Thứ sáu, 26/04/2024 14:39 (GMT+7)
Thứ năm, 18/08/2022 10:50 (GMT+7)

Việt Nam thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh

Theo dõi KTMT trên

Việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng tới năm 2050

Theo các chuyên gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh chính là việc chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng, sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.

Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp và hỗ trợ các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, năng lượng có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Là một quốc gia có nền kinh tế năng động, Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm liên tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 5,9-7%, kể cả trong thời kỳ suy giảm kinh tế thế giới giai đoạn 2006-2010, và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đã xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050.

Việt Nam thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh - Ảnh 1
Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhằm cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, ngày 22.7.2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với 4 mục tiêu quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. 

Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, cập nhật Chiến lược tăng trưởng xanh cho phù hợp với định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 là một lựa chọn tất yếu và là cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

Ưu tiên phát triển năng lượng sạch

Cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc Việt Nam sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2050 đã làm thay đổi hoàn toàn quan điểm phát triển điện lực của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, Quy hoạch điện VIII đã phải hiệu chỉnh lại toàn bộ phương án phát triển điện lực thời kỳ 20212030, tầm nhìn tới năm 2045 như phát triển nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu ở quy mô phù hợp; đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện và tính kinh tế chung của hệ thống điện…

Cụ thể, Bộ Công Thương đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại COP26. Do đó, cần khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch sử dụng than sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tính tới cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới về quy mô công suất.

Trong đó, thủy điện đạt 20.993 MW (chiếm 30,3% công suất và 29,6% sản lượng); nhiệt điện than 21.383 MW chiếm 30,8% công suất, khoảng 50% sản lượng); tua bin khí 9.025 MW (chiếm 13,1% công suất, 14,6% sản lượng), điện Mặt Trời 16.506 MW (23,8% công suất, 3,7% sản lượng).

Thực tế cho thấy, các nguồn nhiệt điện là các nguồn điện chính của hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt điện than vẫn chiếm hơn 31% công suất và tới 50% tổng sản lượng điện sản xuất.

Theo Dự thảo Quy hoạch Điện lực Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo khác được phát triển, trong đó mục tiêu đưa ra là không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030, phát triển các nguồn điện chạy khí ở mức độ hợp lý để tránh lệ thuộc vào thị trường thế giới và xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí hiện có và tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo để tận dụng thế mạnh của Việt Nam…

“Đến năm 2050, ước tính phát thải CO2 từ lĩnh vực sản xuất điện còn khoảng 40 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng ”0” vào năm 2050,” đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho hay.

Với nền kinh tế đang phát triển nhanh, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững khi nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế của Việt Nam.

Theo ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng phù hợp, khả thi, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước là nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Theo đó nhằm đạt 2 mục tiêu cao nhất, bao gồm: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển và Đảm bảo tiếp cận năng lượng cho người dân và nền kinh tế với chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện phát triển và khả năng thực tế của Việt Nam.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới