Thứ hai, 25/11/2024 10:08 (GMT+7)
Thứ năm, 11/08/2022 07:10 (GMT+7)

Ninh Thuận: Hướng tới tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững

Theo dõi KTMT trên

Vừa qua, tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Đề án “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế-văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậụ.

Tập trung phát triển xanh

Đề án “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án) của tỉnh Ninh Thuận có mục tiêu là xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh. Đồng thời Đề án cũng hướng tới mục tiêu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh.

Mục tiêu tiếp theo của Đề án là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững, tập trung ưu tiên phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; Cảng và dịch vụ Cảng; Nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường.

Ninh Thuận: Hướng tới tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững - Ảnh 1
Sơ đồ định hướng phân vùng phát triển không gian các tiểu vùng tại tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới

Đề án cũng thúc đẩy việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội hiện đại, đồng bộ để nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước và đến năm 2030 trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

Khu vực phía Nam tỉnh Ninh Thuận (bao gồm 7 xã của huyện Thuận Nam và 2 xã của huyện Ninh Phước) là khu vực cửa ngõ của tỉnh tiếp giáp với khu vực Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam của cả nước; có các trục giao thông quan trọng của quốc gia chạy qua như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, sắp tới là tuyến đường bộ cao tốc Cam Ranh (Khánh Hòa) – Vĩnh Hảo (Bình Thuận) ngang qua địa bàn, có đường bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp (Mũi Dinh, Cà Ná, Hòn Cò,…), có Cảng nước sâu Cà Ná được quy hoạch nhóm cảng biển Nam Trung bộ với quy mô cảng tổng hợp địa phương loại II, Công suất thiết kế 3,3 triệu, có thể đón tàu 100.000 tấn đang triển khai xây dựng sẽ tạo thuận lợi về giao thông nên có điều kiện trong kết nối để phát triển kinh tế xã hội các địa phương trong tỉnh, vùng, với cả nước và trong khu vực. Đặc biệt, với chủ trương của tỉnh về phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) và khu kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh sẽ tạo cho khu vực một vị thế, vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong thời kỳ mới.

Ninh Thuận: Hướng tới tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững - Ảnh 2
Với đường bờ biển dài, Ninh Thuận có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch và cảng biển nước sâu

Những năm gần đây, khu vực phía Nam tỉnh Ninh Thuận được tỉnh quan tâm đầu tư đẩy mạnh phát triển công nghiệp; tăng cường cơ sở hạ tầng như như giao thông nông thôn, mạng lưới điện, thủy lợi, cấp thoát nước,... đã thu hút được nhiều dự án đầu tư động lực quan trọng trên các lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển: Dự án điện Măt trời kết hợp với truyền tải 500kv, dự án du lịch Mũi Dinh ECOPARK, các dự án điện gió, điện mặt trời.., nhiều dự án đã đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động đã góp phần tạo những bước chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Đề án được UBND tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 18- 19%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 40 – 45 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2025: GRDP bình quân/người đến năm 2025 đạt khoảng 130 triệu đồng; Tỷ trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025 chiếm khoảng 28- 29% GRDP của tỉnh; Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông nghiệp và thủy sản chiếm 24- 25%; công nghiệp – xây dựng chiếm 57-58%; các ngành du lịch, dịch vụ chiếm 18- 19% vào năm 2025; Tạo việc làm cho khoảng 77 nghìn người vào năm 2025.

Định hướng đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026-2030 tăng 21- 22%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2026-2030 đạt khoảng 30 – 35 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2030: GRDP bình quân/người đến năm 2030 đạt khoảng 300 triệu đồng; Tỷ trọng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030 chiếm 50%- 51% GRDP của tỉnh; Cơ cấu các ngành kinh tế: Nông nghiệp và thủy sản chiếm 11-12%; công nghiệp – xây dựng chiếm 64-65%; các ngành du lịch, dịch vụ chiếm 24-25% vào năm 2030; Tạo việc làm cho khoảng 97 nghìn người vào năm 2030

Phát triển đồng bộ trên tiềm năng sẵn có

Để hiện thực những mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: Phát triển các ngành kinh tế; Phát triển đô thị; Phát triển kết cấu hạ tầng; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển không gian các tiểu vùng.

