Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống thiên tai
Các cơ quan của Liên Hợp Quốc cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai trong giai đoạn tới.
Trong 3 thập kỷ qua, các thiên tai liên quan đến khí hậu ở Việt Nam đã gây ra thiệt hại ước tính trung bình hàng năm từ 1 - 1,5% GDP và khoảng hơn 130 người thiệt mạng. Tính riêng năm 2020, Việt Nam phải chịu thiệt hại 1,7 tỉ USD; khoảng 360 người bị thương. Ngoài ra, theo ước tính của Việt Nam, chi phí cho thích ứng với biến đổi khí hậu có thể vào khoảng 3% GDP tính đến năm 2030. Đây thực sự là con số không nhỏ đối với một nền kinh tế đang phát triển như nước ta.
Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, thiên tai trong thời gian qua đã cho thấy mối tương quan giữa biến đổi khí hậu với các rủi ro liên quan đến sức khỏe con người có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung của Việt Nam. Đặc biệt, những mối nguy này làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương và chênh lệch giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số, các gia đình nghèo và nhóm người yếu thế trong xã hội.
Để ứng phó với rủi ro thiên tai, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, Liên Hợp Quốc và các đối tác phát triển khác đã hỗ trợ kịp thời và có giá trị bằng cách huy động các nguồn lực quan trọng và cấp thiết để thực hiện các chương trình phục hồi sau thiên tai.
Hơn nữa, Liên Hợp Quốc đã huy động các nguồn lực quốc tế bao gồm nguồn lực đóng góp từ Quỹ ứng phó khẩn cấp trung tâm của Liên Hợp Quốc để giải quyết các vấn đề liên quan đến lũ lụt vào năm 2020 cũng như hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong đó, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc đã huy động hơn 60 triệu USD để tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương do bão lũ và tăng khả năng chống chịu của cộng đồng người dân ven biển, những người sản xuất nhỏ lẻ dễ bị tổn thương, ứng phó tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu gây ra ở các vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Ông Kamal Malhotra thông tin trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 diễn ra mới đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc nâng cao khả năng chuẩn bị sẵn sàng và tăng cường năng lực, cải thiện công tác lập kế hoạch, đặc biệt là ở các địa phương sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam.
Ông khẳng định, các cơ quan Liên Hợp Quốc luôn sát cánh cùng Việt Nam, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp.
“Chúng tôi sẽ không chỉ duy trì sự tham gia của mình mà còn cam kết tăng cường sự hỗ trợ Chính phủ và người dân Việt Nam, đặc biệt là thông qua việc thực hiện Khung hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026 đang được xây dựng”, ông Kamal Malhotra chia sẻ.
Năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai rất bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước. Trong năm đã xảy ra 16 loại hình thiên tai; Trong đó có 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố. Đỉnh điểm là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22/10 đã gây thiệt hại lớn tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển cũng xảy ra trên diện rộng tại đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai đã làm 288 người chết, 65 người mất tích và 876 người bị thương; 3.424 nhà sập, 333.050 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 509.793 lượt nhà bị ngập. Ngoài ra, các loại hình thiên tai cũng làm thiệt hại 196.887 ha lúa và hoa màu; 51.923 con gia súc và 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; hàng nghìn ki-lô-mét đê kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến hơn 35.181 tỉ đồng.
Phương Anh