Thứ sáu, 04/10/2024 06:54 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/05/2019 17:58 (GMT+7)

Nâng tuổi nghỉ hưu, cần xét đến đặc thù nghề nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Trước đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đại diện các doanh nghiệp đã có những quan điểm khác nhau về đề xuất này.

Vừa qua, Bộ LĐTB&XH đã công bố dự thảo (lần hai) Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó đề xuất nâng dần tuổi nghỉ hưu với cả nam và nữ từ năm 2021.

Theo đó, phương án 1: Từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Nâng tuổi nghỉ hưu, cần xét đến đặc thù nghề nghiệp - Ảnh 1
Những lao động chân tay nói chung, đặc biệt là người làm việc nặng nhọc không mong muốn nâng tuổi nghỉ hưu.

Phương án 2: Từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BKAV cho biết, hiện doanh nghiệp của ông đang có khoảng hơn 1.000 lao động nhưng độ tuổi trung bình lại chỉ ở 30 - 35 tuổi, nên thực tế bản thân ông và người lao động cũng chưa nghĩ tới vấn đề tuổi nghỉ hưu.

"Với lĩnh vực khác thì tôi không rõ lắm nhưng với lĩnh vực công nghệ thông tin của chúng tôi thì hầu hết lao động đều rất gắn bó, hăng say trong công việc và họ luôn muốn cống hiến chứ không nghĩ đến phải về hưu sớm, kể cả đủ tuổi về hưu như hiện nay cũng vẫn muốn tiếp tục được làm việc. Do đó, tôi ủng hộ việc nâng tuổi nghỉ hưu như đề xuất của Bộ LĐTB&XH là 60 với nữ và 62 với nam" - ông Quảng nói.

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực, gồm: nuôi trồng, sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu, nuôi bò thịt, bò sữa…cần sử dụng lượng lao động lớn lên tới 5.000 lao động, ông Trương Hữu Thông - Tổng Giám đốc Công ty Thông Thuận (Bình Thuận) cho biết: "Quan trọng nhất phải để cho người lao động tự lựa chọn, vì dù ở độ tuổi nào ngoài đồng lương ra, họ mà không yêu công việc, không hào hứng với công việc thì có ép họ cũng không hiệu quả. Bên tôi là doanh nghiệp tư nhân nên khi nào người lao động không muốn làm thì cứ báo nghỉ và dừng bảo hiểm theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, tôi cho rằng với xu thế tuổi thọ của người Việt ngày càng tăng thì việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng là hợp lý".

Ông Thông cũng cho biết, ông có đi nhiều nước và thấy hiện tại ở Úc đang nâng tuổi nghỉ hưu, nữ 60 lên 62 tuổi và nam từ 65 lên 67 tuổi, Pháp cũng đang chuẩn bị nâng tuổi nghỉ hưu... Do đó, ông Thông cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam là hợp lý nhưng cũng cần có thêm các chính sách linh động về bảo hiểm xã hội đi kèm cho những lao động không còn hào hứng, muốn nghỉ hưu sớm.

Nâng tuổi nghỉ hưu, cần xét đến đặc thù nghề nghiệp - Ảnh 2
Những người làm việc nặng nhọc, lao động chân tay, trong các ngành nghề đi biển, xây dựng, hầm mỏ...tới U50 là đã khó khăn trong công việc

Một lãnh đạo của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị - BQP (MHDI) cho biết: Đối với những người làm các công việc nặng nhọc, lao động chân tay nói chung, nhất là trong ngành xây dựng có nhiều vị trí cần tính lại độ tuổi cho phù hợp.

Những người thi công xây dựng, điện, nước mới 50 tuổi mà cầm súng bắn đường ống, khoan bê tông, đầm…đã run hết chân tay rồi thì làm tới tuổi 62 sao được. Nếu kéo dài thêm thì chắc chắn không thể làm được các công việc này vì tuổi cao đi kèm theo là xương khớp kém, không đảm bảo được công việc nặng nhọc.

Tuy nhiên, đối với lao động như kỹ sư chỉ ngồi thiết kế hay độc bản vẽ…thì nhiều người 80 tuổi vẫn có thể sáng tác các bản vẽ rất đẹp, chất lượng... còn có thêm cả kinh nghiệm nhiều năm. "Do đó, tôi cho rằng nếu nâng tuổi nghỉ hưu cũng cần tính đến các lĩnh vực có tính chất công việc đặc thù, nếu làm việc nặng nhọc thì không nên đánh đồng nâng tuổi nghỉ hưu muộn hơn, nhất là với những người lao động chân tay"- vị lãnh đạo này cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Vinh - Tổng Giám đốc Vinh Quang Group cho biết: Trong doanh nghiệp chúng tôi, có những vị trí lao động ở cơ quan nhà nước nghỉ hưu rồi vẫn về làm cho trong công ty, ví dụ như vị trí bảo vệ. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nặng nhọc phải làm việc chân tay cũng phải có những quy định linh động, nếu như nâng tuổi về hưu của họ lên, khi chưa đủ tuổi mà phải về nghỉ theo kiểu nhận "một cục" từ bảo hiểm xã hội cũng thiệt thòi cho họ.

"Tôi ủng hộ nâng tuổi nghỉ hưu đối với lao động trí óc còn lao động chân tay thì nên giữ nguyên như hiện tại" - ông Vinh nói.

Diệu Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Nâng tuổi nghỉ hưu, cần xét đến đặc thù nghề nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.