Thứ sáu, 22/11/2024 06:15 (GMT+7)
Thứ ba, 14/06/2022 15:55 (GMT+7)

Hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

ĐBSCL là 1 trong 4 đồng bằng trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu. Do đó, cần tạo ra hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp khỏe mạnh hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ sinh kế bền vững cho nông dân.

50 triệu USD thúc đẩy phát triển nông nghiệp phát thải thấp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ ký thỏa thuận tài trợ về dự án “Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL”. Đây là cơ sở để USAID huy động nguồn ngân sách tài trợ cho ngành NN&PTNT Việt Nam.

Với tổng kinh phí khoảng 50 triệu USD, Dự án “Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp phát thải thấp và chống chịu tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian 5 năm (2022-2027). 

Thông qua thỏa thuận này, USAID sẽ hỗ trợ Bộ NN&PTNT giảm phát thải khí metan trong nông nghiệp, tăng cường khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương tại ĐBSCL, thúc đẩy các giải pháp dựa vào tự nhiên và xây dựng các chính sách về chống chịu với khí hậu và phát thải thấp.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman kỳ vọng, thỏa thuận này sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050, bảo vệ sinh kế cho nông dân cũng như tạo ra hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp khỏe mạnh hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đồng thời, có các giải pháp thuận thiên hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp.

Hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL - Ảnh 1
Bộ NN&PTNT phối hợp cùng USAID ký thỏa thuận tài trợ về dự án thúc đẩy phát triển nông nghiệp phát thải thấp và chống chịu tác động của biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

“Để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, Bộ NN&PTNT đã tham gia nhiều sáng kiến với Hoa Kỳ cùng các nước và các tổ chức quốc tế như Sáng kiến "Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu” (AIM4C); Liên minh hành động “Thúc đẩy tăng trưởng năng suất bền vững cho an ninh lương thực và bảo tồn tài nguyên” (SPG); “Trung tâm đổi mới sáng tạo về công nghệ thực phẩm;” Sáng kiến “100 triệu nông dân: chuyển đổi sang hệ thống lương thực không phát thải và thân thiện với môi trường”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự ủng hộ và hỗ trợ của Hoa Kỳ, hàng năm đã tài trợ cho ngành NN&PTNT hàng chục triệu USD để triển khai các dự án trong hợp tác khoa học công nghệ ở các lĩnh vực kiểm soát dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi (ASF)…

Cũng trong buổi lễ, một dự án mới được khởi động bởi USAID và Bộ NN&PTNT, nhằm hỗ trợ Việt Nam kiểm soát tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép đang diễn ra ngày một nghiêm trọng. Theo đó, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF Mỹ) là đơn vị thực hiện dự án phối hợp cùng tổ chức TRAFFIC và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV).

Việt Nam được đánh giá là quốc gia trung chuyển, nguồn và điểm đến trong chuỗi cung ứng của nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Dự án mới sẽ tập trung bảo vệ các loài động vật đang có nguy cơ bị buôn bán quốc tế vào Việt Nam như tê giác châu Phi, voi châu Phi và châu Á, tê tê, cũng như các loài động vật thường xuyên bị săn bắt và buôn bán trong nước và quốc tế như linh trưởng, hoẵng và các loài mèo lớn. 

Với ngân sách 15 triệu USD, Dự án bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp” được thực hiện trong 5 năm, nhằm mục tiêu tăng cường năng lực lãnh đạo của Việt Nam trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã thông qua thúc đẩy cam kết của các lãnh đạo cấp trung ương và địa phương, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật và giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.

“Việc thực hiện hiệu quả dự án Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp sẽ góp phần giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thể hiện cam kết cao nhất của Chính phủ Việt Nam trong việc chống buôn bán động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại Việt Nam”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết.

