Thứ tư, 04/12/2024 13:15 (GMT+7)
Thứ hai, 25/04/2022 17:00 (GMT+7)

Nhiều mỏ khoáng sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu bị “bỏ quên” việc phục hồi môi trường

Theo dõi KTMT trên

Bất chấp các quy định về khai khoáng, nhiều mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) sau khi đóng cửa vẫn không được doanh nghiệp thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường.

Nhiều mỏ khoáng sản sau khai thác chưa phục hồi môi trường

Tại Nghị quyết số 34/NQ-HĐND của HĐND tỉnh BR-VT ngày 14/12/2018 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030, trên địa bàn tỉnh  BR-VT có 60 điểm quy hoạch với tổng diện tích 1.74,52ha gồm: 30 điểm mỏ đá xây dựng, 4 mỏ sét gạch ngói, 13 mỏ cát xây dựng, 11 mỏ vật liệu san lấp và 2 mỏ than bùn.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh BR-VT, tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 33 giấy phép khai thác khoáng sản (KTKS) đang còn hiệu lực thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và 7 giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT. Hiện có 42 trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để khai thác khoáng sản đã có quyết định đóng cửa mỏ.

Nhiều mỏ khoáng sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu bị “bỏ quên” việc phục hồi môi trường - Ảnh 1
Mỏ đá Núi Thơm đã hết hạn và dừng khai thác nhiều năm nhưng vẫn không phục hồi môi trường.

Theo Quyết định 18/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường: Đối với hoạt động khai thác khoáng sản, sau khi hoàn thành việc khai thác, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường.

Cụ thể, đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu, hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường; đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở TN&MT, hiện 28/42 điểm mỏ đã có quyết định đóng cửa có mặt bằng sau khai thác tạo thành hồ chứa nước hoặc một phần mỏ tạo thành hồ chứa nước. Việc phục hồi môi trường tại những khu vực này không diễn ra theo quy định mà chỉ là tận dụng các mỏ sau khai thác này làm hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, công tác bảo vệ rất sơ sài, gây nguy hiểm cho những người dân sống xung quanh.

Sở TN&MT tỉnh BR-VT nhìn nhận, công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại khiến xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.

Trước những bất cập trên, ông Trần Ngọc Hùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh BR-VT, cho biết, thời gian tới, sau khi UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của các doanh nghiệp, Sở TN&MT sẽ đôn đốc, theo dõi sát sao các doanh nghiệp về việc đóng cửa mỏ, khôi phục môi trường sau khai thác theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp nào không thực hiện, Sở sẽ tiến hành xử phạt hành chính theo quy định.

“Sở TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hiện trạng các mỏ sau khai thác khoáng sản đang làm hồ chứa nước, đang khai thác hoặc đã kết thúc khai thác để tham mưu cho UBND tỉnh có hướng xử lý...”, ông Hùng khẳng định.

Theo ông Hùng, Sở TN&MT đã xây dựng Kế hoạch tham mưu tỉnh xem xét ban hành quyết định thu hồi đất, điều chỉnh các quyết định thu hồi để giao về cho địa phương quản lý đối với các trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để khai thác đã đóng cửa mỏ.

Trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, cần áp dụng các quy định của pháp luật để thẩm định kinh phí cải tạo phục hồi môi trường ở mức cao nhất; đảm bảo số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp đủ để cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác (có tính yếu tố trượt giá).

Trường hợp doanh nghiệp không chấp hành việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, ngành chức năng sẽ sử dụng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định.

Chế tài có nhưng chưa đủ mạnh?

Theo chia sẻ của một luật sự thuộc đoàn Luật sư TP HCM, Điều 30 của Luật Khoáng sản có quy định: Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường. Giải pháp, chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường phải được xác định trong dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của Chính phủ.

Nhiều mỏ khoáng sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu bị “bỏ quên” việc phục hồi môi trường - Ảnh 2
Mỏ đá Hương Phong hết hạn khai thác đã 2 năm nhưng vẫn chưa thực hiện phục hồi môi trường.

Theo cá nhân vị luật sư này chia sẻ, để các doanh nghiệp thực sự quan tâm đến vấn đề phục hồi môi trường sau khi khai thác khoáng sản cần có những chế tài mạnh hơn. Ví dụ như thu tiền ký quỹ cao hơn, cấm tham gia đấu giá, khai thác các dự án mỏ khoáng sản mới nếu chưa phục hồi các mỏ đã khai thác, nâng mức xử phạt lên cao hơn... Trong trường hợp cố tình không phục hồi thì cần hình sự hóa vấn đề này theo hướng hủy hoại môi trường.

Điều 49 - Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản co quy định:

Phạt tiền từ từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ số lượng, khối lượng các hạng mục công trình, các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi đất đai xác định trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép kiểm tra, cho phép đóng cửa mỏ từng phần trước khi tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường các diện tích đã khai thác hết trữ lượng nằm trong khu vực khai thác khoáng sản; quá từ 90 ngày trở lên so với thời gian thực hiện đề án đóng cửa mỏ được phê duyệt nhưng không báo cáo kết quả thực hiện.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các hạng mục công trình, giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi đất đai xác định trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Nhiều mỏ khoáng sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu bị “bỏ quên” việc phục hồi môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới