Các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết
Có 5 nhân tố tác động đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tóm tắt:
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bằng cách sử dụng dữ liệu thứ cấp được thu thập từ 670 doanh nghiệp trên 2 sàn chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong niên độ 2020-2024. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5 nhân tố tác động đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận bao gồm: đòn bẩy tài chính, quy mô doanh nghiệp, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán và quy mô hội đồng quản trị. Trên cơ sở đó, đề xuất một số khuyến nghị nhằm bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán của Việt Nam.

1. Giới thiệu
Hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần ổn định và chuyên nghiệp hơn, hướng tới các thông lệ quốc tế và có những đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Một trong những yếu tố quan trọng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư là chỉ tiêu lợi nhuận, qua đó đánh giá hiệu quả kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp. Các nhà đầu tư thường có xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp có hiệu quả kinh tế và triển vọng tăng trưởng cao.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết thường có xu hướng thổi phồng kết quả kinh doanh nhằm tạo sức “hấp dẫn” đối với các nhà đầu tư trong đó chỉ tiêu lợi nhuận là một chỉ tiêu quan trọng mà phần lớn các nhà đầu tư quan tâm khi để mắt tới doanh nghiệp. Đó cũng chính là lý do để các nhà quản trị doanh nghiệp luôn tìm cách có thể thực hiện hành vi điều chỉnh lợi nhuận nhằm thu hút đầu tư bên ngoài.
Hành động điều chỉnh lợi nhuận ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của cổ đông nói riêng, của doanh nghiệp nói chung. Nó làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Hơn thế nữa, mục tiêu của Chính phủ và Bộ Tài chính đặt ra là “bảo vệ nhà đầu tư” cũng không thực hiện được.
Nghiên cứu này giúp cho nhà đầu tư nhận diện được các hành vi điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp cũng như những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận đó giúp nhà đầu tư lựa chọn danh mục cổ phiếu đầu tư nhằm tránh nguy cơ mất vốn và tối đa hóa lợi nhuận. Đồng thời nghiên cứu này cũng giúp các nhà hoạch định chính sách nắm bắt tình hình quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết để ban hành các giải pháp nhằm bảo vệ nhà đầu tư đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
2. Cơ sở lý thuyết
Lý thuyết hợp đồng (Contractinh theory)
Lý thuyết hợp đồng đầu tiên được nêu ra bởi Jensen và Meckling năm 1976. Lý thuyết này nhấn mạnh rằng kế toán là một phần không thể thiếu trong các hợp đồng trong doanh nghiệp. Các chỉ tiêu kế toán thường xuyên được sử dụng trong các hợp đồng, do đó mà các chỉ tiêu này có xu hướng bị “điều chỉnh” để phù hợp với các hợp đồng.
Lý thuyết ủy nhiệm (Agency theory)
Lý thuyết ủy nhiệm được đưa ra từ sự mâu thuẫn lợi ích giữa các quan hệ trong doanh nghiệp.Đó là các mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và nhà quản trị, giữa chủ nợ và cổ đông của doanh nghiệp. Các mâu thuẫn do quan hệ ủy nhiệm này sẽ phát sinh các chi phí ủy nhiệm.
Quan hệ giữa cổ đông và nhà quản trị
Lý thuyết ủy nhiệm cho rằng, nếu cả hai bên trong mối quan hệ này (cổ đông và nhà quản trị doanh nghiệp) đều muốn tối đa hóa lợi ích của mình, thì có cơ sở để tin rằng nhà quản trị doanh nghiệp sẽ không luôn luôn hành động vì lợi ích tốt nhất cho người chủ, tức các cổ đông và doanh nghiệp. Và như vậy, lý thuyết ủy nhiệm chứng minh rằng các mâu thuẫn giữa lợi ích trong mối quan hệ này sẽ phát sinh chi phí ủy nhiệm. Theo Richard D.Morris (1987), chi phí ủy nhiệm của vốn cổ phần là sự giảm giá trị doanh nghiệp khi các cổ đông nhận thấy các nhà quản trị không theo đuổi lợi ích của các cổ đông, đặc biệt khi các nhà quản trị hành động không hiệu quả hoặc không chọn những dự án mang lại lợi nhuận mà cổ đông mong muốn.
