Thứ sáu, 19/04/2024 13:34 (GMT+7)
Thứ năm, 27/08/2020 11:00 (GMT+7)

Chất lượng môi trường miền Nam: Bụi lơ lửng giảm, tiếng ồn tăng

Theo dõi KTMT trên

Tỉ lệ vượt chuẩn thông số bụi lơ lửng đợt 4/2020 tại khu vực miền Nam có xu hướng giảm. Riêng tiếng ồn, tỉ lệ vượt chuẩn có xu hướng tăng tại cả hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Tây.

Chất lượng môi trường miền Nam: Bụi lơ lửng giảm, tiếng ồn tăng - Ảnh 1
Người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất về chất lượng môi trường không khí đợt 4 năm 2020 vừa được Tổng cục Môi trường công bố, khu vực miền Nam dù vẫn bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực song tỉ lệ vượt chuẩn thông số bụi lơ lửng (TSP) lại có xu hướng giảm so với 6 tháng đầu năm.

Riêng tiếng ồn, tỉ lệ vượt chuẩn có xu hướng tăng tại cả hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bụi lơ lửng giảm

Kết quả quan trắc đợt 4 (từ ngày 9-24/7) dựa trên 30 điểm quan trắc môi trường không khí và tiếng ồn cho thấy chất lượng không khí xung quanh khu vực phía Nam khá tốt, chỉ có một số khu vực bị ô nhiễm cục bộ bởi bụi lơ lửng (TSP).

Tuy nhiên, tỉ lệ vượt chuẩn thông số bụi lơ lửng ở phần lớn các điểm đo lại có xu hướng giảm.

Giá trị bụi lơ lửng cao vượt Quy chuẩn Việt Nam trung bình 1 giờ và Quy chuẩn Việt Nam khu vực thông thường từ 6 giờ đến 21 giờ, tập trung chủ yếu tại các trục đường giao thông chính, có lượng phương tiện giao thông khá cao, mặt đường nhiều bụi như: Ngã tư Bình Phước, thị trấn Đức Hòa, khu công nghiệp Sóng Thần.

Kết quả quan trắc tại 30 điểm đều cho giá trị Nitơ đioxit (NO2), sunfurơ (SO2) nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam (trung bình 1 giờ) đối với môi trường không khí xung quanh.

Phần lớn các điểm quan trắc bị ô nhiễm bụi lơ lửng và tiếng ồn, tập trung chủ yếu tại các trục giao thông liên tỉnh, quanh khu vực khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng và một số nút giao thông đô thị.

Tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 19/57 giá trị bụi lơ lửng vượt chuẩn (giảm 8 giá trị so với đợt 3/2020), chiếm tỉ lệ 33,3% và có 127/171 giá trị tiếng ồn vượt chuẩn (tăng 12 giá trị so với đợt 3/2020), chiếm tỉ lệ 74,3%.

Trong khi đó, tại vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long hầu như tất cả các giá trị bụi lơ lửng đều đạt chuẩn và chỉ có 1 giá trị chớm vượt (302 µg/m3) nhưng không đáng kể và có 74/99 giá trị tiếng ồn vượt chuẩn, chiếm tỉ lệ 74,8% (tăng gấp đôi giá trị so với đợt 3/2020).

Theo đại diện Tổng cục Môi trường, nếu so với đợt 3/2020, tỉ lệ vượt chuẩn thông số bụi đợt 4/2020 có xu hướng giảm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tăng nhẹ ở vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại vùng kinh tế trong điểm phía Nam, kết quả quan trắc bụi lơ lửng đợt 4/2020 cho thấy giá trị qua 3 lần đo tại 19 điểm quan trắc dao động từ 16-675 µg/m3, trong đó có 19/57 mẫu quan trắc có giá trị vượt Quy chuẩn Việt Nam trung bình 1 giờ (≤ 300 µg/m3), giảm 8 mẫu so với đợt 3; có 5/19 điểm có giá trị bụi lơ lửng trung bình vượt quy chuẩn cho phép, giảm 4 điểm so với đợt 3/2020.

Lý do chất lượng không khí đợt này tốt hơn là bởi trong vùng đã vào mùa mưa, trời mưa rửa trôi bụi đất trên bề mặt, nên lượng bụi giảm so với đợt 3.

Chất lượng môi trường miền Nam: Bụi lơ lửng giảm, tiếng ồn tăng - Ảnh 2
Xe tải lưu thông gây bụi mù mịt. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Tại vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết quả quan trắc đợt 4 tại 11 điểm đo cho thấy giá trị bụi lơ lửng qua 3 lần đo tại các điểm quan trắc dao động từ 39-302 µg/m3, hầu hết các điểm quan trắc đều có giá trị bụi lơ lửng trung bình đạt Quy chuẩn Việt Nam trung bình 1 giờ.

Tiếng ồn có xu hướng tăng

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, mặc dù tỉ lệ vượt chuẩn bụi lơ lửng giảm, nhưng tỉ lệ vượt chuẩn thông số tiếng ồn (LAeq) lại có xu hướng tăng ở cả hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết quả quan trắc đợt 4 của Tổng cục Môi trường cho thấy có 14/19 điểm quan trắc ở khu vực miền Nam có giá trị trung bình vượt quy chuẩn (tiếng ồn từ 6 giờ đến 21 giờ, khu vực thông thường ≤ 70 dBA), tương đương đợt 3/2020.

Giá trị LAeq vượt Quy chuẩn Việt Nam trung bình 1 giờ và Quy chuẩn Việt Nam khu vực thông thường từ 6 giờ đến 21 giờ, tập trung chủ yếu tại các trục đường giao thông chính có lượng phương tiện giao thông cao, mặt đường nhiều bụi đất.

Điểm có giá trị LAeq trung bình cao và vượt Quy chuẩn Việt Nam là khu công nghiệp Mỹ Xuân A (79,3 dBA). Nguyên nhân là điểm này gần đường giao thông lớn, lượng xe cộ lưu thông luôn ở mức cao, đặc biệt có nhiều xe tải hạng nặng, xe buýt, xe container qua lại nên đã gây ra ô nhiễm tiếng ồn cho khu vực xung quanh.

Theo thống kê, khu công nghiệp Mỹ Xuân A có lượng xe tải và xe container đi qua hay bóp còi, mật độ xe tải là 1.358 chiếc/giờ, mật độ xe container là 446 chiếc/giờ.

Giá trị LAeq đợt 4 đo được tại các điểm quan trắc có giá trị tăng so với đợt 3, dao động từ 67,5-79,1 dBA và có 10/11 điểm có giá trị vượt Quy chuẩn Việt Nam (tăng 5 điểm so với đợt 3/2020).

Trong đó, điểm có giá trị LAeq cao nhất là tại khu công nghiệp Bình Long, do ảnh hưởng chủ yếu của tiếng còi các loại xe lưu thông, tương ứng lượng xe lưu thông trung bình 2.081 chiếc/giờ.

Như vậy, tỉ lệ vượt chuẩn thông số tiếng ồn có xu hướng tăng tại cả hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong đó, giá trị LAeq cao vượt Quy chuẩn Việt Nam tập trung chủ yếu tại các trục đường giao thông chính, nơi có lượng phương tiện giao thông khá cao, mặt đường nhiều bụi đất, chủ yếu ở các điểm như: Ngã tư Bình Phước, thị trấn Đức Hòa, ngã ba Vũng Tàu, ngã ba Dầu Giây, khu công nghiệp Sóng Thần.

Hùng Võ

Bạn đang đọc bài viết Chất lượng môi trường miền Nam: Bụi lơ lửng giảm, tiếng ồn tăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .