Doanh nghiệp nhà nước đóng góp gần 400.000 tỷ đồng vào ngân sách
Tại hội nghị với Thủ tướng sáng 15/4, Bộ Tài chính cho biết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đóng góp gần 400.000 tỷ đồng vào ngân sách.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, năm 2024, tổng tài sản của 671 doanh nghiệp nhà nước đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước. Vốn chủ sở hữu gần 3 triệu tỷ đồng, tăng 61%; tổng doanh thu khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận trước thuế đạt 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8%; và số tiền nộp ngân sách gần 400 nghìn tỷ đồng, tăng 9%.

Trong lĩnh vực công nghệ số, VNPT và MobiFone giữ vai trò tiên phong, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp, đồng thời phát triển các sản phẩm số phục vụ khách hàng.
Viettel đang hướng tới mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghệ toàn cầu, tiên phong trong chuyển đổi số, kiến tạo xã hội số và đóng vai trò nòng cốt trong phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
Thứ trưởng Tâm cũng nhấn mạnh rằng nhóm "Big 4" ngân hàng lớn nhất Việt Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiều năm qua. Vietcombank, Agribank… đã triển khai hệ thống ngân hàng số hiện đại, dễ sử dụng, tích hợp các giải pháp bảo mật tiên tiến.
Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn gặp nhiều hạn chế trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực, năng lực cạnh tranh và trình độ công nghệ còn thấp, trong khi công cụ quản trị kinh doanh chậm đổi mới, chưa làm chủ các công nghệ cốt lõi.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh rằng, để DNNN thực sự dẫn đầu trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần có những bước đột phá. Điều này bao gồm hoàn thiện các quy định, cụ thể hóa cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 57-NQ/TW; cải thiện hệ thống pháp luật và chính sách về chuyển đổi số; đồng bộ hóa các quy định để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistics và hạ tầng thông minh.
Cần tập trung tái cơ cấu ngành và lĩnh vực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với DNNN trong nông nghiệp, cần chuyển từ tư duy sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, ưu tiên mô hình tuần hoàn và phát thải carbon thấp.
Trong lĩnh vực dịch vụ, DNNN nên tận dụng công nghệ hiện đại để phát triển ngành có hàm lượng tri thức cao, đồng thời xây dựng các trung tâm du lịch với sản phẩm chất lượng, có thương hiệu.
Cần phân công nhiệm vụ cụ thể cho doanh nghiệp công nghệ nội địa để nội địa hóa các nền tảng số như Cloud, AI, Big Data…, kèm theo chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Đồng thời, cần tạo cơ chế giúp DNNN tiếp cận Quỹ Đầu tư công nghệ, Quỹ Đầu tư mạo hiểm để thử nghiệm công nghệ mới, đổi mới mô hình hoạt động. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách tiền lương linh hoạt, phù hợp với thực tế thị trường.
Cần xây dựng chương trình khung chỉ đạo doanh nghiệp công nghệ trong nước hợp tác với DNNN để triển khai các giải pháp chuyển đổi số đồng bộ, đảm bảo an toàn dữ liệu, năng lực bảo mật và khả năng chống tấn công mạng.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, các DNNN cần ưu tiên nguồn vốn để thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình cụ thể. Việc hợp tác với doanh nghiệp công nghệ số trong nước sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các công nghệ nền tảng như Cloud, AI, Big Data…, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào các dịch vụ mới như 5G và AI. Ngoài ra, cần xây dựng hạ tầng mạng lưới bền vững, phòng chống thiên tai và phát triển hạ tầng phục vụ công nghiệp sản xuất, công nghệ cao.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành và cơ quan đại diện chủ sở hữu cần tập trung nguồn lực quốc gia cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam sẽ có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước phát triển, với ít nhất 10 doanh nghiệp đạt đẳng cấp quốc tế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ dành ít nhất 15% ngân sách nhà nước để phục vụ nghiên cứu các công nghệ chiến lược.
Bích Ngọc