Lý thuyết tín hiệu (Signalling theory)
Lý thuyết tín hiệu đã góp phần vào việc giải thích rằng những doanh nghiệp có chất lượng cao sẽ chọn chính sách kế toán cho phép chất lượng vượt trội của họ được thể hiện, trong khi những doanh nghiệp chất lượng thấp hơn sẽ chọn những chính sách kế toán để cố gắng che bớt những khuyết điểm này. Động cơ để ra tín hiệu bằng việc lựa chọn chính sách kế toán sẽ cao nhất ở những nơi có thông tin bất cân xứng nhất, thông thường là những doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn và dàn trải.
Như vậy, khi thông tin trình bày trên báo cáo tài chính có ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ vận dụng chính sách kế toán để có thể cung cấp thông tin có lợi nhất về doanh nghiệp của mình cho các nhà đầu tư.
Như vậy, đã những lý thuyết nghiên cứu về hành vi điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp, bài viết này nhằm xem xét tác động của một số nhân tố đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán của nền kinh tế đang chuyển đổi tại Việt Nam.
3. Mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
3.1. Mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
Tác giả sử dụng mô hình nghiên cứu hành vi điều chỉnh lợi nhuận của Friedlan (1994) để kiểm nghiệm, đo lường có hay không hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.
Từ nguồn dữ liệu thứ cấp là các báo cáo thường niên (báo cáo kiểm toán hợp nhất) cuối năm 2024, dựa vào số liệu sẵn có và lưu trữ trên Website của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam bài viết thu thập số liệu của các biến: lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh để đo lường cho biến phụ thuộc là hành vi quản trị lợi nhuận bằng cách vận dụng mô hình của DeAngelo và Friedlan.
Mô hình hồi quy dự kiến có dạng như sau :
Y = α + β1X1+ β2X2 + β3X3 + β4X4+β5X5 +U
Bảng 1: Bảng mô tả và mã hóa biến
Biến | Tên biến | Mô tả biến | Cách tính | Nguồn dữ liệu |
Biến độc lập | Đòn bẩy tài chính | Lev (X1) | được đo lường bằng cách lấy tổng nợ phải trả chia cho vốn chủ sở hữu | Báo cáo tài chính của doanh nghiệp |
Quy mô doanh nghiệp | LnAsset (X2) | - được đo lường bằng 2 cách : + Cách 1 : lấy logarith tổng giá trị tài sản + Cách 2 : lấy logarith Doanh thu thuần | Báo cáo tài chính của doanh nghiệp | |
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh | Cashflow (X3) | báo cáo lưu chuyển tiền tệ | ||
Chất lượng hoạt động của Công ty kiểm toán | Audit (X4) | - Thu thập tên đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp: + Nhận giá trị 1 : nếu được kiểm toán bởi các công ty thuộc Big4 ((Price WaterhouseCoopers (PWC), Deloitte Touche Tohmatsu (Deloitte), Ernst and Young (E&Y), KPMG) + Nhận giá trị 0 : nếu được kiểm toán bởi các công ty còn lại | Báo cáo kiểm toán hàng năm | |
Quy mô Hội đồng quản trị | Board (X5) | Đo lường bằng số thành viên Hội đồng quản trị | Báo cáo hàng năm của doanh nghiệp | |
Biến phụ thuộc | Hành vi điều chỉnh lợi nhuận | DA (Y) | đo lường bằng cách sử dụng mô hình Friedlan (1994) |
Đối với biến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp được đo lường dựa trên mô hình Friedlan (1994) như sau :
Biến kế toán dồn tích có thể điều chỉnh t (DAt) | = | Biến kế toán dồn tích t (TAt) _______________ Doanh thu t | -- | Biến kế toán dồn tích t-1 (TAt-1) _______________ Doanh thu t-1 |
Trong đó :
Biến kế toán có thể điều chỉnh (DA) | = | Biến kế toán dồn tích t (TAt) | - | Biến kế toán dồn tích t -1 (TAt-1) |
Biến kế toán dồn tícht (TAt) | -= | Lợi nhuận sau thuế t | - | Dòng tiền hoạt động kinh doanh t |
Việc kiểm định được thực hiện thông qua tính toán giá trị biến kế toán dồn tích có thể điều chỉnh của năm t. Nếu giá trị biến này lới hơn 0 thì tồn tại hành động điều chỉnh lợi nhuận trong năm t.
Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng trong nghiên cứu này, thông qua phần mềm xử lý thống kê Stata10.0. Kết quả được trình bày dưới dạng thống kê mô tả và phân tích hồi quy.Trong phân tích hồi quy, bài viết phân tích ma trận tương quan để nhận diện sớm hiện tượng đa cộng tuyến sau đó tiến hành hồi quy và thực hiện các kiểm định mô hình cần thiết nhằm xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết.

4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Phân tích thống kê mô tả
Bảng 4.1 thống kê mô tả các biến số như tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, số lượng thành viên Hội đồng quản trị, đòn bẩy tài chính và lợi nhuận điều chỉnh trên doanh thu.
Bảng 4.1. Thống kê mô tả biến số định lượng

4.2. Phân tích ma trận tương quan
Ma trận tương quan được sử dụng để kiểm tra mức độ tương quan chặt chẽ giữa các biến độc lập. Nếu tương quan cặp giữa các biến số là cao (từ 0,8 trở lên) thì có thể xuất hiện hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình. Quan sát kết quả trong bảng 2 cho thấy hệ số tương quan cặp giữa các biến số đều khá thấp, hệ số tương quan cao nhất cũng chỉ đạt 28,9% (cặp LnAsset và Cashflow) và có ý nghĩa thống kê, trong khi đó cặp có hệ số nhỏ nhất đạt -8,6% và có ý nghĩa thống kê.
Như vậy, thông qua ma trận hệ số tương quan, có thể kết luận chưa có dấu hiệu đa cộng tuyến ở các biến độc lập và vì thế chưa cần các bước biến đổi mô hình cần thiết trước khi hồi quy.
Bảng 2: Ma trận tương quan các biến số độc lập
Lev | LnAsset | Cashflow | Board | ||
Lev | Pearson Correlation | 1 | .111** | -0.028 | -.086* |
Sig. (2-tailed) | 0.004 | 0.47 | 0.026 | ||
N | 669 | 669 | 669 | 669 | |
LnAsset | Pearson Correlation | .111** | 1 | .289** | .197** |
Sig. (2-tailed) | 0.004 | 0 | 0 | ||
N | 669 | 669 | 669 | 669 | |
Cashflow | Pearson Correlation | -0.028 | .289** | 1 | .178** |
Sig. (2-tailed) | 0.47 | 0 | 0 | ||
N | 669 | 669 | 669 | 669 | |
Board | Pearson Correlation | -.086* | .197** | .178** | 1 |
Sig. (2-tailed) | 0.026 | 0 | 0 | ||
N | 669 | 669 | 669 | 669 |
Ghi chú : - Ý nghĩa thống kê ở mức 1% (**) – Ý nghĩa thống kê ở mức 5% (*)
4.3. Phân tích kết quả hồi quy
Đề tài sẽ thực hiện hồi quy tuyến OLS sau đó sẽ thực hiện kiểm định sai phạm mô hình. Trong trường hợp mô hình được kiểm định bị sai phạm, đề tài sẽ tiến hành xử lý vi phạm bằng một mô hình hồi quy thay thế phù hợp. Kết quả kiểm định sai phạm của mô hình được tóm tắt ở bảng sau:
Bảng 3: Tóm tắt kết quả các kiểm định mô hình
STT | Loại kiểm định | Kết quả |
1. | Đa cộng tuyến | Không vi phạm |
2. | Phương sai sai số thay đổi | Có vi phạm |
3. | Sai dạng mô hình | Không vi phạm |
4. | Phân phối chuẩn phần dư | Có vi phạm |
Theo kết quả tổng hợp tại bảng , mô hình hồi quy gặp sai phạm ở hai trường hợp: Phương sai sai số thay đổi và phần dư không có phân phối chuẩn. Nghiên cứu sẽ sử dụng mô hình hồi quy Robust để xử lý hai sai phạm cùng lúc (Andersen, 2008). Kết quả hồi quy như sau:
Bảng 4: Kết quả hồi quy Robust
Vì giá trị Prob F = 0.000 < 0.05 nên về mặt tổng thể mô hình có ý nghĩa thống kê (có ít nhất một hệ số hồi quy khác không). Hệ số R2 = 41.84% cho thấy các biến số độc lập trong mô hình đã giải thích được 41.84% mức độ biến thiên của biến phụ thuộc. Các biến số như Lev, Lev2, LnAsset, Cashflow và Audit đều có ý nghĩa thống kê ở mức 5% hoặc 10%, riêng biến số Board có giá trị Pvalue = 0.957 lớn hơn mức ý nghĩa 5% hoặc 10% nên không có ý nghĩa thống kê.