Cụ thể, đối với việc phát triển các ngành kinh tế, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời đang triển khai, Cảng tổng hợp Cà Ná (hướng đến trở thành Cảng có chức năng trung chuyển quốc tế trong tương lai); Thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VIII, nhất là hình thành tổ hợp Trung tâm điện khí LNG, các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến muối, sản phẩm sau muối, sản xuất Xút-Clo và PVC, chế biến thủy sản. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phước Nam; Phát triển Khu công nghiệp Cà Ná, Cụm công nghiệp Hiếu Thiện, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ lắp đầy 70%,…

Ninh Thuận: Hướng tới tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững - Ảnh 3
Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước

Phát triển các ngành Thương mại- dịch vụ- du lịch: Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo giá trị gia tăng cao, trọng tâm là logistic, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá và các dịch vụ phụ trợ khác. Hình thành và phát triển các Trung tâm thương mại, các Trung tâm dịch vụ hỗn hợp; Phát triển siêu thị; Phát triển Tổng kho xăng dầu khu vực Cảng tổng hợp Cà Ná quy mô 100.000 m3; Kho phân phối LNG cho các tỉnh Nam Trung bộ và các tỉnh phía Nam. Phát triển đồng bộ, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, gắn với hình thành đô thị ven biển; hình thành các khu du lịch đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt, có tính cạnh tranh cao; phát triển du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng với các loại hình du lịch hiện đại, chuyên nghiệp. Đẩy mạnh liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia, khu vực Đông Nam Bộ và Miền Trung – Tây Nguyên.

Về đô thị sẽ hình thành các Khu đô thị mới Đầm Cà Ná, Khu đô thị phía Đông – Tây Quốc lộ 1A, Khu đô thị mới Phước Diêm, các đô thị trung tâm Phước Nam, Sơn Hải và Cà Ná theo hướng hiện đại, với tam giác phát triển là Phước Nam - Cà Ná - Sơn Hải, trong đó tập trung ưu tiên phát triển Khu đô thị Cà Ná, tạo động lực phát triển trong định hướng phát triển khu đô thị khu vực trọng điểm phía Nam. Triển khai xây dựng đô thị thông minh; Phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách, lực lượng lao động và người dân trong Vùng.

Đối với hạ tầng, sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường liên thông, kết nối với các tuyến Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển; phối hợp đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Bắc – Nam, ưu tiên đầu tư hoàn thành tuyến đường nối từ đường cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ IA và cảng biển Cà Ná, sớm hoàn thành đưa vào khai thác cảng biển nước sâu Cà Ná có trọng tải đến 300.000 DWT; nâng cấp các tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải, QL1A – Phước Hà – Ma Nới, Đường nối từ Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam đến Khu công nghiệp Cà Ná...

Thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng Nhà Ga mới và tuyến đường sắt nối cảng tổng hợp Cà Ná với đường sắt Thống Nhất tại Ga Cà Ná; Kêu gọi, thu hút đầu tư các công trình phụ trợ khác, như Cảng cạn và Trung tâm logistics, trạm dừng nghỉ, bến xe, bãi đỗ xe; Tập trung đầu tư các công trình thủy lợi đảm bảo đồng bộ từ các công trình đầu mối đến hệ thống kênh chuyển nước; thực hiện đấu nối liên thông các hồ chứa để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi; Tập trung đầu tư, nâng cấp mạng lưới trường, lớp học theo hướng đạt chuẩn quốc gia; Đẩy mạnh phát triển loại hình trường tư thục chất lượng cao ở các cấp học,…

Ninh Thuận: Hướng tới tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững - Ảnh 4
Định hướng phát triển giao thông tại Ninh Thuận giai đoạn 2021 -2030.

Để khai thác tối ưu các lợi thế, tiềm năng sẵn có, tỉnh Ninh Thuận còn hình thành và phát triển không gian trong khu vực trọng điểm phía Nam theo 4 tiểu vùng gồm: Tiểu thứ nhất là tiểu vùng công nghiệp – năng lượng – cảng biển nằm trên địa bàn các xã Phước Nam, Phước Minh, Cà Ná và xã Phước Diêm, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và phụ trợ; Năng lượng (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG); Cảng biển tổng hợp gắn với trung tâm logistic; Cảng biển nước sâu gắn với kinh tế hàng hải; Trung tâm nghề cá của vùng tại Cà Ná.

Thứ hai là Tiểu vùng Du lịch - Dịch vụ phụ trợ nằm trên địa bàn xã Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná tập trung phát triển các ngành du lịch biển, dịch vụ cảng biển và dịch vụ hậu cần nghề cá, vận tải biển.

Tiểu vùng thứ ba là Nông nghiệp Công nghệ cao tập trung phát triển sản xuất tôm giống ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm giống bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải.

Cuối cùng là Tiểu vùng bảo tồn nằm trên địa bàn các xã Phước Dinh, Phước Diêm, Nhị Hà, Phước Minh và 1 phần xã Cà Ná, tập trung phát triển rừng, nâng cao giá trị phòng hộ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Ninh Thuận: Hướng tới tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới