Thứ sáu, 29/03/2024 18:51 (GMT+7)
Thứ hai, 21/10/2019 16:30 (GMT+7)

Hà Nội: Người dân lao đao bởi ô nhiễm

Theo dõi KTMT trên

Thời gian gần đây, thủ đô Hà Nội phải đối mặt với hàng loạt các sự cố về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Ô nhiễm không khí

Trong các vấn đề ô nhiễm không khí Hà Nội, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 là vấn đề nghiêm trọng nhất, loại bụi này chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.

Ông Vũ Văn Giáp, phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, chỉ số ô nhiễm cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên tim mạch, hô hấp cũng tăng cao.

"Những người bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là người có sẵn bệnh lý tim mạch, hô hấp. Người bệnh thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của một đợt bệnh cấp tính" - ông Giáp nói.

Ông Giáp cũng dẫn các nghiên cứu cho đến nay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết ô nhiễm không khí liên quan tới 30% ca tử vong do ung thư phổi, 25% các ca đột quỵ não và bệnh lý tim mạch. Riêng bệnh lý hô hấp, có đến 435 ca tử vong do bệnh lý hô hấp là có liên quan tới ô nhiễm không khí.

Hà Nội: Người dân lao đao bởi ô nhiễm - Ảnh 1
Ô nhiễm không khí tại TP Hà Nội.

Tương tự, các bác sĩ da liễu và nhãn khoa lo ngại ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên da và mắt. Số người vào viện khám các bệnh lý về da cũng gia tăng gần đây.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, khi chỉ số chất lượng không khí lên tới ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người như những ngày vừa qua, bụi mịn sẽ tấn công phổi của con người.

Cụ thể, chỉ số AQI lúc 6h sáng 30/9 tại Hà Nội có nơi lên tới 265, chỉ số bụi mịn PM2.5 là 215,4 µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 20 lần trung bình năm của WHO. Chỉ số của ngày 30/9 cũng cao hơn nhiều so với kết quả đo được vào cùng thời điểm ngày 29/9 với AQI ở mức 179, bụi mịn PM2.5 là 109,3 µg/m3.

Lý giải về nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao đột biến tới ngưỡng gây hại tới sức khỏe tất cả mọi người, ông Tạ Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Tổng hợp Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, ngoài các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông, xây dựng, có nguyên nhân từ điều kiện khí hậu bất lợi, các nguồn ô nhiễm không khuếch tán được.

Ô nhiễm thủy ngân

Đám cháy tại Công ty Rạng Đông bùng phát từ 18h ngày 28/9 và bùng lên dữ dội trong suốt 16 tiếng đồng hồ trước khi được khống chế. Không chỉ gây thiệt hại to lớn về tài sản của công ty và người dân các khu vực xung quanh, khói bụi còn tồn dư, không khí bị nhiễm bẩn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân. Sau những cảnh báo của cơ quan chức năng, rất nhiều người dân thêm phần lo lắng và không dám về nhà vì nhiều nhà đồ đạc bị cháy đen thui, ám khói, nhiều nhà bị nứt tường do sức nóng của đám cháy gây ra.

Hà Nội: Người dân lao đao bởi ô nhiễm - Ảnh 2
Hiện trường cháy kho xưởng Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vào chiều tối ngày 28/8.

Trong 3 ngày đầu tiên sau vụ cháy, Hà Nội khám miễn phí cho người dân sống tại các khu vực cháy, đã có khoảng 1.000 người được khám sàng lọc, khoảng 300 người được chuyển cơ sở y tế tuyến trên để đánh giá lại sức khỏe, và đã có hàng chục người được chỉ định nhập viện điều trị.

Theo thông tin từ Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), các ảnh hưởng độc hại của thủy ngân đã được biết khá rõ. Cụ thể, hơi thủy ngân ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, phổi, thận, da, và mắt. Nó cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và gây đột biến.

Trong đó, nhiễm độc thủy ngân cấp tính thường do tai nạn như vỡ bình chứa, hỏa hoạn, hơi thủy ngân bốc lên với nồng độ cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp, gây viêm phế quản, viêm phổi kẽ lan tỏa. Người bị nhiễm độc thủy ngân cấp tính có thể gây viêm thận, đạm huyết tăng nhanh ( 4-5g urê/l), giảm clo huyết, nhiễm axit, gây viêm loét miệng, bỏng đường tiêu hóa, nôn ra máu, toàn thân suy sụp. Nạn nhân khó thở, chuột rút, giật cơ, mê sảng, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 24 đến 36 giờ.

Ô nhiễm nước sinh hoạt

Vừa mới đây nhất, hàng trăm hộ dân ở các quận phía Tây Nam thành phố Hà Nội, như Hà Đông, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai…sử dụng nước sạch của Công ty CP Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đang lo lắng vì nước sạch sinh hoạt bỗng nhiên bốc mùi lạ.

Chị Nguyễn Khánh Hồng nhà ở chung cư Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cho biết, chiều ngày 10/10, khi đi làm về mở vòi nước ra đã thấy mùi clo sộc lên rất nặng, nên không dám dùng để đun nước, nấu cơm. Khi phát hiện sự việc, chị Hồng đi hỏi những hộ dân cùng tầng thì được biết các gia đình khác cũng gặp tình trạng tương tự.

Sau vài ngày đã tìm ra được nguyên nhân dẫn đến sự việc trên, là do việc đổ trộm hàng tấn dầu thải vào con suối dẫn nước cho nhà máy nước sạch Sông Đà (tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình).

Hà Nội: Người dân lao đao bởi ô nhiễm - Ảnh 3
Ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn sông Đà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước cung cấp cho người dân Hà Nội.

Có thể thấy rằng, TP Hà Nội đang trở nên không "yên bình" từ ô nhiễm không khí đến ô nhiễm nước sinh hoạt. Việc cần thiết để đưa Hà Nôi về quỹ đạo vốn có của nó, UBND TP Hà Nội cần đưa ra các biện pháp căn cơ cho những vẫn đề trên. Đồng thời theo dõi và hỗ trợ cho người dân các khu vực bị ô nhiễm không khí, nước sinh hoạt.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Người dân lao đao bởi ô nhiễm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.