Nông nghiệp vùng ĐBSCL dưới tác động của biến đổi khí hậu

ĐBSCL gồm 13 tỉnh và là khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP hàng năm. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường, tác động nhanh và mạnh so với các dự báo trước đây; đồng thời, các hoạt động khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn và nội vùng tiếp tục gia tăng; tình trạng sụt lún đất, xâm thực biện, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng. Đây là 1 trong 4 đồng bằng trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 

biến đổi khí hậu đã và đang gây nhiều thiệt hại cho SXNN ở ĐBSCL, trong đó có hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) và hộ thành viên. Kết quả điều tra năm 2020 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện CSCL) cho thấy: 80,3% HTX khảo sát cho biết hiện tượng biến đổi khí hậu có xuất hiện trên địa bàn hoạt động của HTX trong 5 năm qua với 3 hiện tượng phổ biến là xâm nhập mặn, hạn hán và thời tiết cực đoan (giông bão, mưa to, lũ lụt).

Hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL - Ảnh 2
ĐBSCL là 1 trong 4 đồng bằng trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. (Ảnh minh họa)

Theo một nghiên cứu năm 2019, trong trường hợp nước biển dâng 1m, tổng sản lượng lúa của vùng ĐBSCL có thể giảm 40% nếu không có các biện pháp ứng phó phù hợp. Ngoài ra, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nhiều dịch bệnh xuất hiện, năng suất của nhiều loại cây trồng như lúa, ngô sẽ giảm.

Với kịch bản biến đổi khí hậu trung bình, năng suất lúa vụ Đông Xuân được dự báo giảm 716,6kg/ha, vụ Hè Thu giảm khoảng 795kg/ha vào năm 2050. Điều này sẽ dẫn đến suy giảm khoảng 1,48 triệu tấn lúa. Năng suất ngô có thể giảm 782kg/ha, khiến sản lượng giảm khoảng 880 ngàn tấn.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác dẫn đến sự giảm năng suất cây trồng là sự suy giảm lượng phù sa do bị giữ lại phía thượng nguồn. Theo tính toán của các chuyên gia, tác động tích lũy của các dự án thủy điện trên sông Mekong có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho ĐBSCL, năng suất cây trồng dự báo sẽ giảm từ 0,6-1 tấn/ha.

Kết quả điều tra của Viện CSCL năm 2020 cho thấy, xâm nhập mặn gây giảm năng suất 41,5%; tiếp đến là hạn hạn làm giảm 35,8%; thời tiết cực đoan làm giảm 27,9% và các hiện tượng khác làm giảm 28,3%. Cây ăn quả bị giảm năng suất nhiều nhất (giảm 49,6%), thủy sản giảm 43,9%, lúa giảm 24,9% và cây trồng khác giảm 30%. Trung bình, biến đổi khí hậu gây giảm năng suất cây trồng vật nuôi khoảng 35,2%.

Đồng thời, biến đổi khí hậu tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa. Sinh kế nông nghiệp bền vững có nguy cơ bị mai một. Một bộ phận nông dân có khả năng phải chuyển đổi (hoặc đánh đổi) sinh kế, tỷ lệ này ở ĐBSCL được dự báo là không nhỏ…

Theo các nghiên cứu của chuyên gia quốc tế, nếu không có biện pháp thích ứng hiệu quả, trong vòng 80 năm tới, mực nước biển dâng lên có thể khiến 90% diện tích của ĐBSCL bị ngập lụt hàng năm, từ đó dẫn tới tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng và những thiệt hại lớn về kinh tế xã hội. Trong các tỉnh ĐBSCL, Trà Vinh và Bạc Liêu là 2 tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu. Đây chính là một trong những thách thức lớn cho toàn vùng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ "rất trăn trở" với ĐBSCL, vùng có nhiều tiềm năng, cơ hội, lợi thế lớn, rất được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng vẫn phát triển chưa tương xứng so với đầu tư và mong muốn. Những năm qua, đầu tư công dành cho ĐBSCL chiếm khoảng 17-20% cả nước, nhưng vùng chỉ chiếm khoảng 10% thu ngân sách của cả nước. 

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về ĐBSCL. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; xác định nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực; gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, lấy công nghiệp, dịch vụ là bệ đỡ phát triển nông nghiệp.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.