Thứ năm, 25/04/2024 17:15 (GMT+7)
Thứ ba, 21/05/2019 15:25 (GMT+7)

Báo Nhân Dân tổ chức giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu

Theo dõi KTMT trên

Sáng 21/5, Báo Nhân Dân phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến "Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp". Đây là một trong những nội dung đang thu hút sự quan tâm của xã hội trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Báo Nhân Dân tổ chức giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu - Ảnh 1
Báo Nhân Dân phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Chương trình có sự tham gia của ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ông Điều Bá Được - Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử nêu rõ: "Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất nhiều nội dung mới, song chúng tôi chọn đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để thảo luận, vì đây là nội dung đang nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân và người lao động".

Báo Nhân Dân tổ chức giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu - Ảnh 2
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử phát biểu khai mạc chương trình giao lưu trực tuyến.

Vụ trưởng Nguyễn Ngọc Thanh chia sẻ thêm, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, bảo đảm góp phần ổn định chính trị - xã hội. Mặt khác, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần tính đến bảo vệ nhóm lao động yếu thế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động, từng bước hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, rất nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi trực tuyến đến các chuyên gia tham gia buổi giao lưu. Trong đó, phần lớn câu hỏi đều quan tâm tới nguyên nhân cần tăng tuổi hưu, lộ trình thực hiện tăng, thời gian áp dụng và phương án cụ thể với từng lộ trình.

Giải đáp các thắc mắc của độc giả, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nêu rõ: "Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước hiện nay đều đặt ra việc nghỉ hưu theo hướng tăng dần".

Theo Thứ trưởng Diệp, có 4 lý do chính dẫn đến việc cần tăng tuổi nghỉ hưu đối với công nhân, viên chức:

Thứ nhất, thế giới bước vào quá trình già hóa dân số và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai.

Thứ hai, để bảo đảm bình đẳng giới về tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu hiện nay quy định nữ là 55 và nam là 60, chênh lệch 5 tuổi. Lần đề nghị này sẽ thu hẹp khoảng cách còn hai tuổi và tiến tới sẽ san bằng khoảng cách này.

Thứ ba, bảo đảm phù hợp sức khỏe và nhu cầu của người lao động. Việc điều chỉnh phụ nữ tăng thêm 5 tuổi và nam thêm 2 tuổi có thể khả thi khi nhìn vào số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60.

Thứ tư, bảo đảm sự cân bằng, cân đối của quỹ BHXH. Với việc nâng dần tuổi nghỉ hưu, số năm tham gia BHXH nhiều lên, quyền lợi của BHXH cũng nhiều hơn, giải quyết hài hòa cả hai về vấn đề là: số năm hưởng BHXH ít đi sẽ giúp quỹ tốt lên; hai là mức hưởng BHXH tăng lên khi thời gian đóng được cải thiện.

Ngoài ra, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, lần đề xuất này, chúng tôi sẽ đề xuất theo lộ trình, mỗi năm chỉ tăng 3 tháng tuổi chẳng hạn, như vậy "dòng chảy" của thị trường lao động sẽ chậm lại đôi chút, chứ không gây "tắc nghẽn". Việc điều chỉnh theo lộ trình cũng tạo tâm lý tốt hơn cho người sử dụng lao động. Lẽ ra người sử dụng lao động sẽ tiếp tục sử dụng người lao động lớn tuổi thêm một năm nữa chẳng hạn, thì nếu theo đề xuất của chúng tôi, họ chỉ phải sử dụng người lao động lớn tuổi thêm ba tháng nữa thôi. Điều này cũng giải toả được khá nhiều tâm tư và những điều không mong muốn của người sử dụng lao động.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án tăng dần tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện làm việc bình thường từ năm 2021. Lộ trình này sẽ thực hiện dần dần, cho tới lúc nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi bốn tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi.

Xuân Đoàn

Xuân Đoàn

Bạn đang đọc bài viết Báo Nhân Dân tổ chức giao lưu trực tuyến về tăng tuổi nghỉ hưu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.