muốn xử lý tốt rác thải nhựa nhưng chính phủ lại không đủ ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất và thuê nhân công để thu gom và xử lý. Rwanda có thể giảm thiểu việc sử dụng túi nilon bằng cách đánh thuế như Mỹ đã làm nhưng chính phủ Rwanda đã quyết định cấm sử dụng hoàn toàn khi nhận thấy rằng xử lý rác thải nhựa bằng cách đốt bỏ vẫn thải các chất độc hại ra ngoài không khí.

Theo đó, mọi hoạt động liên quan đến mua bán, nhập khẩu, sản xuất và sử dụng túi nilon đều bị liệt vào hành vi vi phạm pháp luật. Túi nilon cũng bị cấm sử dụng trong đóng gói sản phẩm, trừ một số lĩnh vực đặc thù như y dược. Người dân bị bắt quả tang mang theo túi nilon có thể bị phạt tiền, bị phạt tù hoặc buộc phải thú tội công khai trước dân chúng. Những kẻ buôn lậu túi có thể bị phạt lên tới 6 tháng tù giam, giám đốc của các công ty lưu trữ hoặc sản xuất trái phép túi nilon có thể bị phạt lên tới 1 năm tù giam. Các cửa hàng sử dụng túi nilon để gói sản phẩm có thể bị phạt tiền hoặc buộc đóng cửa và viết một bức thư xin lỗi.

Chính sách quản trị rác thải nhựa: Đánh thuế hay cấm vận? - Ảnh 5
Luật cấm sử dụng túi nilon nghiêm ngặt giúp Rwanda trở thành quốc gia sạch nhất ở châu Phi (Nguồn ảnh: matadornetwork)

Lệnh cấm sử dụng túi nilon hà khắc của Rwanda được đánh giá là bước đi thông minh và đem lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, việc giảm thiểu rác thải nhựa giúp giảm thiệt hại về người và của cho người dân do tác động từ môi trường ô nhiễm. 150 người chết trong trận lụt diễn ra ở Ghana năm 2015 do rác thải nhựa làm tắc cống cho thấy tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến các quốc gia đang phát triển ở châu Phi mạnh mẽ đến mức nào. Thứ hai, “không túi nilon” giúp Rwanda trở thành quốc gia sạch nhất ở châu Phi, hỗ trợ tăng trưởng du lịch đều đặn qua các năm. Năm 2010, Rwanda đón 666.000 lượt khách du lịch ghé thăm, chỉ 4 năm sau đó con số này đã tăng lên gấp đôi với 1.219.500 lượt khách năm 2014. Nhờ loại bỏ hoàn toàn túi nilon, Rwanda có thể thúc đẩy du lịch sinh thái, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, việc loại bỏ hoàn toàn túi nilon cũng giúp chính phủ Rwanda tiết kiệm được một khoản ngân sách đáng kể vì không phải chi trả cho các hoạt động thu gom và xử lý túi nilon.

La Hoàn

Bạn đang đọc bài viết Chính sách quản trị rác thải nhựa: Đánh thuế hay cấm vận?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.