5. Kết luận và hàm ý chính sách
Dựa vào bảng kết quả hồi quy ở bảng 4 cho thấy có 5 nhân tố tác động đến hành vi điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, gồm: đòn bẩy tài chính, quy mô doanh nghiệp, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán và quy mô Hội đồng quản trị. Mức độ tác động và ý nghĩa kinh tế của từng biến số trong mô hình hồi quy robust được thảo luận như sau:
Đòn bẩy tài chính (Biến Lev và Lev2)
Biến số Lev và Lev2 đo lường mức độ tác động của việc sử dụng đòn bẩy tài chính tới hành vi điều chỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp. Cả hai biến số đều có ý nghĩa thống kê và mức độ tác động lần lượt của Lev và Lev2 là -0.1769 và 0.0035.
Vì tác động của Lev tới hành vi điều chỉnh lợi nhuận tuân thủ theo hàm số bậc hai với phương trình tác động riêng phần như sau:
DA = -3.215 – 0.17692*Lev + 0.00353*Lev2 (*)
Do đây là hàm bậc 2 nên cần tính điểm cực trị để tìm hiểu xem doanh nghiệp nên xử dụng đòn bẩy tài chính tới đâu thì hiệu quả. Đạo hàm vế phải của (*) và cho bằng không:
0.007*Lev – 0.1769 = 0
Lev = 2.488
Điểm cực trị 2.488 cũng có nghĩa là điểm “quay đầu” (turning point), ý nghĩa kinh tế của điểm này là khi doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tới mức 2.488 (nợ bằng 2.488 lần so với vốn chủ sở hữu) thì doanh nghiệp sẽ có xu hướng điều chỉnh giảm lợi nhuận. Tuy nhiên nếu vượt quá ngưỡng này sẽ khiến cho doanh nghiệp điều chỉnh tăng mức lợi nhuận. Mức tác động âm của Lev trong nghiên cứu này cũng phù hợp với nghiên cứu của Dhaliwal, Salamon, và Smith (1982) hay Phạm Thị Bích Vân (2012). Trong khi đó mức tác động dương lại phù hợp với nghiên cứu của Watts và Zimmerman (1990), Colin.R.Dey et al (2007), Steven và Laurie S.Swinney (2004) hay Christos Tzovas (2006).
Quy mô doanh nghiệp (Biến LnAsset)
Biến LnAsset đo lường tác động của quy mô tài sản của doanh nghiệp tới hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Theo giả thuyết, quy mô tài sản sẽ tác động dương tới hành vi điều chỉnh lợi nhuận. Kết quả hồi quy cho thấy biến số này tác động dương và như vậy giả thuyết được chấp nhận. Mức độ tác động của LnAsset tới DA là 0.273 hay nói cách khác nếu tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 1% thì doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lợi nhuận tăng 27.3% so với doanh thu. Kết quả của nghiên cứu này phù hợp với Colin.R.Dey et al (2007) hay Nguyễn Thị Uyên Phương (2014).
Việc tăng tổng tài sản dẫn tới tăng hành vi điều chỉnh lợi nhuận cũng là điều không đáng ngạc nhiên nếu như nhìn vào việc sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp. Mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính trung bình của một doanh nghiệp là 2.03 lần (nợ/vốn chủ sở hữu). Như thế tổng tài sản tăng lên chủ yếu là từ nợ. Việc sử dụng nợ vốn là con dao hai lưỡi khi luôn có sự đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro. Khi sử dụng nợ ở mức độ quá cao cũng đồng nghĩa là sử dụng nhiều tài sản rủi ro và dễ gây giảm lợi nhuận thực vì vậy nhà quản trị có thể thực hiện hành vi điều chỉnh tăng lợi nhuận để làm cho báo cáo tài chính trở nên đẹp hơn.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (Biến số Cashflow.)
Biến số Cashflow thể hiện dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp.Theo giả thuyết nghiên cứu, nếu dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng lên thì doanh nghiệp sẽ không có xu hướng điều chỉnh lợi nhuận tăng lên. Kết quả hồi quy đã cho thấy biến số Cashflow có ý nghĩa thống kê và tác động dương nhưng hệ số tác động quá nhỏ và coi như bằng không. Nói cách khác Cashflow không tác động tới hành vi điều chỉnh lợi nhuận.
Chất lượng hoạt động kiểm toán (Biến số Audit)
Biến Audit là một biến giả mang hai giá trị: bằng 1 nếu doanh nghiệp có sử dụng đơn vị kiểm toán nằm trong Big 4 và bằng 0 nếu sử dụng những đơn vị kiểm toán không nằm trong Big 4. Theo giả thuyết nghiên cứu, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lợi nhuận giảm nếu sử dụng đơn vị kiểm toán nằm trong Big 4. Mức độ tác động của biến số Audit là -0.46, có nghĩa là những doanh nghiệp có sử dụng doanh nghiệp kiểm toán nằm trong Big 4 sẽ có mức điều chỉnh lợi nhuận thấp hơn 46% so với doanh nghiệp không sử dụng doanh nghiệp kiểm toán nằm trong Big 4. Như vậy có thể khẳng định rằng việc sử dụng các đơn vị kiểm toán có chất lượng sẽ khiến cho báo cáo tài chính của doanh nghiệp trở nên trung thực hơn và vì vậy hành vi điều chỉnh lợi nhuận sẽ giảm đi.
Quy mô hội đồng quản trị (Biến số Board)
Biến số Board đo lường số lượng thành viên hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Theo giả thuyết, số lượng thành viên hội đồng quản trị càng lớn thì mức độ kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp nói chung và ban giám đốc nói riêng càng cao hơn và như vậy hành vi điều chỉnh lợi nhuận sẽ giảm đi. Tuy nhiên kết quả hồi quy đã thể hiện biến số Board không có ý nghĩa thống kê. Điều này hàm ý việc gia tăng số lượng thành viên hay không không ảnh hưởng tới hành vi điều chỉnh lợi nhuận.Điều này có thể là do số lượng thành viên hội đồng quản trị ở các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam đa phần kiêm luôn các chức danh điều hành như Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc,… vì vậy rất khó tìm ra xu hướng thực sự của biến số này đặt trong mối quan hệ tác động tới hành vi điều chỉnh lợi nhuận.
Với kết quả kiểm định của nghiên cứu, một số khuyến nghị được đề xuất
bao gồm:
Thứ nhất, đối với Nhà nước:
Bộ Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam theo hướng coi trọng tính thống nhất trong ước tính kế toán để lập báo cáo tài chính. Đồng thời, cần yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết phải có chức năng kiểm toán nội bộ do ban kiểm soát đề cử và mọi báo cáo của kiểm toán nội bộ phải được báo cáo cho ban kiểm soát.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát và công bố danh sách các doanh nghiệp kiểm toán đủ năng lực, uy tín, đảm bảo chất lượng kiểm toán. Mặt khác, cần quy trách nhiệm, phạt hành chính hoặc rút giấy phép hoạt động đối với các doanh nghiệp kiểm toán độc lập nếu BCTC mà họ kiểm toán bị phát hiện không trung thực. Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của kiểm toán độc lập là phải báo cáo trong trường hợp phát hiện các vấn đề nghiêm trọng về pháp luật hoặc mất an toàn về an ninh tài chính.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp kiểm toán:
Trước tiên, cần có sự nhấn mạnh tầm quan trong của việc tìm hiểu khách hàng (các DN) khi bắt đầu kiểm toán. Việc này cung cấp những thông tin hữu ích cho việc xét đoán các động cơ của khách hàng, qua đó biết được xu hướng điều chỉnh lợi nhuận của họ (tăng hay giảm LN) bằng việc lựa chọn chính sách kế toán, để từ đó thiết kế các thủ tục kiểm toán thích hợp.
Đối với kiểm toán các ước tính kế toán, cần thiết phải có sự tham gia của các kiểm toán viên có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao. Ước tính kế toán do bản chất ước tính chủ quan vốn có nên là một công cụ rất quan trọng và hữu hiệu mà các doanh nghiệp sử dụng để điều chỉnh lợi nhuận, làm ảnh hưởng đến thông tin được trình bày trên báo cáo tài chính.
Thứ ba, đối với các đối tượng sử dụng báo cáo tài chính:
Đối với nhà đầu tư : Nhà đầu tư được xem là người chịu thiệt hại đầu tiên và trực tiếp nếu như báo cáo tài chính phản ánh thông tin không trung thực. Do vậy, cần có những giải pháp để nhà đầu tư bảo vệ chính mình từ những thiệt hại do thông tin kém chất lượng này mang lại.
