Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Chi nghìn tỉ cho những mục tiêu nào? (Bài 4)
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ trên toàn tỉnh, tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý đạt 97% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn.
LTS: Vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn cả nước nói chung vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến việc chi phí bỏ ra nhiều nhưng chưa giải quyết triệt để được lượng rác thải mà còn làm phát sinh ra một số vấn đề về môi trường. Đây cũng là việc làm đau đầu các nhà quản lý ở cấp địa phương.
Vĩnh Phúc có tốc độ phát triển tốt về mọi mặt. GRDP ước đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được,Vĩnh Phúc đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là trong bài toán thu gom vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh cần có nhiều giải pháp hữu hiệu, quan tâm đến công tác thu gom và xử lý rác thải hơn nữa để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng phức tạp.
Từ thực tế trên, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài "Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Hiện trạng và giải pháp". Tuyến bài nêu lên những tồn tại, bất cập về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, những điểm sáng và gam màu tối trong cách thực hiện tại các địa phương trong huyện. Từ đó, các chuyên gia về lĩnh vực kinh tế môi trường sẽ có những phân tích, nhận định và đánh giá về mặt được và chưa được của tỉnh Vĩnh Phúc từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán về rác thải sinh hoạt này.
Mục tiêu lớn
Nhằm giải bài toán thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh, cuối năm 2021 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 3235/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đề án phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện thu gom và từng bước xử lý triệt để rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, hình thành hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã.
Cụ thể, năm 2022 duy trì tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt 95% ở khu vực đô thị, 80% ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó sẽ hình thành dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý đồng bộ tại các địa bàn thành phố Vĩnh Yên; huyện Tam Dương, Tam Đảo.
Cũng trong năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, đưa vào vận hành vào giữa năm 2023. Cùng với Vĩnh Phúc tập trung cải tạo phục hồi môi trường 40 bãi chôn lấp bãi rác của huyện Tam Dương, Tam Đảo và TP Vĩnh Yên.
Đến năm 2023, Vĩnh Phúc phấn đấu nâng tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý ở đô thị đạt 96%, ở khu vực nông thôn đạt 83%. Cũng trong năm này, hình thành dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý đồng bộ tại địa các huyện Yên Lạc, Lập Thạch và Sông Lô. Bên cạnh đó, đề án cũng đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường 100 bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn huyện Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Lập Thạch và Sông Lô.
Đến năm 2024, ngoài việc nâng tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý ở khu vực nông thôn đạt 86% thì tỉnh Vĩnh Phúc còn đặt mục tiêu hình thành dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý đồng bộ tại địa các huyện huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Phúc Yên. Nâng cấp khu xử lý rác thải tập trung tại thị trấn Hợp Hòa, huyện tam Dương lên 500 tấn/ngày. Tiếp tục thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường 70 bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Phúc Yên.
Cũng theo đề án trên, đến năm 2025 Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ trên toàn tỉnh, tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý rác đạt 97% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn.
Đến năm 2030, toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý tại các cơ sở xử lý tập trung; đồng thời, hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường và tái sử dụng 100% diện tích đất chôn lấp rác tạm hiện nay.
Giải pháp và nguồn kinh phí
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Vĩnh Phúc nêu ra 6 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, nhóm giải pháp đẩu mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động nhân dân thực hiện thu gom, phân loại rác thải, xây dựng tuyến phố, tuyến đường, tổ dân phố, khu dân cư, tự quản, văn minh “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” được ưu tiên hàng đầu.
Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thì việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng được ưu tiên. Cụ thể:
Tỉnh sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc theo dõi, quản lý lộ trình của các phương tiện tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện của đơn vị cung cấp dịch vụ;
Về cơ chế, chính sách, tỉnh cũng sẽ xây dựng và ban hành cơ chế hỗ trợ chi phí sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm phân composte, sản phẩm tái chế khác từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn;
Hỗ trợ về giá đối với túi, bao bì, thùng chứa phục vụ hoạt động phân loại, thu gom rác thải tại nguồn. Đồng thời, bổ sung các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa trên địa bàn tỉnh;
Tổ chức thí điểm và tiến tới giao trách nhiệm quản lý, vận hành các điểm tập kết, trung chuyển rác thải cho các đơn vị trúng thầu hoặc được đặt hàng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn từng huyện, thành phố;
Cùng với đó, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất quá trình tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, bảo đảm quá trình cung ứng dịch vụ được thực hiện theo các quy định hiện hành.
Cũng theo đề án 3235 thì để hoàn thiện các mục tiêu trên sẽ tiêu tốn của ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc hàng nghìn tỉ đồng. Cụ thể, theo đề án tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến chi khoảng 2.138,3 tỷ đồng để thực hiện đề án. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 1.400 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa.
Trong các hạng mục chi gồm: đầu tư xây dựng các điểm tập kết trung chuyển (khoảng 87 tỷ đồng); thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải (hơn 1.414 tỷ đồng); cải tạo phục hồi môi trường các bãi rác cũ (hơn 152 tỷ đồng); tuyên truyền, tập huấn, mô hình (24 tỷ đồng).
Chiều 16/3/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề rác thải luôn là vấn đề cử tri quan tâm và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước vấn đề đó, về các chính sách, Luật BVMT 2020 cũng như các văn bản như Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật sẽ từng bước giải quyết những tồn tại đó trong thời gian tới.
Vấn đề khó khăn nhất là thu gom, cần sự vào cuộc của tất cả các hệ thống từ cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân. Trước đây, việc xử lý rác thải, chất thải rắn chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh. Tuy nhiên, với quan điểm rác thải phải là tài nguyên, cần tái chế, tái sử dụng, do đó, trong năm 2022, Bộ TNMT sẽ đánh giá lại toàn bộ các trung tâm xử lý rác thải, công bố các công nghệ phù hợp với từng địa phương đảm bảo đồng bộ về phương pháp thu gom, phân loại, xử lý. Do đó, địa phương sẽ lựa chọn công nghệ phù hợp với mình, nhà nước có chính sách hỗ trợ trong việc này, tuy nhiên về lâu dài cần phải xã hội hóa vấn đề này để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia, đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
(Còn tiếp...)
Hoàng Hải - Hà Nam