Thứ bảy, 20/04/2024 14:16 (GMT+7)
Thứ ba, 03/05/2022 15:00 (GMT+7)

Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển kinh tế bền vững từ quy hoạch, đầu tư

Theo dõi KTMT trên

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể trong quy hoạch đô thị và đầu tư kinh tế.

Phấn đấu 6 - 8 m2 đất cây xanh/người

Chiều ngày 29/4, lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ trì cuộc họp nghe Sở Xây dựng báo cáo dự thảo Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các cấp về việc ban hành “Danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Qũy Đầu tư phát triển tỉnh giai đoạn 2022 - 2025”.

Chương trình tổ chức hành động nhằm mục đích đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa trên địa bàn tỉnh; Phát triển hệ thống đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu xanh, thông minh, đáp ứng quá trình đô thị hóa nhanh gắn với cảng quốc tế Thị Vải – Cái Mép; Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và hệ thống hạ tầng xã hội thiết yếu; nâng cao chất lượng sống tại đô thị, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị; Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc; bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên biển đảo.

Tại dự thảo chương trình hành động, các cấp lãnh đạo đã đưa ra đề xuất một số mục tiêu cụ thể để phấn đấu như: Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 13 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại I là TP. Vũng Tàu; 2 đô thị loại II là: TP. Bà Rịa, Phú Mỹ; 2 đô thị loại IV là: thị trấn Long Hải, thị trấn Côn Sơn (Côn Đảo); 8 đô thị loại V gồm: Ngãi Giao, Phước Bửu, Long Điền, Đất Đỏ, Phước Hải, Kim Long, Bình Châu, Hoà Bình.

Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển kinh tế bền vững từ quy hoạch, đầu tư - Ảnh 1
Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, một trong những điểm nhấn phát triển kinh tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai.

Đến năm 2030 toàn tỉnh có 16 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại I là TP. Vũng Tàu; 2 đô thị loại II là: TP. Bà Rịa, Phú Mỹ; 2 đô thị loại III là Côn Đảo và Long Hải (tại thời điểm này sẽ xem xét sáp nhập Long Hải với Long Điền); 2 đô thị loại IV là Long Điền, Ngãi Giao; 9 đô thị loại V gồm: Kim Long, Phước Bửu, Đất Đỏ, Phước Hải, Lộc An, Phước Bửu, Bình Châu, Hoà Bình, Hồ Tràm.

Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt tối thiểu 12 – 18%, đến năm 2030 đạt 18 – 26%. Diện tích đất cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2 vào năm 2025, khoảng 8 - 10 m2 vào năm 2030. Diện tích nhà ở bình quân đầu người phấn đấu tại khu vực đô thị đạt khoảng 31,2 m2 sàn/người vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 35,1 m2 sàn/người.

Về hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến năm 2025 phủ 95% hộ gia đình tại đô thị; Đẩy mạnh phát triển và cung cấp dịch vụ và mạng di động 4G, 5G và trên 95% người dân có điện thoại thông minh; 75% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

Đến năm 2030, duy trì ổn định tỉ lệ hộ gia đình có băng rộng cáp quang, tỉ lệ người dân có điện thoại thông minh; Nâng tỉ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác lên 85%.

Bên cạnh đó, đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm bao gồm: Đề xuất Trung ương hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ; Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị; Ap dụng cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Ban hành danh mục lĩnh vực đầu tư

Liên quan đến thực hiện đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập doanh nghiệp, cho vay đầu tư các dự án theo Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ; Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND ngày 18/7/2013 của HĐND tỉnh và Quyết định số 306/QĐ-UBND ngày 14/2/2019 của UBND tỉnh BR-VT, hiện Qũy Đầu tư phát triển tỉnh vẫn đang trong quá trình thực hiện. Nay, các quy định pháp luật này đã hết hiệu lực thi hành, gần hết hiệu lực thi hành và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương thay thế các Nghị định nêu trên.

Do đó, Qũy đề xuất ban hành “Danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Qũy Đầu tư phát triển tỉnh giai đoạn 2022 - 2025” nhằm đảm bảo hoạt động đầu tư cho vay của Quỹ tuân thủ theo nội dung tại Nghị định mới ban hành của Chính phủ, đồng thời chủ động xây dựng danh mục đầu tư cho vay cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng như mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ.

Theo dự thảo Nghị quyết, danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Qũy Đầu tư phát triển tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 được thực hiện trên 06 lĩnh vực: Giao thông, vận tải và logistics; Công nghiệp, nông nghiệp; Năng lượng và môi trường; Phát triển hạ tầng đô thị; Công nghệ thông tin, viễn thông và công nghệ cao; Các lĩnh vực ưu tiên khác.

Theo thống kê, tính đến ngày 31/12/2021, Qũy đã triển khai đầu tư, cho vay hơn 20 dự án với tổng mức đầu tư, cho vay là 363,741 tỉ đồng, trong đó Quỹ đã thực hiện giải ngân 221,943 tỉ đồng đối với hoạt động cho vay và 9,700 tỉ đồng đối với hoạt động đầu tư.

Các dự án cho vay, đầu tư thuộc các lĩnh vực như: lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường cho vay 17 dự án với tổng số tiền giải ngân là 181,871 tỉ đồng; Lĩnh vực xã hội hóa hạ tầng xã hội cho vay 3 dự án với số tiền giải ngân là 32,280 tỉ đồng và 1 dự án thành lập công ty cổ phần với số vốn góp là 9,700 tỉ đồng; Lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khác của địa phương cho vay 1 dự án với số tiền giải ngân là 7,792 tỉ đồng.

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển kinh tế bền vững từ quy hoạch, đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới