Vòng đời của cây
Nếu còn có thể có giải pháp, như là làm trụ chống, hay cưa bớt cành tán… thì đừng vội chặt cây. Tuy nhiên, nếu cây đã đến lúc phải chặt, thì công chúng cần có lời giải thích.
Những năm 90, tờ báo được học sinh – sinh viên Việt Nam yêu thích nhất chính là Hoa Học Trò. Với đội ngũ cây viết trẻ và viết cho bạn đọc trẻ, Hoa Học Trò cho đến hôm nay vẫn đều đặn xuất bản mỗi tuần phản ánh hơi thở học đường sôi động và trong sáng. Hoa học trò là hoa gì? Chính là hoa phượng. Và người đầu tiên gọi hoa phượng là hoa học trò, chính là thi sĩ lừng danh Xuân Diệu.
Trong tập “Trường ca” (xuất bản lần đầu năm 1945), Xuân Diệu viết: “Phượng không thơm, phượng chưa hẳn đã là đẹp, nhưng phượng đỏ và phượng nhiều, phượng có một linh hồn sắc sảo mênh mang. Phượng không phải là một đoá, không phải vài cành; phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực.... Màu hoa phượng chói lói như sắc máu người.... Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh. Vừa buồn mà lại vừa vui, mới thực là nỗi niềm bông phượng. Một làn gió hẩy tới; từng đợt sóng rào rào trên biển hoa.... Người ta trồng phượng ngoài thành và trong thành; và người ta hay trồng phượng trong các sân trường... Nhưng dù trồng ở đâu, cũng chỉ có bọn học sinh hiểu hoa phượng nhất. Hoa phượng là hoa-học-trò. Còn ai quen với phượng cho bằng bọn cắp sách đến trường một ngày hai buổi ! Còn ai có linh hồn tươi thắm để quan hoài cùng với phượng thắm tươi ?”.
Hoa phượng còn được gọi là Hoa học trò. (Ảnh: Đinh Văn Linh) |
Mỗi độ hè đến, những tán phượng nở hoa đỏ rực làm nao lòng bao thế hệ đã và đang cắp sách đến trường. Bởi được định danh là “hoa học trò”, nên hoa phượng trở thành một loài hoa mang tính biểu tượng. Như là dã quỳ của Đà Lạt, như cúc hoạ mi của Hà Nội, những rặng cây phượng cao niên khiến Hải Phòng được mệnh danh là “Thành phố hoa phượng đỏ”.
“Phượng vĩ” nghĩa là đuôi con chim phượng, không chỉ có hoa rực rỡ, mà cho bóng mát vào mùa nóng nhất trong năm. Tán rộng và nghiêng lại nhiều tầng, khiến cho đây là một trong những loại cây bóng mát được người Pháp lựa chọn trồng chủ yếu ở thuộc địa Đông Dương (cùng với xà cừ, bằng lăng và bàng). Cùng với bàng, phượng vĩ có nguồn gốc Châu Phi, Ấn Độ.
Cây phượng vĩ nếu trồng ở không gian rộng, có điều kiện phát triển bộ rễ, có thể cao tới 5-6 mét. Vì thế, các khoảng sân rộng trong trường học, công sở… rất phù hợp để trồng loại cây này.
Nhưng phượng vĩ cũng có những nhược điểm chí mạng. Thứ nhất, phượng là loại cây rễ chùm chứ không phải rễ cọc. Nghĩa là nó rất dễ đổ. Để tăng độ bám, cây phượng cần 1 khoảng đất rộng để phát triển bộ rễ nổi, điều này khá là bất khả thi với diện tích đô thị ngày càng eo hẹp.
Thứ hai, gỗ của cây phượng không tốt, dễ bị mối mọt ăn ruỗng bên trong. Theo tiêu chuẩn cây xanh Việt Nam thì phượng vĩ chỉ xếp nhóm 7, là nhóm dễ gãy đổ và sâu bệnh.
Thứ ba, phượng không phải loại cây bách niên, sống trường thọ trăm năm ngàn năm. Tuổi đời cây phượng chỉ đến 50 năm là hết mức, còn trung bình là 20-30 năm, sau đó nó sẽ mục ruỗng mà chết.
Cây phượng gần 30 năm tuổi, đường kính thân 0,4 m bị mục thân đã được trường THPT Lê Quý Đôn, Hải Phòng chặt bỏ. (Ảnh: Giang Chinh) |
Với tất cả các nhược điểm trên, không thể xem phượng vĩ là một di sản cây xanh dài lâu cho các thế hệ sau. Những hàng phượng vĩ cổ thụ mà người Pháp trồng cho Hải Phòng, Hà Nội, nay đều đã thay thế gần hết. Và để vài chục năm nữa người ta không phải lao vào các cuộc tranh cãi mới về thay thế cây xanh, thì phượng vĩ không còn là một lựa chọn trồng nơi công cộng nữa.
Rất logic, nếu trong khuôn viên 1 trường học có tán cây phượng rợp bóng, cũng có nghĩa là cây ấy đã đến ngưỡng cảnh báo nguy hiểm, bởi nó đã đạt tuổi thọ giới hạn rồi.
Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm nếu 1 cái cây cổ thụ bất ngờ đổ xuống gây tai nạn? Đó là lịch sử để lại mà. Ngay cả thày Nguyễn Vạn Phúc, hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng (Q3.Tp.HCM) – nơi có cây phượng đổ xuống 18 học sinh, làm 1 em tử vong - dù đã khẳng khái nhận “Cây đổ là trách nhiệm của tôi”, thì lý do cũng là “vì tôi là hiệu trưởng”.
Sau vụ tai nạn tại trường Bạch Đằng, khắp nơi người ta đang chặt bỏ phượng vĩ. Và mặc dù hành động ấy được cho là nỗi sợ hãi máy móc, thì cần nhìn nhận rằng nỗi sợ ấy là có cơ sở. Theo quy định tại nghị định số 64/2010 (về quản lý cây xanh đô thị), cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng được xem là cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị. Nghị định này cũng quy định về cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị: các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.
Nhiều trường học tại Đắk Lắk đã tiến hành cưa gốc, cắt tỉa trụi hàng loạt cây xanh, đặc biệt là cây phượng. (Ảnh: Thuý Diễm) |
Vấn đề là với những khu vực đông người như trường học, thì cần có quy định hướng dẫn rất cụ thể, thậm chí nghiêm ngặt. Vào website Bộ Giáo dục New Zealand có hẳn nội dung quy định về trồng cây trong khuôn viên nhà trường. Nội dung ngắn gọn, nhưng hết sức rõ ràng và dễ hiểu. Với những tiêu chí như là cây trong trường học không được là mối nguy hiểm với học sinh cũng như cư dân liền kề; cây trồng cạnh bể nước thì phải tính đến việc cành lá rơi xuống nước làm ô nhiễm hay học sinh nhảy từ cây xuống bể; loại cây nào có giá trị văn hoá, lịch sử hay sinh thái; nếu muốn chặt cây thì phải thông qua hội đồng địa phương… Và cho mỗi thông tin này, đều có đường link internet dẫn đến cơ quan liên quan.
Website của Bộ Giáo dục New Zealand với những quy định và chỉ dẫn chi tiết về cây trồng trong khuôn viên trường học. |
Rõ ràng, sự an toàn của con người là ưu tiên số 1. Nhưng chặt đi những cây xanh phải mất hàng chục năm mới cho bóng rợp, đó không nên là một quyết định vội vàng theo trào lưu. Kể cả trào lưu ấy xuất phát từ nỗi sợ.
Tương tự như những hàng cây đã bị đốn hạ để làm đường sắt trên cao ở Hà Nội hay tuyến metro ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh, làn sóng chặt phượng vĩ sẽ để lại nỗi nhớ tiếc xót xa trong tâm trí con người. Cả trong bầu không khí hàng ngày của thành phố nữa.
Nếu còn có thể có giải pháp, như là làm trụ chống, hay cưa bớt cành tán… thì đừng vội chặt cây. Tuy nhiên, nếu cây đã đến lúc phải chặt, thì công chúng cần có lời giải thích. Những đứa trẻ chẳng hạn, không thể cứ vác cưa đến chặt “hoa học trò” thân thương của chúng ra từng khúc, mà không có lời giải thích nào thoả đáng.
Hãy cho cây cơ hội sống cuộc đời của chúng, tức là được trồng đúng nơi, được phát triển đúng cách, và được ngã xuống khi đã xong một vòng đời.
Gia Hiền