Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt khi Mỹ áp thuế 25% với nhôm, thép?
Mỹ công bố mức thuế mới đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này sẽ là 25%. Đối với doanh nghiệp Việt, đây là cơ hội cũng như thách thức.
![Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt khi Mỹ áp thuế 25% với nhôm, thép? - Ảnh 1](https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2025/02/11/98-1739243507-f9474409-8280-48c0-b1b6-5ab766402699.jpg)
Không ngoại lệ, không miễn trừ - mọi quốc gia
Tiếp tục quá trình cải cách chính sách thương mại trong nhiệm kỳ 2.0 của mình, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp dụng mức thuế mới dành cho kim loại nhập nhập khẩu vào nước này trong đợt leo thang thương mại mới nhất.
Reuters sáng nay (11/2, giờ Hà Nội) đưa tin Tổng thống Donald Trump đã kí các văn kiện nâng thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ lên 25%; đồng thời hủy bỏ hạn ngạch miễn thuế nhập khẩu thép từng được Mỹ áp dụng với các nhà cung cấp lớn đến từ Canada, Mexico, Brazil và nhiều quốc gia khác.
New York Times cũng dẫn tin từ các quan chức Nhà Trắng xác nhận, mức thuế quan mới sẽ được áp dụng với mọi quốc gia trên thế giới, không ngoại lệ. Tổng thống Trump cũng đã chỉ đạo ngành hải quan nước này phải tăng cường việc giám sát hoạt động nhập khẩu nhôm, thép vào Mỹ.
Ông Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump khẳng định, các biện pháp áp thuế mới sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất thép và nhôm nội địa của Mỹ; đồng thời củng cố an ninh kinh tế và an ninh quốc gia.
"Thuế thép và nhôm phiên bản 2.0 sẽ chấm dứt tình trạng bán phá giá của nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ ngành công nghiệp thép và nhôm của chúng ta như là ngành xương sống và trụ cột của nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ", ông Navarro nói với các phóng viên.
Theo New York Times, các nhà sản xuất thép trong nước của Mỹ hoan nghênh động thái của ông Trump. Tuy nhiên, việc tăng thuế nêu trên được dự báo có thể kích động trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Mỹ vào các quốc gia khác; cũng như gây khó đối với các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ, vốn đang dùng lượng lớn kím loại để sản xuất ô tô, bao bì thực phẩm và các sản phẩm khác.
Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh rằng mức thuế sẽ có hiệu lực vào ngày 4/3 và sẽ không có bất kỳ trường hợp miễn trừ nào, ngay cả với các đồng minh thân cận như Canada hay Hàn Quốc. “Đây là một hệ thống đơn giản, minh bạch – tất cả đều phải chịu mức thuế 25%. Không có đặc quyền, không có ngoại lệ.” Tổng thống Donald Trump tuyên bố trước báo giới khi ký lệnh tại Nhà Trắng.
Đây là sự tiếp nối chính sách bảo hộ thương mại mà ông Trump khởi xướng từ năm 2018 với Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại, nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép và nhôm trong nước vì lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng cho biết, các ngoại lệ trước đây đã làm suy yếu tác dụng của thuế quan, khiến Washington phải quay lại chính sách cứng rắn hơn.
Không ngoại lệ, không miễn trừ - mọi quốc gia, mọi doanh nghiệp nhập khẩu nhôm, thép đều phải gánh chịu, đó là bước đi cứng rắn của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ mới.
Quốc gia nào bị tác động nhiều nhất?
Không phải Trung Quốc, mà đồng minh thân cận của Mỹ là Canada sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đợt tăng thuế đối với sản phẩm nhôm, thép lần này của ông Trump.
Với sản lượng thủy điện dồi dào, Canada là nguồn cung cấp nhôm nguyên sinh lớn nhất cho Mỹ với 79% tổng sản lượng nhập khẩu trong năm 2024.
Về phía Canada, Thủ tướng bang Québec - ông Francois Legault cũng bày tỏ mong muốn đàm phán lại thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ càng sớm càng tốt. Canada hy vọng chấm dứt tình trạng bất ổn này càng sớm càng tốt.
Trong khi đó, Mexico cũng là quốc gia cung cấp chính cho mặt hàng phế liệu nhôm và hợp kim nhôm.
EU tuyên bố không có lý do chính đáng nào để áp thuế, đồng thời nhấn mạnh Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance trong tuần này để thảo luận về vấn đề này.
Hàn Quốc lập tức triệu tập đại diện các doanh nghiệp thép để tìm giải pháp đối phó.
Ấn Độ đang cân nhắc giảm thuế quan để xoa dịu căng thẳng với Mỹ trước cuộc họp với Trump, khi mà chính quyền Mỹ đã từng chỉ trích Ấn Độ là quốc gia có thuế quan "cực kỳ cao".
Không chỉ các chính phủ, nhiều ngành công nghiệp lớn tại Mỹ cũng bày tỏ lo ngại.
Các nhà sản xuất ô tô cho rằng chi phí nguyên vật liệu sẽ tăng vọt, đẩy giá thành xe hơi lên cao, làm giảm sức cạnh tranh của xe sản xuất trong nước.
Các nhà chưng cất rượu mạnh cảnh báo rằng EU có thể trả đũa bằng cách tăng thuế đối với rượu whisky Mỹ lên 50%, gây thiệt hại nặng nề cho 3.000 nhà máy chưng cất rượu nhỏ tại Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell cũng lên tiếng: "Thép và nhôm của Úc đang tạo ra hàng nghìn việc làm tại Mỹ và đóng vai trò quan trọng trong liên minh quốc phòng của hai nước. Quyết định này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương."
![Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt khi Mỹ áp thuế 25% với nhôm, thép? - Ảnh 2](https://ktmt.vnmediacdn.com/images/2025/02/11/98-1739238861-nganh-thep-ky-vong-vuot-kho-nam-2020.jpg)
Tác động tới Việt Nam
Rõ ràng, nhôm và thép của Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ quyết định này của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không phải tất cả đều u ám.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Mỹ - với Báo Điện tử Chính phủ trước việc ngày 9/2/2025 Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu từ các nước rằng, sản phẩm thép Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu khi năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay. Dù vậy, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống.
Cùng với đó, khó khăn xuất khẩu vào Mỹ sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, khi các nước tìm đường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nhiều công ty thép quay lại thị trường nội địa khiến các nước tăng cường bảo hộ, cũng gây ảnh hưởng tới các quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng với lợi thế của hàng Việt Nam là giá cạnh tranh, chất lượng tốt, sẽ bổ trợ cho nền kinh tế Mỹ, góp phần giúp giảm lạm phát, bổ trợ cơ cấu ngoại thương hai nước.
Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc phòng vệ thương mại, khi hiện đã có 34 vụ kiện phòng vệ thương mại với mặt hàng thép và hai vụ việc điều tra với nhôm. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp.
Minh Thành