Thứ bảy, 23/11/2024 04:32 (GMT+7)
Thứ ba, 22/10/2019 07:10 (GMT+7)

Vụ nước sạch sông Đà: Dịch vụ công cần có đạo luật để kiểm soát

Theo dõi KTMT trên

Nhà nước cần nhanh chóng lấp khoảng trống về mặt pháp lý, chính xác là phải có đạo Luật về dịch vụ công như điện, nước, y tế…

Phát biểu tại Tọa đàm “Thị trường hóa dịch vụ công - Nhìn từ “nước sạch sông Đà” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 21/10, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Hội đồng khoa học IPS cho rằng, hiện nay tại Việt Nam, khái niệm dịch vụ công chưa được định hình rõ và làm sáng tỏ.

Chính vì thế, dịch vụ công đang là thị trường hết sức “béo bở” vì thương quyền đã không được tính vào lợi ích của dịch vụ, cho nên bất cứ ai thực hiện cung cấp dịch vụ công đều có lợi nhuận rất lớn, cụ thể như các ngành điện, nước… Trong khi cơ sở hạ tầng cho điện, nước và các doanh nghiệp (DN) có điện, nước đều liên quan với nhau khiến bài toán độc quyền đang còn treo lơ lửng.

Nhìn từ vụ việc khủng hoảng “nước sạch sông Đà” đang xảy ra tại Hà Nội, ông Dũng cho rằng, bê bối này đã ảnh hưởng rất lớn người tiêu dùng, không muốn nói là đe dọa tính mạng của hàng chục vạn hộ dân, tuy nhiên chủ thể của sự việc là DN cung cấp dịch vụ công - Công ty CP Đầu tư Nước sạch Sông Đà đã phản ứng quá chậm, quá vô cảm với đời sống sức khoẻ cũng như sinh mạng người dân.

Vụ nước sạch sông Đà: Dịch vụ công cần có đạo luật để kiểm soát - Ảnh 1
TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thành viên Hội đồng khoa học IPS.

“Trong hàng hóa công, nhà nước đóng vai trò quản lý và điều chỉnh nhưng trên thị trường, DN chỉ hướng tới lợi nhuận và thúc đẩy gia tăng lợi nhuận kinh tế. Để đảm bảo hài hòa lợi ích trong vấn đề này rất cần có vai trò của Nhà nước. Ở các nước khác, ngoài chính sách pháp luật điều chỉnh dịch vụ công thì vẫn có cơ quan ban hành các chuẩn mực kỹ thuật của dịch vụ công. Bởi người dân trả tiền qua thuế để được cung cấp dịch vụ công chất lượng tốt, nhưng đôi khi chất lượng dịch vụ này rất thấp như tiêu chuẩn thế nào là nước sạch ở Việt Nam vẫn chưa được làm rõ”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhận định.

Cũng theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, quá trình cung cấp dịch vụ công hiện nay đang đi theo hướng thị trường hóa và đối tượng thứ 2 sau nhà nước cũng có thể cung cấp dịch vụ công đó chính là tư nhân. Tư nhân cung cấp dịch vụ nhanh và hiệu quả bởi có lợi thế riêng, tuy nhiên, tư nhân thường chạy theo lợi nhuận nên có thể bỏ qua những lợi ích khác để đạt được mục đích này.

Chính vì thế, nếu nhà nước giao cho tư nhân cung cấp dịch vụ công vẫn cần có sự quản lý sát sao cũng như áp dụng chuẩn mực về quy chế dịch vụ công đi kèm với kiểm tra chất lượng. Có như vậy mới nên thúc đẩy phát triển dịch vụ này. Bởi dịch vụ công về mặt pháp lý phải đảm bảo nguyên tắc liên tục của dịch vụ.

“Đã là quy chế thì dịch vụ công không có quyền cắt nước dài ngày hay không có quyền lúc đóng lúc mở. Dịch vụ y tế không có chuyện người có tiền mới được vào. Dịch vụ công phải đảm bảo nguyên tắc quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người với giá cả phù hợp, không thể có giá cả trên trời mà người dân không tiếp cận được”, ông Dũng chỉ rõ tất cả các dịch công đều phải đảm bảo 3 nguyên tắc này.

Đơn cử như dịch vụ cung cấp nước sạch hiện nay, ông Dũng đặt vấn đề tại sao lại có nhiều doanh nghiệp cùng nhảy vào thị trường này để cạnh tranh khốc liệt? Bởi lẽ đó là thương quyền đã được trao cho tư nhân và tư nhân được quyền kinh doanh, bán nước sạch cho hàng triệu người vì nhu cầu đó không bao giờ hết. Không có xăng dầu người ta vẫn có thể sống được nhưng không có nước người ta sẽ chết ngay.

Vụ nước sạch sông Đà: Dịch vụ công cần có đạo luật để kiểm soát - Ảnh 2
Tọa đàm “Thị trường hóa dịch vụ công - Nhìn từ “nước sạch sông Đà”.

Với thực trạng cung cấp dịch vụ công hiện nay, theo ông Dũng nhà nước cần nhanh chóng lấp khoảng trống về mặt pháp lý, chính xác là phải có đạo Luật về dịch vụ công vì dịch vụ này có nguyên tắc. Bởi hiện đã có những quy định về vấn đề này nhưng vẫn còn rải rác ở nơi này nơi kia, nên hình thành cơ quan quyền lực công và cơ quan này có thẩm quyền áp đặt các chuẩn mực về dịch vụ công.

“Đối với các nhà máy nước hiện nay đều đã tư nhân hóa vậy nhà nước có nên lấy lại hay không? Ở nước ngoài vẫn có trường hợp tư nhân hóa khi thực hiện không tốt việc cung cấp dịch vụ nên nhà nước đã lấy lại. Còn ở Việt Nam sẽ làm như thế nào? Ông Dũng cho rằng, trong bất cứ hợp đồng nào nhà nước cho phép tư nhân cung cấp các dịch vụ công đều nhất thiết phải có quy định rõ ràng.

“Những bộ Luật chung chung về dịch vụ công như hiện nay sẽ rất thiếu căn cứ, chế tài để xử lý vi phạm, do đó điều căn bản và khẩn cấp nhất hiện nay chính là cần có đạo luật riêng về xã hội hóa cung cấp dịch vụ công”, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nêu rõ.

Bạn đang đọc bài viết Vụ nước sạch sông Đà: Dịch vụ công cần có đạo luật để kiểm soát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới