Thứ sáu, 22/11/2024 00:24 (GMT+7)
Thứ tư, 27/07/2022 17:40 (GMT+7)

Việt Nam hành động hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững

Theo dõi KTMT trên

Nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất dưới tác động của BĐKH. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng "xanh", đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp.

25- 30% tổng lượng khí thải ở Việt Nam từ sản xuất nông nghiệp

Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất. 

Mới đây, Hội thảo “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” (TRVC) do Cục Trồng trọt và Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV được tổ chức.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Trong 30 năm qua, bình quân thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu khoảng 1,5% GDP/năm và ước tính thiệt hại có thể từ 3-5% GDP/năm trong thời gian tới. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là nhóm người nghèo, phụ nữ và trẻ em.

Việt Nam hành động hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực; trong đó nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất.

Tuy nhiên thực tế mỗi năm, sản xuất nông nghiệp nước ta thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt, 46% là từ hoạt động canh tác lúa nước.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, nông nghiệp phát thải 88,6 triệu tấn CO2e (carbon dioxit tương đương) mỗi năm. Trong nông nghiệp, 75% tổng lượng khí thải là Metan (CH4), trong đó 75% là từ sản xuất lúa. “Áp lực sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính ngày càng lớn đối với nông dân trồng lúa ở ĐBSCL”, ông Tùng cho hay.

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, vùng ĐBSCL có diện tích lúa 3,9 triệu ha/năm, trong đó có 700.000ha canh tác 3 vụ; tổng sản lượng hơn 24 triệu tấn (chiếm 56% cả nước); cung cấp 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Nỗ lực chuyển đổi hệ thống lương thực “xanh”

Đứng trước thực tế như vậy, những cam kết của Việt Nam tại COP26 về đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, giảm 30% phát thải metan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2020. Đồng thời, cùng với việc tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu là xu thế tất yếu nhằm đảm bảo Việt Nam sẽ trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch – trách nhiệm – bền vững cho toàn cầu.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Nga, ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đang tiếp tục tích cực để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan, dùng một luật để sửa nhiều luật; nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể; rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu… để thực hiện các cam kết này. Dù có nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu, hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nằm trong nỗ lực thực hiện tiến trình đó, trong thời gian tới, Việt Nam đã định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, bao gồm: Chuyển đổi đối với hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng "xanh", ít phát thải và bền vững, đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, phát triển và ứng dụng tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp và nhân rộng mô hình hợp tác công tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.

Được biết, Dự án TRVC được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, thực hiện từ năm 2022- 2027 tại 3 tỉnh sản xuất lúa trọng điểm ở khu vực ĐBSCL là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.

Mục tiêu của dự án là chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh và hệ thống lương thực chống chịu với biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL. Dự án sử dụng cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả, khuyến khích và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp tham gia sẽ gửi hồ sơ, giới thiệu tóm tắt về doanh nghiệp và năng lực thiết kế các công nghệ sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, năng lực tài chính và năng lực mở rộng các công nghệ ở các vùng sản xuất lúa ở 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Sau đó, SNV sẽ thông tin về cuộc thi, cơ cấu giải thưởng và các thông tin liên quan...

Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng 300.000 hộ nông dân trồng lúa, giảm phát thải khoảng 200.000 tấn CO2, tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào cho các nông hộ; đề xuất các phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính…

Từng đề cập đến vấn đề này, TS Trần Đại Nghĩa, Trưởng bộ môn nghiên cứu Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, theo đánh giá của Cơ quan môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), năm 2021, sự nóng lên toàn cầu vào cuối thế kỷ này được được dự báo là 2,7 độ C nếu tất cả các cam kết 2030 vô điều kiện được thực hiện đầy đủ và 2,6 độ C nếu tất cả các cam kết có điều kiện cũng được thực hiện. Nếu các cam kết đưa phát thải ròng về 0 được thực hiện đầy đủ, thì ước tính nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng khoảng 2,2 độ C. Tuy nhiên, nguồn lực để hiện thực hóa được các mục tiêu này còn rất hạn chế.

Do đó, liên quan đến các nhóm giải pháp giảm thải CO2 đến năm 2030, ông Nghĩa cho rằng, đối với ngành trồng trọt, 2 giải pháp có tiềm năng giảm thải cao nhất là quản lý nước và áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến trong sản xuất lúa nước (tiềm năng giảm 10,8 triệu tấn CO2tđ), và thu gom, quản lý và tái sử dụng sản phẩm từ phế phẩm cây trồng (tiềm năng giảm 8,7 triệu tấn CO2tđ). Đối với ngành chăn nuôi, giải pháp cải thiện khẩu phần thức ăn chăn nuôi, công nghệ tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ (tiềm năng giảm 5,92 triệu tấn CO2tđ) là các giải pháp trọng tâm của ngành.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030, mục tiêu đến năm 2030 giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng hàng năm đảm bảo ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia…

Mục tiêu cụ thể trong giảm phát thải, đến năm 2025, tỷ lệ giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học là trên 30%, đến năm 2030 giảm 40%. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch đến năm 2025 là 8% và năm 2030 là 5%. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa bình quân năm 2025 đạt 70% và năm 2030 là 80%, riêng ở ĐBSCL là 90% năm 2025 và 100% vào năm 2030…

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam hành động hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.