Việt Nam nỗ lực mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được Việt Nam xác định là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu.
Mới đây, Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) rung lên hồi chuông báo động về biến đổi khí hậu toàn cầu. Có đến 234 nhà khoa học đến từ 66 quốc gia đã lên tiếng cảnh báo rằng, con người đã làm khí hậu nóng lên với tốc độ chưa từng có trong ít nhất 2.000 năm qua. Đáng chú ý, hiện tượng nóng lên toàn cầu 2 độ C sẽ không dừng lại trong thế kỷ 21; biến đổi khí hậu sẽ gia tăng ở tất cả các vùng trong những thập kỉ tới.
Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, Việt Nam tích cực tham gia vào các nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế nhằm biến “thách thức” do biến đổi khí hậu thành “cơ hội” phát triển bền vững cho tất cả nhân loại.
Không những thế, trong thời gian qua, cùng với các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã chi hàng tỉ USD cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các mô hình sinh kế, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, thu hút và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc triển khai các dự án về phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật biến đổi khí hậu
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thời gian qua, việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được Chính phủ Việt Nam xác định là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định đến sự phát triển bền vững.
Đồng thời, để thực hiện các cam kết quốc tế và triển khai hiệu quả các hoạt động thực tế về ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam đang dần hoàn thiện hệ thống pháp luật về biến đổi khí hậu.
Cụ thể, xây dựng, ban hành chương trình, chiến lược, đề án ở tầm quốc gia như: Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương trình Khoa học công nghệ quốc gia về biến đổi khí hậu; Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu; Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới…
Đồng thời, luật hóa các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vào nhiều văn bản như: Hiến pháp năm 2013; Luật Bảo vệ Môi trường; Luật Tài nguyên nước; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Thủy lợi; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT cũng đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Đây là văn bản pháp luật quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công cam kết với cộng đồng quốc tế về việc cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và 27% khi có hỗ trợ quốc tế. Đồng thời là cơ sở để triển khai hiệu quả các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; là tiền đề phát triển thị trường carbon trong nước; quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế”.
Trong thời gian tới, nhằm quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Đại hội XIII của Đảng xác định: Việt Nam cần “chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, carbon thấp… Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế… Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đây cũng là những hành động thiết thực, đóng góp tích cực của Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ Trái Đất.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường và khó dự đoán. Biến đổi khí hậu cũng khiến nước biển dâng, nóng lên toàn cầu…, lượng mưa tăng kỷ lục. Thời điểm này là lúc con người rất khó kiểm soát tính cực đoan của biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên. Cường độ, tần suất của thiên tai tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua. Trong đó, bão và lũ chiếm khoảng 40%.
Lan Anh (T/h)