Bộ TN&MT chuẩn bị các giải pháp ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu
Bộ TN&MT xác định các nhóm giải pháp cần ưu tiên hàng đầu để ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, bao gồm nâng cao năng lực dự báo, giám sát khí hậu; giảm thiểu thiệt hại thiên tai và cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam là quốc gia xếp thứ 6 trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, các diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra tỉ lệ tử vong và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất cao.
Trong bối cảnh đó, những năm gần đây Bộ TN&MT tiếp tục chú trọng xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu với việc xây dựng và phát triển năng lực nghiên cứu, ưu tiên nghiên cứu cơ bản để phục vụ dự báo, cảnh báo và phân vùng rủi ro thiên tai; phát triển hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hệ thống quan trắc tai biến địa chất và phòng chống thiên tai; tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống giám sát bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL bằng công nghệ viễn thám.
Để giám sát khí hậu, Bộ TN&MT sẽ cập nhật, cụ thể hóa Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng và cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai của cả nước và chi tiết đến từng vùng, miền, địa phương.
Đồng thời, tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phê duyệt tại Quyết định số 1055 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái (EbA), dựa vào cộng đồng (CbA) và dựa vào tự nhiên (NbS).
Với mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, đặc biệt là những vùng dễ tổn thương, Bộ TN&MT triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn thông qua các nhiệm vụ như đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu theo vùng, miền; cập nhật các bản đồ nguy cơ ngập lụt theo kịch bản nước biển dâng đến cấp xã; Thực hiện các giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất nhằm giảm sụt lún, nhiễm mặn ở các vùng ven biển, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long.
Về thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính của các hệ sinh thái, Bộ TN&MT cho biết sẽ tiếp tục thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính định kỳ 2 năm một lần; áp dụng các biện pháp công nghệ và quản lý để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực chất thải; khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, Bộ cũng chú trọng thiết lập hệ thống quốc gia về giám sát, báo cáo, thẩm định (MRV) cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính; thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu quốc gia và các kế hoạch có liên quan.
Đặc biệt, Bộ xác định đến năm 2025, phấn đấu đạt một số mục tiêu cụ thể quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu, điển hình như nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai nhằm góp phần chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai, biến đổi khí hậu; triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu. Hướng tới giảm 7,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường theo lộ trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Thời gian chống biến đổi khí hậu đang cạn dần
Theo báo cáo "Tình trạng khí hậu toàn cầu 2020" của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, năm 2020 là một năm "thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra, tác động đến cuộc sống, phá hủy sinh kế và buộc nhiều triệu người phải rời bỏ nhà cửa."
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng: "Năm nay phải là năm hành động. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050... Thời gian đang cạn dần để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần làm nhiều hơn, và nhanh hơn, ngay từ bây giờ".
Thùy Linh (T/h)