Bộ Công Thương đề nghị dừng cấp đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió chưa triển khai
Theo Bộ Công Thương, việc dừng cấp chủ trương đầu tư với các dự án điện mặt trời, điện gió nhằm chờ kết quả rà soát trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ Công Thương vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp chủ trương đầu tư với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt nhưng chưa triển khai tính tới ngày 26/1/2022, để chờ kết quả rà soát trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán với chủ đầu tư các dự án đã được phê duyệt, đã có Chủ trương đầu tư đến thời điểm 26/1/2022 nhưng chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện cố định (FIT) để xác định giá mua bán điện trong khung giá phát điện do Bộ ban hành, với quy trình theo quy định.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cơ chế giá FIT là cơ chế giá hỗ trợ của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư, việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là không phù hợp bởi nhiều lý do.
Trong đó, nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách sẽ xảy ra "hậu quả về pháp lý" và có thể gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước và các tổ chức, cá nhân sử dụng điện.
Tính đến hết ngày 31/12/2020, có 148 dự án điện mặt trời được công nhận COD với tổng công suất là 8.652,9 MW, số liệu trên thấp hơn so với công suất đã được bổ sung quy hoạch là 15.400 MW.
Các dự án và phần dự án đã đi vào vận hành thương mại (COD) trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết ngày 31/10/2021 là 84 dự án với tổng công suất là hơn 3.980 MW. Trong số này có 15 dự án đã COD được một phần công suất là hơn 325 MW và tổng công suất chưa COD là hơn 1.031 MW.
Theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công Thương về kết quả công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió đến hết ngày 31/10/2021, có 146 dự án điện gió, công suất 8.171MW đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN.
Cụ thể, số dự án đã vận hành thương mại là 84 với tổng công suất hơn 3.980MW, trong đó có 15 dự án đã vận hành thương mại một phần với tổng công suất là hơn 325MW. Như vậy, đến khi kết thúc thời điểm ngày 31/10/2021, có đến 62 dự án với tổng công suất trên 3.479MW không kịp COD.
Tuy nhiên, dù đã hết thời hạn hưởng giá FIT song các cơ quan hữu quan đến nay vẫn chưa có cơ chế giá mới cho các dự án chưa kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 khiến nhà đầu tư lo gánh nặng nợ vay.
Do đó, nhiều nhà đầu tư điện gió cho rằng, đối với các dự án chưa kịp về đích, Chính phủ nên có chính sách phù hợp cho những nỗ lực của họ để tạo một môi trường năng lượng xanh tại Việt Nam, mặt khác do ảnh hưởng quá lớn của dịch Covid-19 nên nhiều dự án chậm tiến độ bất khả kháng.
Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Cục Điện lực & năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, khung giá phát điện cho năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) sẽ được xây dựng tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư, chi phí vận hành bảo dưỡng, sản lượng điện...
"Khung giá điện này sẽ là mức giá tối đa. Bên bán (chủ dự án) và bên mua điện (EVN) sẽ đàm phán trực tiếp và giá mua điện phải nằm trong khung giá này. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) cho các dự án đang được dự kiến là 12%", ông thông tin.
Theo Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng, Bộ Công Thương đang tập trung hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo hướng bền vững, dành nhiều không gian cho phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch và thân thiện với môi trường với chi phí sản xuất điện hợp lý. Đồng thời, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện, đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về giảm thiểu tối đa phát thải các loại khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường.
"Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII phục vụ hội nghị lấy ý kiến các địa phương trước khi hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý 1/2022", ông Bùi Quốc Hùng chia sẻ.
Về đề nghị của các địa phương bổ sung các dự án điện tái tạo vào Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương nhận được rất nhiều đề nghị từ các địa phương về việc bổ sung các dự án nguồn điện vào Quy hoạch Điện VIII, nhất là những địa phương có tiềm năng về điện mặt trời và điện gió.
Theo Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã phát triển số lượng rất lớn điện mặt trời cũng như điện gió, và năng lượng tái tạo chỉ sử dụng với một tỉ lệ phù hợp, vì vậy cần cân đối, tính toán rất kỹ lưỡng giữa cơ cấu các nguồn điện một cách phù hợp, hợp lý nhất, để bảo đảm kết nối cung cầu và đáp ứng được nhu cầu phụ tải, đặc biệt là phát huy được các dạng năng lượng sạch.
Do đó không thể đáp ứng được hết đề nghị của các địa phương mà trong Quy hoạch Điện VIII sẽ tính toán đưa vào phân bố theo từng vùng, từng khu vực phù hợp với nhu cầu của các địa phương.
Quy hoạch điện VIII sẽ tính toán đưa vào các dự án trên cơ sở phân bổ theo vùng, theo khu vực tương xứng với nhu cầu của các địa phương", Cục phó Cục Điện lực và năng lượng tái tạo trả lời.
Lan Anh (T/h)