Các nhà đầu tư cần tự trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến việc đọc và hiểu báo cáo tài chính, đặc biệt cần chú trọng hơn các thông tin được trình bày trong bản thuyết minh báo cáo tài chính.
Thứ tư, đối với doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam:
Cần cẩn trọng trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Lựa chọn vùng đòn bẩy tối ưu là quyết định cũng như phù hợp với tình hình từng doanh nghiệp tuy nhiên con số 2.488 (tỷ số giữa tổng nợ chia vốn) là một con số đáng để tham khảo cho các doanh nghiệp.
Cải thiện khả năng sử dụng tài sản để cải thiện hiệu quả kinh doanh và từ đó giảm áp lực điều chỉnh tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nên sử dụng các doanh nghiệp kiểm toán có chất lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp kiểm toán nằm trong nhóm Big 4. Sử dụng những doanh nghiệp kiểm toán có chất lượng thì cổ đông sẽ yên tâm hơn đối với tính chính xác của báo cáo tài chính và nhà đầu tư tiềm năng cũng yên tâm hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Phạm Thị Bích Vân (2013), “Các cách đo lường sự trung thực của chỉ tiêu lợi nhuận”, Tạp chí khoa học số 1, tr. 39-47;
2. Nguyễn Thị Minh Trang (2012), “Vận dụng mô hình của DeAngelo và Friedlan để nhận dạng hành động điều chỉnh lợi nhuận”, Tạp chí nghiên cứu khoa học số 06-2012, tr 39-47;
3. Nguyễn Thị Uyên Phương (2014), “Nghiên cứu việc điều chỉnh lợi nhuận trong trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, Tóm Tắt Luận văn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng;
Tiếng Anh
4. Cathy J. Mccall (2007), “Evidence on the Determinants of Accounting Procedure Choice by Regulated Firms”, Thesis forthe degree Doctor of Business Administration, Cleveland State University, UMI Dissertations Publishing;
5. Cloyd, B.C., Pratt, J. and Stock, T. (1996), “The use of financial accounting choice to support aggressive tax positions: public and private firms”, Journal of Accounting Research, Vol. 34 No. 1, pp. 23-43;
6. R. Dey, John R. Grinyer, C.Donald Sinclair and Hanaa El-Habashy. (2007), “Determinants of Accouning Choices in Egypt”, The Journal of Applied Accounting Research, Vol. 8, pp. 48-92;
7. Dhaliwal, D.S., Salamon, G.L. and Smith, E.D. (1982), “The effect of owner versus management control on the choice of accounting methods”, Journal of Accounting and Economics, pp. 77-117;
8. Fama, E.F, 1980. Agency Problems and the Theory of the Firm. The Journal of Political Economy, 88(2), pp.288-307.
9. Godfrey, J. M. (1994),“Foreign currency accounting policy: The Impact of Asset Specificity”, Contemporary Accounting Research, 10 (2), pp. 643-671
10. Jensen, Michael C. and William H. Meckling (1976), “Theory of the Firm: Managerial Behavior, Agency Costs and Ownership Structure”, Journal of Financial Economics, Vol. 3 No. 4, pp. 305-360;
11. Lilian F. Mills và Kaye J. Newberry (2001), “The Influence of Tax and Nontax Costs on Book-Tax Reporting Differences: Public and Private Firms”, The Journal of the American Taxation Association, Vol. 23 No. 1, pp. 1-19;
12. Rahman, R.A. & Ali, F.H.M., 2006. Board, audit committee, culture and earnings management: Malayian evidence. Managerial Auditing Journal. Managerial Auditing Journal, 21 (7), pp.783-804.
13. Richard D. Morris (1987), “Signalling, Agency Theory and Accounting Policy Choice”, Accounting and Business Research, Vol. 18 No. 69, pp. 47-56;
14. Ronen, J. and Sadan, S. (1981), “Smoothing Income Numbers: Objectives, Means and Implication”, Addison-Wesley Publishing Co;
15. Steven C. Hall and Laurie S. Swinney (2004), “Accounting Policy Changes and Debt Contracts”,Management Research News, pp. 34-48.
16. Steven Young (1998),“The Determinants of Managerial Accounting Policy Choice: Further Evidence for the UK”,Accounting and Business Research, Vol. 28 No. 2, pp. 131-143;
Nguyễn Đình Tuấn