Thứ năm, 25/04/2024 20:34 (GMT+7)
Thứ bảy, 14/08/2021 07:19 (GMT+7)

Liên Hợp Quốc: Thế giới vẫn có cơ hội tránh kịch bản 'khủng khiếp' của biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Các quốc gia đã trì hoãn việc hạn chế khí thải từ hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch quá lâu, đến nỗi thế giới sẽ không còn cơ hội để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu gia tăng trong 30 năm tới, nhưng vẫn còn cơ hội để tránh kịch bản “khủng khiếp".

Đây là nội dung chính của báo cáo khí hậu mà Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc mới công bố, với nội dung được đánh giá là cung cấp những thông tin cụ thể nhất từ trước tới nay về hậu quả của việc con người không chịu hành động để bảo vệ khí hậu.

Trái đất sẽ tiếp tục nóng lên

Theo báo cáo, con người đã khiến Trái Đất nóng lên gần 1,1 độ C kể từ thế kỷ 19 cho đến nay, chủ yếu do các hoạt động đốt than, dầu mỏ và khí đốt để sản xuất năng lượng.

Chính con người gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu. Kết luận về cơ bản, tình trạng nhiệt độ toàn cầu tăng kể từ thế kỷ 19 là do các quốc gia đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và thải ra bầu khí quyển các loại khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2 và metan tạo ra bẫy nhiệt.

Liên Hợp Quốc: Thế giới vẫn có cơ hội tránh kịch bản 'khủng khiếp' của biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Sử dụng nhiên liệu hoá thạch quá mức là nguyên nhân chính khiến cho trái đất nóng lên. (Ảnh minh hoạ)

Thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất trên Trái Đất trong 125.000 năm. Các dòng sông băng đang tan chảy và suy giảm với tốc độ chưa từng thấy trong ít nhất 2.000 năm.

Nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển đang ở mức cao nhất trong ít nhất 2 triệu năm. Mực nước biển tăng trung bình 0,2m trong thế kỷ qua, đặc biệt tốc độ nước biển dâng đã cao gấp đôi kể từ năm 2006.

Các đợt sóng nhiệt cũng trở nên nóng hơn rất nhiều kể từ năm 1950, với thời gian kéo dài hơn trên toàn thế giới.

Các hình thái thời tiết dễ dẫn đến cháy rừng cũng xuất hiện nhiều hơn tại nhiều nơi trên thế giới. Tần suất xảy ra các đợt nóng nghiêm trọng trong lòng đại dương cũng tăng gấp đôi kể từ năm 1980.

Báo cáo chỉ ra nhiều đợt nắng nóng kỷ lục gây thiệt hại nghiêm trọng có thể không xảy ra nếu con người không tác động tới hệ khí hậu. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến các đợt hạn hán, mưa lớn và lũ lụt trở nên trầm trọng hơn.

Trong báo cáo, IPCC khẳng định khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng thì các thảm họa thiên nhiên cũng gia tăng cả về cường độ và tấn suất. Nếu như trước đây một đợt sóng nhiệt nguy hiểm có thể chỉ xảy ra ở một khu vực 1 lần trong 50 năm thì đến nay con số trên bị rút ngắn xuống còn trung bình 10 năm.

Và khi Trái Đất ấm lên 1,5 độ C thì những đợt sóng nhiệt sẽ xuất hiện chỉ sau 5 năm và cường độ sẽ mạnh hơn nhiều. Khi nhiệt độ Trái Đất tăng 4 độ C thì các đợt sóng nhiệt sẽ là các sự kiện thường niên.

Tuy nhiên, báo cáo mới của IPCC chỉ ra đây mới chỉ là sự bắt đầu. Kể cả khi các quốc gia bắt đầu cắt giảm mạnh khí thải ngay lập tức thì nhiệt độ Trái Đất vẫn sẽ ấm lên khoảng 1,5 độ C trong vòng 2 thập kỷ tới, một tương lai gần như chắc chắn.

Nếu Trái Đất ấm lên 1,5 độ C, trong thế kỷ này, nước biển sẽ dâng từ 30-61cm, nhấn chìm nhiều vùng duyên hải trong các trận lũ lụt mà trước đây chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ.

Ngoài ra, báo cáo cũng lưu ý có những thay đổi không thể dự đoán được cũng sẽ xảy ra. Khi nhiệt độ ấm lên 1,5 độ C, các nhà khoa học phát hiện ra các mối nguy hiểm cũng sẽ gia tăng đáng kể.

Hậu quả khủng khiếp

Gần 1 tỉ người trên thế giới sẽ phải sinh sống ở những nơi sẽ tiếp nhận ngày càng nhiều các đợt sóng nhiệt. Hàng trăm triệu người sẽ vật lộn vì thiếu nước trong các đợt hạn hán nghiêm trọng.

Một số loài động, thực vật sẽ biến mất, các rạn san hô vốn là nơi cung cấp nguồn hải sản cho nhiều vùng rộng lớn trên toàn cầu, sẽ chứng kiến các đợt tẩy trắng quy mô lớn thường xuyên hơn.

Nhà khoa học khí hậu Piers Forster từ Đại học Leeds, một trong hàng trăm chuyên gia quốc tế đóng góp cho báo cáo, cảnh báo trong 20 -30 năm tới, các hình thái thời tiết cực đoan sẽ tăng vọt. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn hiện nay. 

Ngày càng nhiều các nhà lãnh đạo trên thế giới phê chuẩn mục tiêu quốc gia nhằm hạn chế mức nhiệt tăng toàn cầu ở 1,5 độ C nhưng các chính sách hiện đang được các quốc gia phát thải lớn áp dụng được cho là rất khó để giúp đạt được mục tiêu đề ra.

Báo cáo mô tả mỗi 1 độ C tăng thì hậu quả sẽ lại càng thảm khốc hơn. Lũ lụt và các đợt sóng nhiệt ngày càng nhiều hơn. Hạn hán ngày càng khắc nghiệt hơn và mực nước biển dâng cũng sẽ không ngừng tăng, đe dọa sự tồn tại của nhiều quốc đảo.

Trái Đất càng nóng thì nguy cơ vượt các ngưỡng nguy hiểm “không thể đảo ngược” càng cao, như tình trạng tan chảy không thể khôi phục với các tảng băng dày ở Greendland và Tây Nam Cực.

Phó Chủ tịch IPCC Ko Barret nhấn mạnh tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp diễn sẽ gây ra những thay đổi không thể sửa chữa trong hệ thống khí hậu toàn cầu. Chỉ bằng việc cắt giảm khí thải ngay lập tức và lâu dài thì con người mới có thể thực sự thay đổi được tương lai khí hậu phía trước.

Cũng theo báo cáo, loài người sẽ không mất tất cả mà vẫn có thể ngăn chặn Trái Đất tiếp tục nóng lên. Để làm được điều này các quốc gia cần phối hợp để đạt mục tiêu chấm dứt việc thải thêm khi CO2 vào bầu khí quyển vào năm 2050.

Các nước cần lập tức chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cũng như nhanh chóng “dọn sạch” càng nhiều lượng khí carbon trong bầu khí quyển càng tốt.

Báo cáo kết luận, nếu có thể làm điều này, tình trạng ấm lên toàn cầu có thể sẽ dừng lại ở mức tăng 1,5 độ C. Tuy nhiên, nếu các quốc gia thất bại, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, có thể vượt cả các mức 2 - 3 độ C và thậm chí là 4 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Báo cáo được 195 chính phủ thông qua, dựa trên hơn 14.000 nghiên cứu và là bản đánh giá “khoa học vật lý” toàn điện nhất cho tới nay về biến đổi khí hậu.

Báo cáo được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm trong hội nghị khí hậu vào tháng 11 tới của LHQ COP26 tại Glasgow, Scotland (Anh). Báo cáo này là một phần trong bản đánh giá thứ 6 về khoa học khí hậu của IPCC từ khi tổ chức được thành lập năm 1988.

IPCC sẽ công bố báo cáo thứ 2 vào năm 2022, trong đó sẽ nêu cụ thể biến đổi khí hậu sẽ tác động ra sao tới xã hội loài người như các thành phố ven biển, các nông trại và các hệ thống chăm sóc y tế.

Bản báo cáo thứ 3 cũng được công bố vào năm sau, sẽ khai thác đầy đủ hơn về những chiến lược nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.

Minh Dương (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Liên Hợp Quốc: Thế giới vẫn có cơ hội tránh kịch bản 'khủng khiếp' của biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.